Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

“Bỉ vỏ” lên sân khấu kịch Hà Nội

Tác phẩm “Bỉ vỏ” nổi tiếng của nhà văn Nguyên Hồng được đạo diễn Doãn Hoàng Giang tái hiện một cách sinh động trên sân khấu Nhà hát kịch Hà Nội vào các đêm 8, 9, 10/6. Vở kịch do tác giả kịch bản Nguyễn Đăng Thanh chuyển thể mang tên “Những mảnh đời bị đánh cắp”. Từng được chuyển thể thành phim, cải lương, kịch nói, trong lần trở lại lần này với khán giả miền Bắc, “Bỉ vỏ” đã mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc.

“Bỉ vỏ” là bức tranh xã hội sinh động về thân phận những con người nhỏ bé, bị áp bức, đẩy đến đường cùng như Tám Bính, Năm Sài Gòn, Tư Lập Lơ...  Đó là bức tranh toàn cảnh về xã hội Việt Nam những năm trước cách mạng Tháng Tám (1945) với những cảnh về người dân nghèo lầm than, bị áp bức, bóc lột, đẩy vào chỗ chết, bị tử hình bằng máy chém hoặc 15 phát đạn... 

Khi chuyển thể thành “Những mảnh đời bị đánh cắp”, câu chuyện đưa tới khán giả dường như mềm hơn, có tình hơn. Mở đầu là cảnh gào thét ai oán và hỗn loạn của người thân Tám Bình và Năm Sài Gòn. Trong khi đó, Tám Bính và Năm Sài Gòn liên tục kêu oan, đổ thừa cho số phận và những vị quan ngồi tít trên cao kia đã đẩy họ xuống vũng lầy của tội lỗi.

Rồi lần lượt họ kể về cuộc đời mình, những nỗi đau liên tiếp nỗi đau, bị cuộc đời vùi dập không thể trở thành người lương thiện. Vì chữ "tình" mà băng Năm Sài Gòn có Ba Bay, Tư Lập Lơ… hết lần này đến lần khác gánh tội thay nhau. Vì tình yêu mà nhân vật Năm Sài Gòn "máu lạnh" nhường ấy đã vét những đồng tiền cuối cùng để chuộc Tám Bính từ trong nhà chứa về làm vợ, hết lòng che chở.

Cũng vì một chữ "tình" mà Tám Bính mạo hiểm cứu Năm Sài Gòn khỏi nhà tù, khuyên hắn cùng trở về con đường lương thiện.

Và, xuyên suốt vở kịch “Bỉ vỏ” là tình mẫu tử thiêng liêng của cô gái lỡ đẻ con hoang, bị bán mất con, quyết tìm chuộc lại con bằng mọi giá mà dần biến đổi, chấp nhận trở thành một kẻ cắp, cướp giật, bắt cóc… Cứ thế, vở diễn giúp người xem hiểu thấu sự bi đát và khốc liệt của những năm tháng cùng cực trước cách mạng, hiểu rõ rằng một khi đã làm sai, đã hành động bất chấp luật pháp thì ắt phải trả giá.

Cảnh trong vở kịch “Bỉ vỏ”. 

Hai vai diễn nặng ký nhất là Tám Bính và Năm Sài Gòn do NSƯT Thu Hà và NSƯT Trung Hiếu thủ vai. Ngoài ra, Nhà hát Kịch Hà Nội cũng huy động nhiều diễn viên tên tuổi như: Hồng Đăng, Mạnh Hà, Mạnh Kiên, Thuỳ Anh, Mai Huyền, Thanh Hương, Ngọc Quỳnh...  tham gia vở diễn. 

Theo NSƯT Trung Hiếu, trợ lý đạo diễn và là người đóng chính vai Năm Sài Gòn trong vở  kịch, văn học giai đoạn 1930-1945 của thế kỷ trước rất đặc sắc, những tác phẩm thấm đẫm hiện thực bi thương, những số phận người lao động bị bủa vây trong áp bức, bị dồn đến đường cùng, muốn sống một cuộc đời lương thiện cũng không được.

Anh cũng như đoàn kịch mong muốn khán giả ngày nay được gặp những nhân vật có khả năng lay động lòng người đó, để chia sẻ, cảm thông và biết được giá trị của cuộc sống hôm nay. Ngay trong đêm công diễn đầu tiên và những đêm tiếp đó, Trung Hiếu đã thể hiện vai Năm Sài Gòn rất thành công- Đó là một Năm Sài Gòn cứng cỏi, rất "đàn anh" trong giang hồ, vừa có nghĩa, có tình, mong muốn hướng thiện nhờ được cảm hóa bởi tình yêu. 

NSND Doãn Hoàng Giang từng đạo diễn vở "Bỉ vỏ" phiên bản "Cô gái ăn cắp" trên sân khấu kịch Hồng Vân, tác phẩm có đời sống trong khoảng chục năm. Trước đó, ông cũng dựng tác phẩm này cho Đoàn cải lương Quảng Ninh và khá thành công. Lần này lại tiếp tục dựng lại "Bỉ vỏ", Doãn Hoàng Giang cho biết, lý do đơn giản là khán giả kịch Bắc còn chưa được xem.

Ông đã đi tìm chữ "tình" để giải thích tính cách, tâm lý các nhân vật, cũng là muốn đem lại cho những số phận bi thương ấy một tia sáng khi đưa vở kịch này lên sân khấu Hà Nội, được đông đảo khán giả Thủ đô yêu thích.

Sau những đêm công diễn tại Hà Nội, Bỉ vỏ sẽ tham dự Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc,diễn ra tại Thanh Hóa vào cuối tháng 6 này.