Khi bão số 3 đổ bộ, dông lốc và gió giật mạnh có thể làm ngã đổ cây xanh, gây nguy hiểm cho người dân xung quanh cũng như người đang lưu thông trên đường.
Người dân cần đặc biệt phòng tránh những hiểm họa do cây đổ trúng người, điều quan trọng nhất là cần tìm chỗ trú ngay lập tức khi dông tố kéo đến.
Cùng với đó, người dân cũng cần nhận biết khả năng cây ngã đổ để có biện pháp phòng tránh kịp thời.
Dấu hiệu nhận biết nguy hiểm từ cây đổ
Tán cây xuất hiện nhiều nhánh nhỏ và lá khô.
Sự hiện diện của vết nứt sâu/ thiếu vỏ trên thân cây.
Rễ cây yếu và thối rễ.
Cây cổ thụ trồng ở các tuyến phố đều có nguy cơ gãy đổ nhiều nhất.
Cách phòng tránh
Không chơi đùa, leo trèo lên tán cây khi trời mưa gió.
Khi tránh trú mưa, tuyệt đối không đứng dưới gốc cây.
Cẩn thận với các khu vực đường có nhiều cây xanh cổ thụ, có công trường thi công, nơi có nhiều tấm tôn, sắt lớn…
Lực lượng chức năng cần có các biện pháp thường xuyên gồm kế hoạch tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống cây xanh trên đường phố, công viên để đốn hạ những cây bị sâu bệnh, già cỗi, nghiêng nguy hiểm, cây nhớm gốc… Lấy nhánh khô, cắt mé gọn những cây có bộ tán lá lớn.
Hướng dẫn xử trí khi cây đổ vào người
Trường hợp khi người dân nhìn thấy cây đổ đè trúng người, đừng tự ý di chuyển nạn nhân nếu không đủ chuyên môn mà hãy làm theo các bước dưới đây để tránh ảnh hưởng đến tính mạng người gặp nạn.
Người xung quanh nên gọi cơ sở y tế gần nhất để nhân viên y tế nhanh chóng hỗ trợ. Sau đó, cẩn thận gỡ bỏ những nhánh cây (tán cây) đè lên nạn nhân, không tự ý di chuyển thân thể người bị nạn để tránh bị tổn thương thêm và đợi nhân viên y tế đến sơ cứu và chữa trị kịp thời.
Ngoài ra, đối với các gia đình có con em theo học tại các trường học cần cảnh báo các em không tự ý leo trèo cây cao và tránh xa các gốc cây lớn. Nếu như trước đó xuất hiện mưa lớn gây đất mềm, dẫn đến khả năng cây có thể ngã bất cứ lúc nào.