Ngày 10/9, lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra sự việc một cháu bé 10 tuổi sống tại ngõ 475 Nguyễn Trãi, phường Hạ Đình tử vong do bị điện giật.
Được biết, sự việc xảy ra vào khoảng 7h30 sáng cùng ngày, tại một gia đình ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Theo đó, bé H.H.D (SN 2011) và em gái (SN 2013), đang sử dụng máy tính để học online.
Trong quá trình dùng máy tính, do trục trặc, nên bé D đã dùng một vật bằng kim loại chọc vào một đầu của sợi dây sạc. Lập tức, bé D bị điện giật dẫn đến tử vong.
Thời điểm xảy ra sự việc, bố mẹ cháu D không có ở nhà. Ngay sau khi phát hiện sự việc, Công an phường Hạ Đình và đơn vị nghiệp vụ Công an quận Thanh Xuân đã khẩn trương xuống hiện trường, tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân vụ việc.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin học sinh tiểu học bị điện giật tử vong tại gia đình, thông qua Phòng GD&ĐT Đống Đa, Sở GD&ĐT Hà Nội đã gửi lời chia buồn tới gia đình học sinh bị tai nạn.
Ông Phạm Xuân Tiến chia sẻ, trong thời gian học sinh và trẻ mầm non tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19, việc phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ và học sinh cần có sự quan tâm phối hợp chặt chẽ từ phía nhà trường và cha mẹ học sinh, gia đình học sinh.
Giáo viên chủ nhiệm cần hướng dẫn phụ huynh, học sinh các kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích có thể xảy ra như điện giật, đuối nước, cháy nổ... để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Trước đó, ngày 9/9, Công an TP Hà Nội đã khuyến cáo người dân một số biện pháp an toàn khi để trẻ nhỏ ở nhà một mình.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, học sinh, trẻ nhỏ phải học online tại nhà, nhiều gia đình đã để trẻ nhỏ tự quản, tự sinh hoạt tại nhà mà không có sự kèm cặp của người lớn. Do đó, trẻ có thể gặp nhiều nguy cơ tiềm ẩn như hỏa hoạn, điện giật, va đập gây thương tích ngay chính trong ngôi nhà của mình.
Theo Công an TP Hà Nội, khi trẻ nhỏ ở nhà, sự sơ ý và lơ là của người lớn có thể khiến trẻ em gặp hiểm họa, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn cho chính mình hoặc người xung quanh. Đã có nhiều vụ cháy, tai nạn do trẻ nhỏ gây ra, khi người lớn vắng nhà vì trẻ nhỏ thường tò mò, bắt chước sử dụng, nghịch các thiết bị điện gây cháy, hoặc đôi lúc do hiếu động nên tự làm mình bị thương.
Do đó, khi buộc phải để con ở nhà một mình, các bố mẹ cần đảm bảo rằng trẻ đã có khả năng tự chăm sóc bản thân; chú ý khóa bình ga, tắt bình nóng lạnh, dùng băng keo dán các ổ cắm điện mà trẻ dễ tiếp cận trong nhà; dạy trẻ nhận biết các thiết bị điện và vật gây nguy hiểm...
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần có biện pháp giới hạn không gian vui chơi, hoặc phải giáo dục trẻ nhỏ tránh xa khu vực cầu thang bộ, cửa sổ, ban công khi vui chơi đề phòng ngã từ trên cao; để, đặt các loại đồ chơi của trẻ tại các khu vực thấp, trên mặt sàn, hạn chế cất đồ chơi thường dùng của trẻ ở các vị trí cao như nóc tủ, kệ để đồ... vượt tầm cao của trẻ nhỏ gây sự tò mò, hiếu kỳ và leo trèo làm đổ các vật dụng gây tai nạn, thương tích.
Thêm vào đó, phụ huynh tuyệt đối không được khóa cửa nhốt con ở trong nhà mà không để lại chìa khóa. Trong trường hợp nhà có hỏa hoạn hoặc mối nguy hiểm, trẻ sẽ không thể thoát ra và người khác cũng không thể cứu giúp kịp thời.
Các bậc phụ huynh cần hướng dẫn con các kỹ năng sống như: Xử lý khi có người bấm chuông, cách nhận hàng ship đảm bảo an toàn phòng chống dịch, tuyệt đối không được trèo, bước chân ra khu vực ban công (nhà tầng, cao tầng), hướng dẫn con cách tự cầm máu khi lỡ bị thương, cách xử lý nếu có xảy ra cháy nổ.
Bên cạnh đó, chuẩn bị sẵn những đồ sơ cứu cần thiết như bông, băng, gạc, bình xịt chữa cháy... cần dặn con tuyệt đối không được bước chân ra khu vực ban công; hướng dẫn con cách tự cầm máu và chuẩn bị sẵn băng, gạc. Đồng thời, yêu cầu các con tuyệt đối không được tự ý ra khỏi nhà khi chưa có sự đồng ý của bố mẹ.