Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Biển xanh gọi mãi tên anh

Ngày 27/7 hàng năm, đồng bào và chiến sĩ cả nước vọng tưởng những người con ưu tú đã anh dũng hi sinh vì Tổ quốc, trong đó có 10 liệt sĩ DK1 - những người lính bất tử của biển đảo thời bình. 18 năm qua, chuyện về Đại úy Vũ Quang Chương hi sinh tại nhà giàn Phúc Nguyên 2A vẫn vẹn nguyên trong lòng cán bộ chiến sĩ DK1 - những “cột mốc sống” đang ngày đêm canh giữ chủ quyền Tổ quốc tận ngàn khơi.

 

Hồi ức của người lính trở về từ biển

Để tìm hiểu thật chính xác về vụ sập nhà giàn DK1/6 (Phúc Nguyên 2A) năm 1998, tôi đã tìm đến phòng truyền thống Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân (Vũng Tàu). Trong nhiều hiện vật lưu lại, có một chiếc phao bè bẹp méo, đó là hiện vật sống động minh chứng cho sự gian khổ, hy sinh, kiên cường chống chọi với sóng cuồng bão giật của 9 cán bộ chiến sĩ nhà giàn Phúc Nguyên 2A trong cơn bão lịch sử ngày 12/12/1998. 

Thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ DK1 đã hi sinh trên biển.  

Từ chiếc phao bè này, tôi tìm về nhà anh Hoàng Văn Thủy, người sống sót trong vụ sập nhà giàn Phúc Nguyên 2A. Thủy đón tôi bằng cái bắt tay thân mật rồi cười hà hà: “Lâu quá không gặp anh, nhanh thật. Mới ngày nào trôi trên biển tưởng chết, vậy mà đã 18 năm”. Sau tuần trà đặc quánh, anh kể cho tôi nghe câu chuyện nhà giàn Phúc Nguyên 2A tháng 12/1998. Tự dưng Thủy nghẹn lại, mắt anh rưng rưng xúc động. “Đó là những ngày gian khổ nhưng tự hào đáng sống nhất. Những năm tháng ấy không bao giờ quên”, anh bắt đầu câu chuyện bằng niềm kiêu hãnh ấy.18 năm trước, cơn bão lịch sử số 8 có tên quốc tế Fathes bất ngờ đổ bộ vào vùng biển nước ta. Sức gió mạnh cấp 12 giật trên cấp 12, vùng biển thềm lục địa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đúng tâm mắt bão. Mệnh lệnh từ Sở Chỉ huy Lữ đoàn 171 Hải quân: Tất cả các nhà giàn DK1 chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đối phó với bão tố, đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra khi nhà đổ. Các tàu trực ở khu vực nhanh chóng về Côn Đảo trú bão, toàn bộ khối nhà giàn DK1 báo động chiến đấu cấp 1.

Nhận được lệnh từ Sở chỉ huy Lữ đoàn, Chỉ huy trưởng nhà giàn Phúc Nguyên 2A, Đại úy Vũ Quang Chương đã nhanh chóng hội ý chi bộ, giao nhiệm vụ cho từng người, làm tốt công tác chẩn bị, sẵn sàng đối phó với sóng gió. Lúc 16 giờ ngày 12/12/1998, vùng biển thềm lục địa không còn hình bóng một con tàu, tất cả đã đi tránh bão. Sóng mỗi lúc một lớn hơn, càng về chiều sóng càng dữ dội. Những con sóng lừng lững như quả núi liên tiếp ập đến làm nhà giàn rung lắc mạnh. Mặt biển mịt mù, gió rít ầm ầm.

Trước tình hình phức tạp của sóng bão, Đại úy Vũ Quang Chương đã bình tĩnh động viên anh em giữ vững tư tưởng, tổ chức cho các tổ chuẩn bị áo phao cá nhân, phao bè, lương thực thực phẩm, nước ngọt, thuốc quân y, dây ròng rọc... sẵn sàng rời nhà.

Vĩnh biệt đất liền

Sóng mỗi lúc một to, tất cả 9 chiến sĩ mặc sẵn áo phao, lấy dây mồi buộc vào tay nhau để khi nhà đổ, nhảy xuống biển, thì vẫn tìm thấy nhau, chết vẫn còn xác. Chỉ huy phó quân sự - Trung úy Dương Văn Hoan vào kho lấy bao gạo ra chèn phao cứu sinh và chân giường, để tránh va đập, liền bị toàn bộ giá gạo đổ sập xuống vai. Trong tiếng thét gào của gió mưa, Vũ Quang Chương hô lớn: “Tất cả phải thật bình tĩnh, bằng mọi cách phải nối thông tin liên lạc, mọi người sẵn sàng rời trạm, dùng bao gạo chèn vào chân giường”.

Vào nhà giàn DK1 mùa bão tố.

 Lúc 22 giờ ngày 12/12/1998, máy nổ vụt tắt lần 2 do sóng đánh chập điện. Dây ăng ten thông tin bị đứt. Chiến sĩ cơ điện nhanh chóng kiểm tra sự cố. Trong đêm tối mịt mùng, Thủy, tay cầm đèn pin nhanh chóng cúi sát người bò lên lan can cầu thang, lần mò nối lại dây ăng ten, sau đó tiếp tục liên lạc với Sở chỉ huy đất liền và đài canh thông tin Quân chủng. Lúc này tất cả thông tin được nói  trực tiếp qua máy I – Com chứ không qua mã dịch cơ yếu. Chiến sĩ Thủy báo cáo trực tiếp với Sở chỉ huy Hải Phòng: “Hiện nay sóng đã trùm lên sàn ở, nhà chao đảo mạnh, một số vật dụng bị đổ vỡ, anh em vẫn bình tĩnh đối phó, đề nghị cấp trên cho rời nhà”.

Xác định không thể trụ thêm được nữa, Sở chỉ huy cấp trên quyết định cho các chiến sĩ rời nhà và yêu cầu phải bảo đảm tuyệt đối an toàn. Tiếng Đại úy Vũ Quang Chương hô: “Tất cả rời trạm, tổ 2 thả phao bè xuống trước, khi xuống biển nhanh chóng bám chặt vào phao”. Lúc đó là 0 giờ 30 phút ngày 13/12/1998.Biết nhà giàn khó lòng trụ vững trước những đợt sóng dữ, song cán bộ, chiến sĩ lúc đó rất lạc quan tin tưởng, chỉ chờ lệnh là lao xuống biển. Ai cũng chuẩn bị cho cuộc chống chọi với bão tố trong đêm đen và sẵn sàng hi sinh. Các chiến sĩ vừa gói ghém đồ dùng cần thiết, vừa lấy lương khô ăn lót dạ cho ấm lòng. Chiến sĩ báo vụ Hoàng Văn Thủy nói với An: “Tao chưa có vợ, tao chết cũng nhẹ như lông hồng. Ai có vợ rồi, phải cố gắng chống chọi và kiên cường còn trở về với vợ con”.

Nguyễn Văn An còn bảo: “Tao chết thì có gì đâu, chỉ thương vợ tao mới đẻ, tao chưa biết mặt con. Thương nhất là anh Chương thôi, chưa có một mảnh tình vắt vai”. Không ngờ đó là lời nói cuối cùng của An trước lúc vĩnh biệt mọi người.  Thủy kể tiếp, sóng mỗi lúc một lớn, trời mịt mùng đen kịt. Tất cả anh em đứng ngoài lan can không dám ở trong nhà vì sợ nhà đổ bất ngờ, mọi người sẽ bị nước biển hút vào trong không ra kịp. Mỗi khi có con sóng kinh hoàng như quả núi trước mặt, anh em lại nhắm mắt nín thở cầu mong nhà không đổ và sóng qua mau. Nhưng tất cả đều vô vọng. Nhà giàn lắc lư chao đảo theo sóng. Mọi người ôm nhau khóc. Không thể trụ được nữa, Đại úy Vũ Quang Chương lệnh cho tốp 2 nhảy xuống biển cùng với mảnh phao cứu sinh cũ. Tốp 2 có Trung úy Dương Văn Hoan, chiến sĩ cơ yếu Hà Công Dụng; chiến sĩ pháo thủ Phí Ngọc Thuật; chuẩn úy nhân viên radar Lê Đức Hồng, do Trung úy Hoan chỉ huy. Trong gió mưa thét gào, chuẩn úy Lê Đức Hồng tay bám vào lan can, quay mặt lại nhà giàn hướng ra biển hô to “vĩnh biệt đất liền” rồi lao xuống biển đen.

Huấn luyện canh giữ biển trời Tổ quốc.

Thời gian sẽ xoa dịu những mất mát thương đau, nhưng thiên tai làm sao lường trước được. Đây đó ở quê nhà những người vợ, người mẹ, người em của những người lính nhà giàn vẫn luôn dõi mắt ra biển với bao nỗi lo toan. Thời gian có thể làm cho họ thay đổi, nhưng nỗi đau, tình thương về người thân thì vẫn vẹn nguyên.

 Biển xanh nhắc nhớ tên anh

Trong số 10 liệt sĩ hi sinh ở nhà giàn DK1, có 6 liệt sĩ không tìm thấy xác, không có phần mộ trên đất liền. Trong đó liệt sĩ Đại úy Vũ Quang Chương là một trong 10 liệt sĩ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt. Anh hi sinh ở tuổi chớm 30 và chưa có người yêu.

Sinh ra và lớn lên ở làng Tri Chỉ, xã Thụy Trường (huyện Thái Thụy, Thái Bình), tuổi thơ của Chương là những ngày cực nhọc bên người cha thương binh mang trong người mảnh đạn thời chiến trận. Anh nhập ngũ năm 1967. Năm 1988, gia đình anh chuyển vào xã Ea kly, huyện Krong Păk (Đắk Lắk) định cư theo diện kinh tế mới. Lần cuối về thăm gia đình là Tết năm 1998. Mấy người bạn học của anh, ai cũng yên bề gia thất, có người con đã học cấp 2, còn anh cứ mải mê với đời binh nghiệp. Người bạn thân giục: “Mày lấy vợ rồi đi biển, lo gì, cứ gửi vợ ông bà già là yên tâm nhất”. Anh Chương gật đầu rồi bảo: “Lần phép sau nhất định tao sẽ cưới, tao cũng thương ông bà già quá. Có điều lính nhà giàn ở biển nhiều hơn đất liền, thời gian ngắn ngủi lắm, ai lấy chồng là lính nhà giàn phải dũng cảm và chịu đựng nuôi con một mình”. Lần nghỉ phép ấy, Út Hồng cũng có nhã ý dẫn anh đến một đồng nghiệp của cô, nhưng rồi Chương ngần ngừ: “Thôi em cứ coi hộ anh, lần phép tới anh sẽ đến xem mặt, cô ấy ưng thì quyết luôn”.

 Đùng một cái đơn vị gọi đi nhà giàn thay cho đồng đội khác vào đất liền. Trước khi đi nhà giàn DK1/6, anh viết thư cho em gái nhưng chưa kịp gửi. Lá thư đó giờ là kỷ vật của gia đình liệt sĩ. Sau 15 năm kể từ ngày Đại úy Vũ Quang Chương hi sinh, ngày 13/12/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Quyết định số 2364/QĐ-CTN truy tặng Anh hùng lực lượng VTND cho liệt sĩ Đại úy Vũ Quang Chương, nguyên chỉ huy trưởng nhà giàn Phúc Nguyên 2A- DK1/6 vì “Đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

Sự hi sinh của 10 cán bộ chiến sĩ DK1 đã trở thành bất tử. 15 nhà giàn vẫn sừng sững hiên ngang giữa ngàn khơi Tổ quốc. Biển vẫn một màu xanh thẫm, vẫn hiền hòa diệu vợi và chất chứa nỗi đau. Biển sẽ mãi gọi tên những liệt sĩ Nhà giàn DK1- những liệt sĩ thời bình.