Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Biếng ăn, chậm lớn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển toàn diện trẻ em

Biếng ăn khiến cho trẻ chậm lớn, thậm chí gây suy dinh dưỡng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Cha mẹ cần biết được nguyên nhân trẻ biếng ăn, chậm lớn để xử trí kịp thời.

Nguyên nhân cơ bản gây biếng ăn ở trẻ

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn như trẻ chuyển từ giai đoạn phát triển này sang giai đoạn phát triển khác (ví dụ từ bú mẹ sang ăn dặm, từ ăn dặm sang ăn cơm).

Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản nhất khiến cho trẻ biếng ăn là do chế độ ăn bất hợp lý, nhồi nhét với khẩu phần ăn quá nhiều đạm, chất béo, ít chất xơ khiến hệ tiêu hóa của trẻ bị quá tải, dẫn đến đầy bụng, khó tiêu, hấp thụ kém, chán ăn.

Ngoài ra, thói quen “vừa ăn, vừa chơi” như vừa ăn vừa xem tivi, vừa ăn vừa chơi đồ chơi, đồ hàng của nhiều gia đình khiến trẻ ăn một cách thụ động, không tập trung, không cảm nhận được mùi vị thức ăn, thời gian bữa ăn kéo dài hơn mà chất lượng bữa ăn lại giảm đi.

Mặt khác, trẻ biếng ăn và chậm lớn có thể do mắc các bệnh như viêm dạ dày, viêm ruột, viêm đường hô hấp… Các bệnh này khiến cho cơ thể trẻ mất đi lượng lớn vitamin và khoáng chất. Đồng thời, việc dùng thuốc kháng sinh để trị bệnh khiến cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa, giảm khả năng hấp thụ thức ăn, cơ thể mệt mỏi và chán ăn. Nếu thấy trẻ có biểu hiện mệt mỏi, ăn ít hơn, cha mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa Nhi để xác định rõ nguyên nhân.

Tác hại của việc trẻ biếng ăn kéo dài

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, trẻ biếng ăn trong 2 năm đầu đời sẽ có nguy cơ nhẹ cân hơn so với các trẻ ăn uống tốt.

Khi biếng ăn, trẻ không có cơ hội hấp thụ đủ các vi chất quan trọng cơ thể cần như thiếu vitamin A khiến khô mắt, khô giác mạc có thể gây mù lòa; thiếu vitamin B1 có thể gây tê phù; thiếu sắt gây thiếu máu; thiếu vitamin D và canxi gây còi xương…

Trẻ biếng ăn dễ gặp phải nguy cơ thiếu một hoặc nhiều chất quan trọng có tác động đến sự hoạt động của não bộ như: protein, omega 3, omega 6, DHA, sắt, taurin, chất béo… Các nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng, trẻ biếng ăn thua kém hơn hẳn về điểm trí tuệ so với trẻ được ăn uống, bổ sung đầy đủ dưỡng chất và sự thua thiệt này có thể ảnh hưởng suốt 5 năm phát triển về sau của trẻ.

Cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân tại sao trẻ biếng ăn, chậm lớn để có biện pháp khắc phục kịp thời. Ảnh minh họa

Cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân tại sao trẻ biếng ăn, chậm lớn để có biện pháp khắc phục kịp thời. Ảnh minh họa

Trẻ biếng ăn, chậm lớn, cơ thể lúc nào cũng mệt mỏi, thiếu năng lượng, hệ miễn dịch cũng trở nên suy yếu. Trẻ dễ nhiễm bệnh, đặc biệt là các bệnh về tiêu hóa và viêm đường hô hấp trên.

Biếng ăn khiến cho trẻ chậm lớn hơn so với các bạn về cả chiều cao và cân nặng. Bước vào lứa tuổi tiểu học, nếu tình trạng này vẫn tiếp tục kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý và kết quả học tập của trẻ. Một số trẻ cảm thấy tự ti khi mình quá bé nhỏ so với các bạn đồng trang lứa, thậm chí trẻ có thể bị chế giễu hoặc bắt nạt vì ngoại hình nhỏ bé, yếu ớt.

Do đó, cha mẹ cần đặc biệt quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày của trẻ. Nếu trẻ biếng ăn kéo dài, chậm tăng cân, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ dinh dưỡng để được can thiệp và xử trí kịp thời.

Theo kết quả của cuộc Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc (2018- 2020) đã được Bộ Y tế công bố ngày 15/4/2021, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc là 19,6%, mức <20%, được xếp vào mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em tuổi học đường (5 - 19 tuổi) đã giảm xuống còn 14,8% (năm 2010 tỷ lệ này là 23,4%). Tuy nhiên, cùng với thừa cân béo phì, suy dinh dưỡng thấp còi ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện ở trẻ em và cần được tiến tới loại bỏ hoàn toàn.