Thương lái thu mua lan cắt cành tại trang trại ở Củ Chi.
Những cánh đồng hoa lan nở trên đất Thép
Chúng tôi đến thăm vườn lan của chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền - người hơn 10 năm trước biến đất Thép thành trang trại lan. Thật khó cưỡng trước sức hút của trang trại lan rộng 7ha đang vào thời điểm hàng triệu triệu cành lan đỏ renred, đỏ redsun, đỏ lá quặt, đỏ mô đăng, vàng lê na, vàng chanh, vàng mai, vàng chao sunset, vàng nến, vàng đồng, tím kenyku, bò cạp vàng, bò cạp đỏ, bò cạp phượng vĩ, denrobium tím, denrobium trắng… đang khoe sắc.
Nhớ lại những ngày đầu đến khai phá vườn cao su nuôi ý tưởng làm trang trại hoa lan, chị Huyền ngán ngẩm: “Phải bật máu tay để bứng từng gốc cao su lâu năm, biến đất Thép chai sần, khô khốc để cải tạo thành vườn lan”. “Đất Thép” nổi danh kiên cường trong kháng chiến chống Mỹ, giờ nhũn ra dưới bàn tay của người để vườn lan đơm bông, cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Chị Huyền đặt cho trang trại lan cái tên Huyền Thoại, âu cũng là ẩn ý của người phụ nữ này!
Từ vườn lan Huyền Thoại của chị Huyền, giờ “đất Thép” có hơn 200ha diện tích trồng lan của hàng trăm hộ. Chị đã liên kết 15 chủ trại lan để thành lập HTX Hoa lan Huyền Thoại với diện tích 25ha. Tổng sản lượng thu hoạch mỗi năm đạt 8 tỷ cành, trong đó 20% xuất sang Campuchia. “Các thành viên trong HTX đang quyết tâm mở rộng, phát triển mô hình trồng lan mokara cắt cành theo hướng chuyên canh, cánh đồng lớn, có ứng dụng công nghệ cao. Chúng tôi đang tính mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sang một số thị trường tiềm năng: Lào, Campuchia, Ấn Độ…”, chị Huyền chia sẻ.
Rời ấp Ba Sòng chúng tôi đến ấp Bến Đò 2 (xã Tân Phú Trung) tìm gặp cựu giáo chức Nguyễn Thị Bé - người đã biến đất ruộng thành trại lan giống. Đây là trại lan được giới trồng lan và ngành nông nghiệp tín nhiệm bởi sản xuất giống lan makara chất lượng không kém… người Thái. Hơn chục năm làm lan giống của vị giáo chức bán khắp mọi miền đất nước. Mỗi lần xuất bán hơn 10.000 giống lan thu về hơn nửa tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Tủi, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân TP.Hồ Chí Minh) cho biết, Củ Chi đang phát triển rất nhanh nghề trồng hoa lan và biến vùng “đất Thép” thành vựa lan lớn nhất nước như một phép lạ. “Hơn chục năm trước, chính tôi là người trực tiếp hỗ trợ từ kỹ thuật, nhập giống cho những người trồng lan mới tập tễnh vào nghề ở Củ Chi. Lúc bấy giờ tôi nghĩ, số ít nông dân này chỉ làm chơi cho vui chứ cạnh tranh gì lại hoa lan Thái đang nhập tràn lan thị trường. Vậy mà, giờ ngó lại, thấy Củ Chi đã xuất hiện nhiều cánh đồng lớn hoa lan”, ông Tủi thổ lộ.
Chị Trần Ngọc Tuyết, chủ trang trại hoa lan rộng 4,5ha ở Củ Chi.
Hiện, ở TP.Hồ Chí Minh có hơn 300ha hoa lan, nhưng những gương mặt điển hình hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hoa lan hầu hết tập trung trên vùng đất Thép, như: Trang trại hoa lan Huyền Thoại (Củ Chi) rộng 7ha, trang trại lan của chị Trần Ngọc Tuyết có diện tích đất trồng 4,5 ha... Có thể thấy, nông dân trồng lan có lợi nhuận khá tốt. Theo ông Tủi, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lan mokara là 57%, với lan đendrobium là 147%, các loại lan: Vanda, cattelya, ngọc điểm, hồ điệp… cũng đạt tỷ suất lợi nhuận cao. Mặc dù trồng lan cắt cành có nhiều tiềm năng, tỷ lệ rủi ro thấp, lợi nhuận cao. Thế nhưng vấn đề thương hiệu, đầu ra cho sản phẩm chưa được nhiều hộ quan tâm. Hiện, trong số 5 HTX trồng hoa lan của thành phố, mới chỉ có HTX Hoa lan Huyền Thoại đã xây dựng được thương hiệu. Tuy nhiên, ông Mai Quốc Thái, Chủ tịch CLB Hoa lan TP.Hồ Chí Minh rất vui mừng khi thành phố nói chung và Củ Chi nói riêng đã hình thành được vùng chuyên canh trồng hoa lan lớn nhất nước. Đây là ngành rất phù hợp cho xu hướng làm nông đô thị mà TP đang hướng đến giúp nông dân tăng cao thu nhập.
Là người con của vùng đất Thép, nguyên Chánh Văn phòng Huyện ủy Củ Chi (những năm 1975 - 1990) Võ Văn Phần cho biết, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Củ Chi loang lổ hố bom, cỏ mọc um tùm… Phần lớn ruộng chỉ canh tác được một vụ lúa vào mùa mưa với năng suất dưới 2 tấn/ha. Lực lượng lao động, trâu bò cày kéo, vật tư nông nghiệp khan hiếm.
Tuy nhiên, hôm nay các chương trình xã hội, xóa đói giảm nghèo, cơ cấu nông nghiệp... đã giúp người dân Củ Chi vượt lên đói nghèo, quê hương từng bước thay da đổi thịt. Từ một nền kinh tế thuần nông lạc hậu, Củ Chi trở thành huyện công - nông - thương mại, dịch vụ với những thành tựu rất đáng ghi nhận trên bước đường CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Phấn đấu trở thành huyện Nông thôn mới
Dân giàu ắt huyện mạnh. Lãnh đạo huyện Củ Chi đã đề ra mục tiêu, đến tháng 4/2020 toàn bộ 20/20 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM), từ đó sẽ đề nghị TP công nhận huyện đạt chuẩn NTM.
Để đạt được mục tiêu đó, lãnh đạo huyện Củ Chi đã đề ra lộ trình thực hiện 19 tiêu chí NTM tại 20 xã của huyện. Theo đó, đến cuối năm 2018, bình quân tiêu chí của 20 xã đạt được là 16,95 tiêu chí. Đến cuối năm 2019, huyện có 8/20 xã đạt chuẩn NTM được công nhận, bình quân đạt được của 20 xã là 17,5 tiêu chí. Đến tháng 4/2020, huyện có 20/20 xã đạt chuẩn NTM được công nhận (thêm 12/20 xã đạt chuẩn NTM). Đặc biệt, đối với tiêu chí thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2018 đạt 53 triệu đồng/người/năm, phấn đấu cuối năm 2019 đạt 58 triệu đồng/người/năm và đến tháng 4/2020 đạt từ 60 triệu đồng/người/năm.Để đạt huyện NTM với 9 tiêu chí, lãnh đạo huyện cũng đưa ra lộ trình cụ thể. Theo đó, đến cuối năm 2018, huyện đạt 5/9 tiêu chí. Đến hết năm 2019, huyện đạt 9/9 tiêu chí và đến tháng 4/2020, huyện đề nghị thành phố công nhận xã, huyện đạt chuẩn NTM.
Chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền, chủ trang trại hoa lan Huyền Thoại và những cành lan mokara vừa thu hoạch.
Theo ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, phải đẩy phong trào “Chung sức xây dựng NTM” theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Từ đó, huyện quán triệt Ban quản lý chương trình mục tiêu quốc gia các xã cần tập trung vận động người dân và cộng đồng cùng chung sức xây dựng các công trình giao thông dưới 500m, các công trình hạ tầng đơn giản nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020.
Củng cố và phát triển các hình thức kinh tế hợp tác từ tổ chức sản xuất đến tiêu thụ; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại và các loại hình doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng các chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, phát triển mối liên kết giữa người sản xuất với các kênh tiêu thụ sản phẩm; kết nối ngân hàng, tín dụng vào chuỗi sản xuất cung ứng rau an toàn nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia vào chuỗi.
Tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ lãi vay, xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, nhân rộng những mô hình tiến bộ khoa học có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. “Mọi chỉ tiêu đề ra không phải để lấy thành tích, cái chính là phải biến đất Thép thành huyện NTM, phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị. Làm sao để xứng danh đất Thép thời chống Mỹ - một Củ Chi giàu mạnh thời hoà bình”, ông Phú cho biết.