Bìa cuốn sách truyện Thúy Kiều gây tranh cãi
Nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du, Nhã Nam ra mắt bạn đọc tác phẩm Truyện Thúy Kiều, ấn bản do 2 học giả Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo.
Nhà văn Đoàn Minh Phượng là một trong những người chia sẻ đầu tiên về bìa cuốn sách Truyện Thúy Kiều. Trên trang cá nhân, bà viết: “Nhã Nam làm bìa sách cho Nguyễn Du. Thôi thế là xong hẳn”. Và sau đó là hàng loạt các comment kèm theo thể hiện sự thất vọng của về bìa cuốn sách như: phản cảm, lõa lồ, dung tục, không xứng tầm với tác phẩm của Nguyễn Du…
Theo Nhã Nam, đơn vị phát hành cuốn sách thì ấn bản này, được Vĩnh Hưng Long thư quán in lần đầu năm 1925 và tái bản 1927 sau khi hiệu đính chi tiết, có một vị trí khá đặc biệt. Xuất bản tương đối sớm, qua thời gian, cuốn sách có thể nói đã trở thành một cuốn Kiều được phổ biến thuộc loại rộng rãi nhất, được độc giả biết đến nhiều nhất. Sau khi được nhà Vĩnh Hưng Long in 2 lần, Truyện Thúy Kiều tiếp tục được Tân Việt, một nhà xuất bản lớn chuyên in sách giáo khoa, sách kinh điển, phổ biến kiến thức, tái bản rộng rãi…
Tuy nhiên, giải thích này của Nhã Nam cũng không khiến làn sóng những người chỉ trích bìa cuốn sách giảm xuống. Dẫu vậy, Nhã Nam vẫn ra thông báo sẽ tổ chức Tuần triển lãm về Nguyễn Du với nhiều hoạt động đặc sắc tại TP HCM.
Lễ khai mạc chương trình được tổ chức vào 8h ngày 7 tháng 11 năm 2015.
Chương trình triển lãm gồm những nội dung chính như Triển lãm sách và các tài liệu về Nguyễn Du, các tác phẩm của Nguyễn Du và Truyện Kiều; Triển lãm thư pháp; Nói chuyện về “Những nét độc đáo trong văn hóa Kiều”; Bình thơ, ngâm thơ vịnh Kiều; Diễn trích đoạn “Thuý Kiều- Kim Trọng”; Và ra mắt một số ấn phẩm in mới để phục vụ triển lãm
Về triển lãm sách, Triển lãm quy tụ tương đối đầy đủ các ấn phẩm quốc ngữ, Hán Nôm của Nguyễn Du cũng như các công trình nghiên cứu, biên khảo, chú thích về Nguyễn Du từ của nhiều lớp học giả xưa tới nay: Từ Phạm Quý Thích, Trần Trọng Kim, Tản Đà đến Đào Duy Anh, Trương Tửu v.v. Các bản Nôm gốc như bản in "Kim Vân Kiều tân tập" (Thành Thái bính ngọ), bản chép tay "Kim Vân Kiều thích chú” (Duy Minh thị trùng san, Kỷ Mão 1879) … cũng được đem ra trưng bày lần này. Phần lớn các hiện vật, sách vở trong đợt triển lãm đều do các nhà sưu tầm quen thuộc của TP HCM như Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Quảng Tuân, linh mục Nguyễn Hữu Triết, Vũ Hà Tuệ, Trần Kim Chung, Phạm Hoàng Quân,… cung cấp.
Cũng trong đợt triển lãm này, khách tham quan có cơ hội thưởng ngoạn các bộ sưu tập của các nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn và Phạm Đan Quế (Bộ đĩa, CD Truyện Kiều, Hộp bói Kiều, Truyện Kiều điện tử…)
Ngoài ra, nhân dịp triển lãm này, Thư viện KHTH cũng đưa ra 249 nhan đề sách giới thiệu thân thế và sự nghiệp đại thi hào Nguyễn Du, Truyện Kiều và các tác phẩm của ông với nhiều loại ngôn ngữ khác nhau, và nhiều tác phẩm nghiên cứu, bình luận về Truyện Kiều để phục vụ bạn đọc ngay trong khu vực trưng bày.
Về Triển lãm thư pháp, tại đợt triển lãm này, 20 bức thư pháp Hán Nôm các trích đoạn tác phẩm của Nguyễn Du cũng được trưng bày. Các tác phẩm này do thư pháp gia trong Chi hội thư pháp, Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số TP HCM như Lâm Hán Thành, Lý Tùng Niên, Trương Lộ, Trần Tiên Minh, Ô Dân Phát, Huỳnh Tuần Bá thể hiện. Nội dung các bức thư pháp này thể hiện tâm sự và nhân sinh quan của đại thi hào được ký thác trong Truyện Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh và các tác phẩm thơ chữ Hán lúc sinh thời.
Phần Nói chuyện “Những nét độc đáo trong văn hóa Kiều”, bài nói “Những nét độc đáo trong văn hóa Kiều” sẽ được Nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế trình bày trong khuôn khổ cuộc triển lãm này, vào 9h00 ngày 18/11/2015...