Những ngày qua, dư luận quan tâm nhiều đến việc Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh thực hiện các thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền cho thôi nhiệm vụ và nghỉ hưu trước tuổi. Xung quanh câu chuyện này, ông Trần Công Chánh vừa có cuộc trao đổi khá cởi mở với phóng viên VOV.
PV: Thưa ông, có hay không việc ông thực hiện các thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền cho thôi nhiệm vụ và nghỉ hưu trước tuổi như một số cơ quan thông tấn, báo chí đã thông tin trong những ngày vừa qua?
Ông Trần Công Chánh: Hai ngày nay tôi bận rất nhiều công việc để tập trung lo cho Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh vào ngày 28 và 29/9 này, làm việc hợp tác với các địa phương lân cận, với các doanh nghiệp, với các địa phương của Hậu Giang, rồi tranh thủ đi làm việc ngoài Hà Nội với các bộ, ngành và trực tiếp làm việc với Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến, báo cáo lại công tác chuẩn bị cho Hội nghị xúc tiến đầu tư này.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh (phải) nghe ngành kiểm lâm báo cáo về công tác phòng chống cháy rừng, hạn mặn tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Tôi biết có một số cơ quan thông tấn, báo chí đưa thông tin về việc nghỉ hưu của tôi. Việc này cũng nhiều người biết, nhất là các đồng chí lãnh đạo đã biết rồi. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tôi thấy mình không đủ tuổi để làm trọn vẹn một nhiệm kỳ nên ý định của tôi cũng muốn xin nghỉ để các đồng chí đủ điều kiện về tuổi tác, năng lực, trình độ cống hiến cho tỉnh Hậu Giang. Nhưng qua trao đổi, được các đồng chí Trung ương quan tâm, đề nghị tôi nên ở lại làm một thời gian để góp phần phát triển Hậu Giang.
Sau kết quả Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ 13, được sự tín nhiệm của đại biểu, tôi tiếp tục làm Bí thư Tỉnh ủy. Tôi cho đây là một trọng trách rất lớn. Tôi thấy trách nhiệm của mình đối với Đảng bộ, đối với quê hương Hậu Giang là phải tiếp tục cống hiến để góp phần cùng với tập thể đảng bộ xây dựng quê hương ngày một phát triển tốt hơn.
Sau đó gần cuối năm 2016, tôi thấy rằng qua hơn 1 năm cùng với Đảng bộ thực hiện các nhiệm vụ được giao, tôi có hoàn cảnh riêng của mình và muốn trình bày với tổ chức được xin nghỉ hưu sớm. Tôi có làm đơn và được các đồng chí lãnh đạo Trung ương động viên làm thêm một thời gian nữa. Trong suốt thời gian chờ đợi đó, tôi cũng rất tâm huyết cùng với tập thể Ban chấp hành, tập thể Ban thường vụ tập trung lo công việc của địa phương cho tốt, mấy tháng gần đây tôi tiếp tục gửi đơn xin được về hưu. Việc này theo thông tin của báo chí là đúng rồi nhưng mà còn chuyện tôi được nghỉ lúc nào phụ thuộc vào thẩm quyền quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, khi có quyết định thì lúc bấy giờ chính thức tôi nghỉ.
Thời gian từ nay đến ngày có quyết định nghỉ, với trách nhiệm của mình, tôi sẽ cùng với tập thể Đảng bộ và cán bộ của Hậu Giang làm thật tốt chức trách, nhiệm vụ của mình để góp phần phát triển địa phương mình ngày một tốt hơn.
PV: Lý do nào khiến ông xin thôi nhiệm vụ và nghỉ hưu sớm, trong khi theo quy định còn 2 năm nữa ông mới đến tuổi nghỉ hưu?
Ông Trần Công Chánh: Tôi gửi đơn xin được về hưu với những lý do cụ thể. Tôi bị tiểu đường hơn 15 năm rồi, rồi bệnh huyết áp, sau đó đi kiểm tra bệnh thì các bác sĩ ở Bệnh viện Thống Nhất cho biết tôi bị bệnh viêm hoàng điểm ở mắt nên cần tập trung thời gian trị bệnh.
Còn thông tin mẹ tôi bị bệnh, rồi việc nhà khó khăn theo thông tin của báo chí cũng có nhưng không hẳn vì những lý do này mà tôi xin nghỉ. Mẹ tôi bị bệnh, hiện bà đang nằm hấp hối tại bệnh viện, chỉ cần rút ống ra thì bà sẽ đi. Tôi xin nghỉ để mình có thời gian đi điều trị bệnh tốt hơn. Vì nếu vắng mặt ở cơ quan nhiều tôi thấy cũng không ổn. Khi nghỉ, tôi có điều kiện tới lui để cùng anh, em trong gia đình chăm sóc mẹ, đây là việc đạo lý, có lẽ ai cũng làm như tôi. Khi tôi nghỉ, các đồng chí được qui hoạch theo qui định của Trung ương, được sự tín nhiệm của tập thể sẽ sẵn sàng thay thế và đảm đương vị trí này.
PV: Ông trăn trở, gửi gắm điều gì cho thế hệ lãnh đạo tiếp nối ở tỉnh Hậu Giang sau khi mình nghỉ hưu, thưa ông?
Ông Trần Công Chánh: Tôi vẫn ấp ủ mãi trong lòng là làm sao để đưa nông nghiệp của Hậu Giang phát triển theo hướng bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Trong những năm qua, tôi cùng với tập thể cũng đã làm rất nhiều công việc này nhưng tôi thấy về mặt bằng chung chưa ổn và chưa theo kịp các tỉnh trong khu vực.
Thứ hai là đối với lĩnh vực giáo dục, trước đây Chính phủ, các Bộ, ngành đánh giá Hậu Giang là tỉnh trình độ dân trí vẫn còn thấp so với khu vực. Anh em chúng tôi cũng tâm nguyện với nhau là làm sao đưa nền giáo dục của mình nó phát triển ngang tầm với các tỉnh trong khu vực, từ cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, thầy cô giáo, chất lượng giáo dục… Thật sự công tác dục của Hậu Giang mấy năm qua thì cũng có nhiều phát triển nhưng mà để ngang tầm với nhiệm vụ thì đây là một vấn đề cần phải quan tâm nhiều hơn.
Thứ ba là lĩnh vực y tế, phải làm sao đầu tư cho lĩnh vực này phát triển về cơ sở vật chất, về trang thiết bị, về thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ để rồi chăm sóc sức khỏe, phục vụ cho nhân dân tốt hơn. Đây là những trăn trở mà tôi đeo đuổi suốt trong những năm tháng được giao trọng trách làm lãnh đạo ở Hậu Giang. Tôi nghĩ không riêng bản thân tôi mà cả Đảng bộ cũng đang tập trung lo vấn đề này.
Trước khi được Trung ương cho nghỉ hưu, tôi cũng xem đây là những trăn trở, gửi gắm của mình để các đồng chí ở Hậu Giang tiếp tục để lo cho nhân dân được tốt hơn. Hậu Giang có xuất phát điểm thấp nên có nhiều việc cần phải quan tâm. Tôi nghĩ rằng các thế hệ tiếp bước sau, các anh sẽ đảm trách được công việc này.
PV: Xin cám ơn ông.