Năng suất lúa trung bình mỗi năm khoảng trên 5 tấn/ha, tôm 200-500kg/ha là thu hoạch trong tầm tay đối với những hộ nông dân đi theo mô hình trên ở khắp các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang...
Xây nhà mới, trả hết nợ nhờ luân canh
Ở vùng U Minh Thượng, người dân đã bắt đầu cải tiến quy trình luân canh làm sao thích ứng với biến đổi khí hậu. Họ thực hiện mô hình trồng lúa, nuôi ghép tôm sú với tôm càng xanh, tôm sú với tôm thẻ chân trắng.
Với diện tích hơn 1ha kết hợp lúa - tôm, anh Lê Thanh Sơn (ngụ huyện U Minh Thượng, Kiên Giang) năm nào cũng trúng đậm.
Mô hình tôm - lúa đang giúp người dân sống khỏe trong vùng hạn, mặn. |
Anh Sơn tìm được một giống lúa có tên BN1 do tập đoàn Lộc Trời cung cấp, được hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm bài bản nên năng suất trung bình đạt hơn 4 tấn/ha.
“Năm nay hạn, mặn khốc liệt nên người làm lúa 2 vụ bị thiệt hại gần như hoàn toàn. Riêng gia đình tôi đã chuyển sang mô hình lúa - tôm nên lúc nước mặn vào thì lúa đã thu hoạch xong. Nước mặn vào thì mình giữ lại để chuẩn bị nuôi tôm. Năm nay tôi nuôi tôm sú, lãi hơn 100 triệu đồng”, anh Sơn cho biết.
Bí quyết là người dân nuôi theo kiểu lấy ngắn nuôi dài, thu hoạch xong tôm sú, tôm thẻ chân trắng thì tập trung chăm sóc tôm càng xanh. Đến lúc thu hoạch xong vụ tôm thì cải tạo đất ruộng để trồng lúa.
Anh Trương Thanh Hà có gần 1ha ruộng, trước đây thường làm 2 vụ lúa nhưng càng làm càng thua lỗ, nợ ngân hàng huyện hơn 50 triệu đồng, chưa kể tiền vay bên ngoài.
Học bà con khác, anh chuyển sang luân canh lúa - tôm thì vụ nào cũng lãi hơn 50 triệu đồng.
“Con tôm sống trong môi trường nước mặn mùa nắng, đến mùa mưa thức ăn thừa, chất thải của tôm dùng để bón lúa. Như thế vừa có tôm, vừa có lúa bán quanh năm”, anh Hà giải thích.
Chỉ sau một năm chuyển sang mô hình tôm - lúa, gia đình anh Nguyễn Văn Minh ở huyện An Minh (Kiên Giang) cũng có của ăn, của để và xây nhà mới.
Hết vụ lúa, anh Nguyễn Văn Minh quây nước mặn nuôi tôm. |
Theo anh, mô hình lúa - tôm hạn chế sử dụng hóa chất, dịch bệnh trên tôm, giảm chi phí sản xuất lúa do sử dụng chất hữu cơ từ vụ nuôi tôm trước, ổn định môi trường sinh thái, thu nhập từ trồng lúa ngày càng tăng.
Năm nay, trong khi nhiều người đổ nợ vì hạn mặn thì gia đình anh vẫn sống khỏe vì tôm - lúa đều trúng mùa.
“Tôm hiện nay giá rất cao, từ 240.000 – 290.000 đồng/kg, còn lúa thì làm ra bao nhiêu cũng được các nhà máy của công ty Thoại Sơn thu mua với giá cao”, anh Minh hồ hởi cho biết.
Cơ hội làm giàu từ hạn, mặn
Các nhà khoa học giải thích, ĐBSCL đang chịu tác động của biến đổi khí hậu nặng nhất trong 100 năm qua. Đây là điều đã dự đoán được từ trước. Việc khoanh vùng ngọt hóa để trữ ngọt sản xuất lúa là điều không tưởng.
Tuy nhiên, nước mặn xâm nhập vào ruộng lúa đã tạo điều kiện cho người dân phát minh ra mô hình lúa - tôm và đạt kết quả cao, cũng như thích ứng tốt với xâm nhập mặn.
Những hộ nông dân hợp tác với tập đoàn Lộc Trời đang ăn nên làm ra với mô hình lúa - tôm. |
PGS.TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (tập đoàn Lộc Trời) giải thích, vào mùa nắng, ở vùng ven biển, người dân nên đưa nước mặn vào nuôi tôm, khi mưa già thì dùng nước mưa để rửa mặn. Nhưng đưa nước mặn thì tuyệt đối không để ruộng bị khô. Vì khi đất ruộng khô, chất mặn sẽ kết dính rất chặt, khó rửa sạch được.
“Mình cứ cố đưa nước ngọt vào vùng có nguy cơ nhiễm mặn cao để trồng lúa là rất nguy hiểm. Theo tôi, cứ để nước mặn xâm nhập rồi mình nuôi tôm. Tuy nhiên, phải quy hoạch rõ ràng để nuôi tôm và trồng lúa sạch bệnh. Nuôi tôm liên tục cũng không được, phải 1 vụ lúa, 1 tôm mới an toàn, hiệu quả".
"Chúng ta cũng phải có chế tài đối với những nông dân nào phá quy hoạch đó, không thể để nông dân muốn làm gì cũng được. Cả vùng sản xuất 1 vụ lúa, 1 vụ tôm mà có một hộ nuôi tôm quanh năm làm dịch bệnh, nước mặn tràn qua các hộ khác sao được”, PGS.TS Dương Văn Chín chia sẻ.
Cũng theo ông, lúa là cây chịu mặn tốt nhất trong các loại nông nghiệp ở ĐBSCL. Loại cây này không chịu đựng được hạn, mặn thì các loại cây khác cũng thua.
“Theo tôi, vùng sông Tiền, sông Hậu có khoảng 300.000ha đất rất cao mà sa cấu nhẹ thì kiên quyết không làm lúa Xuân Hè. Vùng này chỉ làm lúa Đông Xuân và Hè Thu, còn vụ Xuân Hè mình nên trồng hoa màu.
Nhưng trồng màu cũng phải cơ giới hóa để tiết kiệm chi phí, cạnh tranh trực tiếp với những sản phẩm nhập khẩu. Phải quy hoạch rõ ràng, vùng nào là lúa - tôm, vùng nào có nước ngọt thì nên trồng hai vụ lúa. Mùa nắng vùng ven biển tuyệt đối không trồng lúa”, ông Chín nói thêm.
Nhà khoa học cũng điểm huyệt một nguyên nhân thiệt hại hạn, mặn tồi tệ, đó là hệ thống trạm bơm tại ĐBSCL chưa phát huy hết hiệu quả.
PGS.TS Dương Văn Chín cho rằng, cố đưa nước ngọt vào vùng có nguy cơ nhiễm mặn cao để trồng lúa là rất nguy hiểm. |
Hầu hết các trạm chỉ được sử dụng vào mùa lũ, bơm nước trong ruộng ra để xuống giống, mà không bơm ngược nước vào đồng ruộng vào mùa khô.
“Điển hình như vào đầu mùa nắng, khi nước dưới sông còn ngọt thì nên dùng các trạm bơm đó vào vùng đê bao để biến thành những hồ trữ nước ngọt, cung cấp cho các ruộng lúa và không cho mặn xâm nhập. Đây là vấn đề từ trước đến nay không ai quan tâm đến”, ông Chín nêu quan điểm.
Theo ngành nông nghiệp các địa phương ở ĐBSCL, mô hình luân canh lúa - tôm đem đến lợi nhuận cao cho nông dân, nhưng chưa xứng với tiềm năng của vùng.
Để mô hình phát triển bền vững, phải hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi đồng bộ, đảm bảo điều tiết nguồn nước phục vụ nuôi tôm, trồng lúa theo từng vùng, quản lý nguồn nước, nồng độ mặn theo yêu cầu sản xuất lúa - tôm.
Cần lập các hợp tác xã nuôi tôm quy mô lớn, có khả năng ứng phó cao, phòng tránh rủi ro do biến đổi khí hậu.