Ông Hoàng Như Lý bên cạnh bia liệt sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn
38 năm sau cuộc chiến, chúng tôi đã có dịp trở lại toàn tuyến biên giới - từ TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đến huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Chúng tôi đã gặp lại nhiều nhân chứng, nghe lại một phần rất nhỏ những khúc tráng ca bất tử ở các đồn biên phòng, những bản làng giáp biên...
Không được phép lãng quên
Trên dọc dài đường biên giới phía Bắc thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi đã vào thăm và thắp hương ở hàng chục nghĩa trang liệt sĩ - từ Nghĩa trang Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) với trên 1.700 ngôi mộ liệt sĩ đến những tấm bia tưởng niệm chỉ khắc tên và ngày các anh hy sinh được dựng lên dọc con đường phên dậu này.
Trong phòng khách của Đồn Biên phòng Pò Hèn (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) treo một tấm ảnh đen trắng với dòng chú thích: “Tập thể cán bộ, chiến sĩ đồn Pò Hèn, tháng 12/1978”. Ông Hoàng Như Lý, một trong số rất ít cựu binh còn sống sót trong trận chiến ác liệt ở Pò Hèn năm 1979, cho biết tấm ảnh này chụp vào dịp anh em đồn liên hoan cuối năm và đón năm mới. “Chỉ chưa đầy 2 tháng sau, hầu hết những đồng đội của tôi có mặt trong tấm ảnh này đã hy sinh vào ngày 17/2/1979” - ông nghẹn ngào.
Chúng tôi cùng ông Lý lên thắp hương cho các liệt sĩ đồn Pò Hèn. Ngay tại nơi này, cách đây 38 năm, để bảo vệ Tổ quốc, nhiều đồng đội của ông đã anh dũng hy sinh. Giờ đây, một đài tưởng niệm các liệt sĩ đã được dựng lên, khắc tên 86 liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất Pò Hèn.
Chúng tôi cũng gặp cựu binh Nguyễn Văn Bình, nguyên là lính trinh sát ở C22, thị đội Cao Bằng, tỉnh Cao Lạng (nay là Lạng Sơn). Ông Bình là người ở trong vòng vây của quân Trung Quốc thời điểm thị trấn Đồng Đăng bị tấn công ác liệt. Nhiều anh em, đồng đội của ông đã nằm lại nơi này.
“Quá khứ và lịch sử của dân tộc, dù có đau thương hay hào hùng, thì cũng chẳng ai quên được và cũng không ai được phép lãng quên. Nhưng nay hòa bình, chúng ta sống với tinh thần hữu nghị và hợp tác để cùng phát triển” - ông Bình bày tỏ.
Không để người có công chờ đợi
Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng, nhắc và ôn lại quá khứ là cách để nhắc nhở con cháu tránh những thứ cần phải tránh, để không dẫn đến những tổn thất cho đất nước... Theo ông, không thể quên và điều quan trọng mà chúng ta phải làm là thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa.
Trăn trở về việc này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, cả nước hiện có 8,8 triệu người có công, đang hưởng đúng, đầy đủ, kịp thời các chính sách của Đảng và nhà nước. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, còn một bộ phận nhỏ người có công và thân nhân của họ vẫn chưa được hưởng, hoặc hưởng chưa đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng, nhà nước. Ngoài ra còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ còn nằm ở bờ khe, thung suối, sườn núi chưa được quy tập về các nghĩa trang; trên 300.000 liệt sĩ cần xác định rõ danh tính….
“Đây là điều rất nhức nhối, đau lòng với chúng ta. Quan điểm của chúng tôi là phải bắt tay vào làm ngay, tìm mọi cách tháo gỡ, không cho phép chậm trễ. Đây cũng là việc ưu tiên hàng đầu của Đảng, nhà nước trong thời gian qua” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian tới, những tồn tại, vướng mắc, đặc biệt trong thực hiện chính sách người có công, phải có biện pháp khắc phục. Không để gia đình người có công, liệt sĩ và thân nhân của họ phải chờ đợi lâu. Còn để nợ đọng hồ sơ xác nhận người có công, chúng ta còn nợ dân.
Hàng vạn người đã ngã xuống
Rạng sáng 17/2/1979, Trung Quốc mở cuộc tấn công xâm lược lãnh thổ nước ta trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.
Tại Lai Châu, quân Trung Quốc tấn công vào Ma Ly Pho, Cao Sơn Chải và phía Tây đường 12. Tại tỉnh Lào Cai, Trung Quốc huy động bộ binh có pháo binh yểm trợ tấn công thị trấn Mường Khương (thị xã Lào Cai), bản Quang, huyện Bát Xát, nhà máy điện, ga Phố mới. Tại Cao Bằng, bộ binh Trung Quốc đánh các chốt dân quân ở Quảng Hòa, Hà Quảng, Hòa An, Trùng Khánh. Tại Lạng Sơn, quân địch dùng bộ binh, xe tăng, pháo binh tấn công các đồn công an vũ trang, chốt dân quân du kích ở bản Chất (Đình Lập), Chi Ma (Lộc Bình), Ba Sơn (Cao Lộc), thị trấn Đồng Đăng và xã Tân Thanh (Văn Lãng). Tại Quảng Ninh, pháo lớn của địch bắn tới tấp vào thị xã Móng Cái. Bộ binh Trung Quốc đánh vào Pò Hèn và Hoành Mô (Bình Liêu)...
Từ ngày 17/2 đến 5/3/1979, khi Trung Quốc tuyên bố rút quân, trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta, quân địch đã gây ra nhiều tội ác kinh hoàng. Hàng vạn người lính và nhân dân các tỉnh biên giới đã ngã xuống, anh dũng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng nơi biên cương của Tổ quốc.