“Dị nhân” ngủ 2 tiếng/ngày
Tại Việt Nam, thực hư về khả năng “cảm nhận” thi hài người mất vẫn còn là những điều bí ẩn chưa thể lý giải. Người được giới khoa học chú ý nhất là ông Đỗ Bá Hiệp. Trao đổi với PV, TS. Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng (UIA) cho biết, “dị tài” của ông Đỗ Bá Hiệp khiến các nhà khoa học trong và ngoài nước cảm thấy ngỡ ngàng.
Theo lời kể của TS. Vũ Thế Khanh, ông Đỗ Bá Hiệp từng làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người. Ông hiện đang sống chung với mẹ, vợ và hai con trong một căn chung cư nhỏ chật hẹp ở Hà Nội. Ông sống rất giản dị, tuềnh toàng trong cách ăn mặc nhưng lại rất nhiệt tình. Ngoài “dị tài” nhìn xuyên lòng đất, các nhà khoa học cũng cảm thấy ngạc nhiên, bởi từ hai mươi năm nay, mỗi ngày người đàn ông này chỉ ngủ hai tiếng mà sức khoẻ vẫn bình thường.
Ông Đỗ Bá Hiệp, người được coi là có “giác quan thứ 6”. |
Khoảng thời gian đầu, những hàng xóm ông Hiệp không thấy có điểm gì khác lạ ngoài công việc thường ngày ông vẫn làm đó là nghiên cứu khoa học. Nhưng dần dần những tin đồn về ông cứ lan dần mãi ra khi người ta biết ông có khả năng kỳ lạ. Tuy nhiên, ông Hiệp vẫn cố giấu bởi không muốn cuộc sống mình xáo trộn. Ông cũng không muốn mình trở thành mục tiêu bàn tán của mọi người. Càng về sau, khi những khả năng đặc biệt của ông đã vượt xa khỏi tầm kiểm soát thì ông cũng không còn giấu được người ngoài. Sau lần tìm mộ của cụ thân sinh cho một gia đình ở TP.Hồ Chí Minh, tên tuổi của ông Hiệp càng vang xa.
Ông lão từ TP.HCM lặn lội đến nhà ông Hiệp tìm mộ người thân tên là Phạm Huy Nho (hiện cư ngụ tại số nhà 27 đường phố Ðông Du, TP. Hồ Chí Minh). “Ông Nho về Hà Nội tìm thi thể ông cụ thân sinh ra mình nhưng không hề biết ngôi mộ được an táng ở khu vực nào. Ông Nho chỉ kể rằng, cách đây 50 năm, gia đình ông sinh sống ở Hà Nội và sau đó ông vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp. Ông cũng mất liên lạc từ đó. Ông và vợ đã nhiều lần quay trở lại Hà Nội tìm mộ cha nhưng lần nào cũng thất vọng quay về”,
Khi nghe tin ông Đỗ Bá Hiệp có khả năng phát hiện các thi hài trong lòng đất và chỉ ra được các liên hệ thân thuộc của thi hài đó với thân nhân, vợ chồng, người đàn ông này hối hả đi Hà Nội. Sau đó, họ đã gặp ông Hiệp và được nhận lời giúp đỡ. Sau khi nghe ông Nho trình bày về ước vọng của mình, “dị nhân” Hiệp ngồi yên lặng một lát, mắt nhìn vào khoảng không rồi sau đó anh chậm rãi nói với hai vợ chồng ông Nho rằng: “Ông cụ thân sinh ra ông mất tại làng Vẽ, một làng ở ngoại ô Hà Nội. Năm ông cụ mất khoảng 55 tuổi. Riêng cụ bà thì mất tại TP.Hồ Chí Minh”. Nghe đến đây, vợ chồng ông Nho cảm thấy rất ngạc nhiên vì ông Hiệp chưa từng biết đến gia đình mình mà lại có thể “phán” những thông tin đúng đến như vậy(!?).
Nghe lời “dị nhân” Đỗ Bá Hiệp, sáng hôm sau, vợ chồng ông Nho đi về làng Vẽ hay còn gọi là làng Đông Ngạc (Từ Liêm, Hà Nội) để tìm mộ người thân. Khi ba người đi vào vùng ruộng khô rộng lớn, ông Hiệp bỗng nhiên dừng lại. Vẫn ánh mắt nhìn vào khoảng không vô định, ông chỉ tay vào một khoảng đất trống ở góc ruộng cho biết, chỗ đó chính là nơi an táng ông cụ thân sinh của ông Nho. Vợ chồng ông Nho chưa hết ngạc nhiên thì ông Hiệp lại chỉ tay về một gò đất cao, cách đó không xa và nói rằng, đó chính là nơi có ngôi mộ tổ của gia đình ông Nho.
TS. Vũ Thế Khanh. |
TS. Vũ Thế Khanh kể : “Ông Nho tiến đến và hỏi ông Đỗ Bá Hiệp rằng làm sao có thể biết được đó là mộ của ông cụ thân sinh ra mình, ông Hiệp trả lời rằng, khi còn sống, bố của ông Nho thường để râu hình chữ nhân và khi mất vẫn để nguyên kiểu râu ấy. Kinh ngạc, xúc động, ông Nho chỉ biết gật đầu xác nhận lời ông Hiệp nói. Bởi trong bức ảnh cụ thân sinh ra ông hiện đang ở Sài Gòn cũng cho thấy cụ để râu hình chữ nhân. Làm sao ở Hà Nội, mới gặp lần đầu tiên mà “dị nhân” này có thể biết được điều đó. Câu chuyện hai vợ chồng ông Nho nhờ ông Hiệp tìm được ngôi mộ của cụ thân sinh chẳng mấy chốc lan truyền khắp Hà Nội và cả các tỉnh miền Nam. Nhiều người nôn nóng chờ đợi, mong có dịp được gặp ông Hiệp để nhờ chỉ chỗ chôn cất của người thân đã thất lạc. Nhiều nhà khoa học thì nói rằng, ông Đỗ Bá Hiệp sở hữu “thiên nhãn”. |
Tìm thấy mộ con trai của người phụ nữ Mỹ
Theo tài liệu của trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người, những năm 90 của thế kỷ trước, có một người đàn bà Hoa Kỳ sang Việt Nam tìm kiếm thi hài của người con trai lúc chiến đấu ở chiến trường miền Nam, Việt Nam. Theo lời kể của người phụ nữ này, con bà đã tử thương trong một cuộc hành quân đến Tây Ninh. Người đàn bà này khi đến TP. Hồ Chí Minh chỉ có trong tay một lá thư của con trai bà đã gửi về Mỹ cho bà trước khi tử trận. Trong chuyến đi này, bà cũng chỉ biết cầu nguyện sẽ tìm được hài cốt con trai, mặc dù biết rằng xác suất rất thấp. Tuy nhiên, khi tìm đến ông Đỗ Bá Hiệp, người phụ nữ ngoại quốc này đã được toại nguyện.
Nghĩ đến hoàn cảnh của người đàn bà vượt nửa vòng trái đất đến Việt Nam tìm con trai, ông Đỗ Bá Hiệp cảm động nhận lời giúp đỡ. Ông lập tức đến Tây Nguyên cùng người đàn bà Hoa Kỳ và một người phiên dịch. Đến chỗ mà ông Hiệp linh cảm rằng con trai người phụ nữ kia đã trút hơi thở cuối cùng, ông Hiệp xuống xe đi bộ chậm rãi. Đến một khu đất có nhiều gò đất nhấp nhô, ông Hiệp dừng lại rồi quay sang nói với người phiên dịch rằng, con trai người đàn bà kia đang nằm dưới đó. Đặc điểm nhận dạng là người lính Mỹ này một bên chân bị thương từ trước cuộc hành quân cuối cùng.
Nghe phiên dịch nói, người đàn bà này rơm rớm nước mắt ngạc nhiên. Bà vội đưa cho ông Hiệp hơn chục tấm ảnh chụp rất nhiều lính Mỹ. Ông Hiệp lần giở từng tấm và dừng lại ở một bức hình rồi đưa cho người phụ nữ đó. Đến lúc này, bà òa khóc và ôm tấm ảnh vào ngực. Bởi, đó chính là con trai của bà. Khi những lưỡi xẻng được đào xuống chưa đầy một mét thì hài cốt của người lính Mỹ hiện ra.
“Chuyện lạ về ông Hiệp, người có “thiên nhãn” được truyền ra cả nước ngoài. Chính các nhà khoa học, địa chất nước ngoài đã sang Việt Nam làm phép thử và tận mắt chứng kiến khả năng kỳ lạ của ông Đỗ Bá Hiệp cũng phải kinh ngạc. Hiện nay, ông Hiệp chủ yếu sử dụng “dị tài” của mình vào việc tìm mộ cho các gia đình. Ông thường dùng khả năng ấy phục vụ mọi người một cách nhiệt tình chứ không dùng vào việc tư lợi cá nhân”, TS. Vũ Thế Khanh khẳng định.
Không nên thần thánh hoá mọi việc TS. Vũ Thế Khanh cho biết, “thiên nhãn” được cho là một dạng của những người sở hữu “giác quan thứ 6”. Đó là “con mắt tâm linh”, dùng để nói lên sự thần thông quảng đại của những vị thần (như Nhị Lang Thần trong tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân). Biểu tượng này tìm thấy ở cả các nền văn minh phương Tây lẫn phương Đông. Trong thần thoại Ai Cập, “thiên nhãn” được gọi là Mắt của thần Horus (hóa thân là chim ưng). Đã từng có thông tin về các vị thiền sư có khả năng đoán biết được những người hôm nay sẽ gặp mình và nói những chuyện gì. Tuy nhiên, với những trường hợp như ông Hiệp cần nghiên cứu thêm, không nên thần thánh hoá mọi việc. |