Bìa "Truyện Thúy Kiều" nhận nhiều chỉ trích.
Theo Nhã Nam, đây là bản Kiều được thực hiện nhân dịp 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du (3/1/1766 – 3/1/2016) do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo với tên gọi Truyện Thúy Kiều. Bìa sách ngay lập tức nhận nhiều chỉ trích cho rằng không phù hợp với thuần phong mỹ tục và làm giảm giá trị tác phẩm.
Bạn đọc có "nick" Nguyễn Thành Nam bình luận: “Thích truyện Kiều, nhưng có vẻ bìa như vậy không hợp thuần phong mỹ tục lắm. Đã vậy còn để tượng Phật kế bên nữa, không biết Nhã Nam có ý gì đây”. Đồng quan điểm, Đỗ Mai Quyên cho rằng: “Thấy cái bìa thiệt trớt quớt, chả thấy vẻ đẹp của Kiều nằm ở chỗ nào”.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, hình ảnh minh họa mà Nhã Nam sử dụng quá trần trụi, tạo cảm giác người phụ nữ ở bìa truyện bị “vấy bẩn”.
Ngoài ra, ngay cả tên của bản in là Truyện Thúy Kiều cũng khiến nhiều độc giả không hài lòng vì “nghe thật xa lạ”. Bạn đọc Vũ Thu Phương bình luận: “Tại sao lại là Truyện Thúy Kiều mà không giữ nguyên là Truyện Kiều. Truyện Kiều không đơn giản là một tác phẩm văn học chỉ để đọc. Mình rất yêu quý Nhã Nam nhưng lần này thật sự thất vọng”.
Cô Phùng Thị Hạ Nguyên (Giáo viên Văn, trường THPT Thành Nhân, TP.Ho) tò Chí Minhhan thở: “Cho dù Nhã Nam có lột truồng Kiều với một ý định rất nhân văn là để Kiều vẹn nguyên trong ngọc trắng ngà thì cũng làm người ta chạnh lòng vì bao nhiêu năm nay người ta vẫn muốn nhớ đến Kiều với tấm lòng, với tài sắc”.
Cô Hạ Nguyên cũng cho biết thêm rằng ở trường học phổ thông các thầy cô giáo đều phân tích đẳng cấp của cái tên Đoạn trường tân thanh so với nguyên tác Kim Vân Kiều truyện. “Tại sao lại đổi thành Truyện Thúy Kiều, một cái tên sặc mùi ba xu?”, cô Nguyên nói.
Bên cạnh đó, cũng có một số ít ý kiến cho rằng bìa sách và tên sách không có gì là phản cảm. Mà ở đây chỉ là đang thể hiện đúng nội dung của câu thơ.
Bìa cuốn sách gây tranh cãi.
Trao đổi với Thanh Niên Online vào sáng 12/11, đại diện công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam giải thích: “Bìa sách này là bức tranh trong Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du của cụ Lê Văn Đệ. Đây là họa sĩ nổi tiếng và bức tranh cũng rất đẹp vì vẽ theo phong cách tranh khắc gỗ”.
Theo Nhã Nam, bức vẽ ở bìa sách là họa sĩ minh họa cho câu tả vẻ đẹp của Thúy Kiều khi tắm: “Rõ màu trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”.
“Mọi người dường như đang làm quá lên, còn lại tập Truyện Thúy Kiều của Nhã Nam làm theo bản của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo in vào đầu năm 1925. Cuốn này được phổ biến rộng rãi. Ngoài ra, lần này Nhã Nam có bổ sung thêm một số phụ bản tranh minh họa cũng lấy từ Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du do Hội Quảng Trị - Huế xuất bản năm 1942”, đại diện Nhã Nam cho biết.