Hiện trường vụ tai nạn do nữ tài xế có sử dụng rượu bia lái xe BMW tông hàng loạt xe máy ở ngã tư Hàng Xanh TP.HCM. Ảnh Internet
Lựa chọn khó khăn nhưng vẫn phải… lựa chọn!
Dự thảo “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia” đã được sửa đổi, bổ sung tới lần thứ 5 nhưng vẫn có vẻ chưa xuôi. Ngay cái tên của dự thảo luật cũng đã gây tranh cãi. Có người đề nghị thay bằng “Luật Phòng, chống lạm dụng rượu, bia”. Dù tên luật thế nào đi chăng nữa thì luật vẫn phải quy định những điều cụ thể, trong đó có việc cấm mua bán và uống rượu, bia ở những nơi công cộng trong những khung giờ nhất định; cấm người ở độ tuổi nào uống rượu, bia; phạt người lớn rủ rê trẻ em sử dụng rượu, bia,… Những điều cụ thể này cần được đưa vào luật như thế nào để chúng có tác dụng tốt; tránh gây hại, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của con người nói chung.
Như vậy, chúng ta buộc phải lựa chọn giữa việc sản xuất kinh doanh rượu, bia thoải mái; uống thoải mái ở những nơi công cộng vào bất cứ lúc nào bằng việc sản xuất kinh doanh rượu bia có điều kiện; uống cũng có điều kiện và sẵn sàng chịu hình phạt nếu vi phạm. Đây là sự lựa chọn tương đối khó khăn vì chúng ta đã được thoải mái quá lâu rồi, chúng ta quen với việc được uống rượu, bia thoải mái ở nơi công cộng vào bất cứ lúc nào rồi. Thay đổi thói quen, chống lại thói quen khi nào cũng là một việc khó. Trong trường hợp này khó nhưng vẫn phải làm.
Điều quan trọng là sau khi luật đã được ban hành, cần phải làm thế nào để nó phát huy tác dụng. Đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với các cơ quan chức năng, chủ yếu đối với cán bộ cơ sở, công an và tòa án. Tuy nhìn thấy trước những khó khăn, thách thức như vậy nhưng vẫn phải nhanh chóng thông qua luật để hạn chế tác hại của rượu, bia; bảo đảm sự an toàn cho mọi người trong cuộc sống.
Rượu, bia là những phát minh quan trọng của loài người. Chúng ta không thể cấm việc uống rượu, bia; chỉ có thể tìm cách hạn chế tác hại của nói mà thôi.
Đã uống rượu bia thì không lái xe. Ảnh minh họa
Cái khó của việc thực hiện “Luật Phòng, chống lạm dụng rượu, bia”
Tuy luật này chưa được thông qua nhưng chúng ta đã thấy những cái khó khi thực hiện luật này. Điều này liên quan đến cả người sử dụng và người sản xuất, kinh doanh rượu, bia.
Thực tế cuộc sống đã chỉ ra rằng, không thể nào cấm triệt để việc uống rượu, bia. Vì thế, các nhà sản xuất và kinh doanh bia, rượu cứ yên tâm! Sẽ không có luật hay lệnh cấm rượu, bia đâu. Việc phòng, chống tác hại của rượu, bia hay phòng, chống lạm dụng rượu, bia cũng đã là một việc làm rất khó rồi. Cái khó nằm ở chỗ làm thế nào để phân biệt được thế nào là lạm dụng rượu bia; hay rượu, bia có lợi ở chỗ nào? Có hại ở chỗ nào?
Với những người thực thi pháp luật, những điều này đã khó; với những người sử dụng rượu, bia - những điều này còn khó hơn. Thực tế chỉ ra rằng, khi chưa ngồi vào bàn để uống rượu, bia - tất cả đàn ông hầu như đều hiểu rất rõ tác hại của việc uống quá chén, say xỉn. Nhưng khi đã ngồi xuống bàn cùng với bạn bè, người thân; uống đôi ba chén rồi thì họ quên hết mọi thứ, cái họ quan tâm nhất là uống thế nào cho vui, uống thế nào để không bị chê là tửu lượng kém.
Thế là những tiếng “Dzô! Dzô! Dzô!” vang lên; những câu nói “có cánh” kiểu: “Không say không về”, “Tửu bất khả ép”, “Ép bất khả từ”, “Ép thì uống tỳ tỳ”… không được tròn trịa lắm nhưng liên tục được nhắc tới. Rượu, bia được tới tấp rót ra cốc, ra ly; những người đàn ông (đôi khi có cả phự nữ nữa) mặt đỏ ngửa cổ uống gọn. Họ cứ thế uống cho tới khi không thể uống được nữa mới thôi.
Đó là chưa kể có những người ủng hộ điều này. Đó là những người kinh doanh rượu, bia; những chủ quán ăn, những người đi tiếp thị. Vì vậy, việc thực hiện “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia” thực sự khó.
Trong rượu, bia có etanol ảnh hưởng tới cơ thể, gây giảm khả năng nhận thức, hành vi. Ảnh minh họa Internet
Dù có hay không có luật, ý thức con người mới quyết định
Rõ ràng, việc uống rượu bia vẫn sẽ diễn ra hàng ngày. Những người đàn ông, dù là nguyên tắc và tử tế đến mấy thì vẫn phải uống rượu, bia trong nhiều trường hợp. Tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh những người đàn ông khổ sở thế nào khi thực hiện “nghĩa vụ” rượu, bia của mình trong những cuộc nhậu với bạn bè. Thế đấy, khi hăng lên, những người đàn ông tự làm khổ mình, làm khổ nhau và có thể gây tai họa cho người khác.
Ai cản được đàn ông lạm dụng rượu, bia? Không ai cả, ngoại trừ chính họ. Muốn làm được việc này, những người đàn ông khi tỉnh táo phải đề ra những nguyên tắc uống bia, uống rượu. Mỗi người có thể có nguyên tắc riêng của mình. Từ lâu, tôi đã đề ra cho mình những nguyên tắc để hạn chế tác hại của rượu, bia. Đó là, trước khi tham gia một cuộc nhậu, phải suy ngẫm và trả lời những câu hỏi: “Uống với ai?”, “Uống ở đâu?”, “Uống khi nào?”, “Uống thứ gì? Bia hay rượu?”. Trong nguyên tắc của tôi còn có: “Tuyệt đối không vay mượn tiền để uống rượu, bia”; “Không uống rượu bán ở quán và rượu không rõ nguồn gốc”; “Không uống rượu, bia một mình khi buồn”; “Kiên quyết dừng uống khi cảm thấy đã đủ độ”… Tôi có một câu nói phát huy tác dụng khi muốn dừng uống: “Chúng ta không uống nữa để chứng tỏ chúng ta là những người biết uống bia, uống rượu”. Nghe xong câu này, nhiều người dừng uống.
Trên cơ sở của những nguyên tắc mà nhiều người đề ra, chúng ta có thể xây dựng “văn hóa rượu, bia”. Khi đã có văn hóa uống bia, uống rượu, chúng ta sẽ hạn chế được nhiều điều tiêu cực trong việc sử dụng rượu, bia.
Uống rượu, bia cho vui nhưng đừng quên sự an toàn của mình và người khác!
Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE