Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Biểu hiện và cách đề phòng bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ khi giao mùa

Viêm tiểu phế quản có thể gây suy hô hấp nặng ở trẻ, nhất là khi thời tiết đang chuyển mùa như hiện nay.

Bệnh viêm tiểu phế quản có thể bắt đầu bằng triệu chứng sổ mũi. Ảnh minh hoạ

Bệnh viêm tiểu phế quản có thể bắt đầu bằng triệu chứng sổ mũi. Ảnh minh hoạ

Bệnh viêm tiểu phế quản là bệnh lý viêm nhiễm cấp tính các phế quản cỡ nhỏ và trung bình do virus gây nên. Theo báo Sức khoẻ và Đời sống, bệnh xảy ra quanh năm, rất hay gặp và dễ mắc lại ở trẻ nhỏ trong 2 năm đầu đời. Việc phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời sẽ cho kết quả tốt, trái lại nếu chẩn đoán muộn có thể khiến bệnh tình nặng lên, gây biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, thậm chí là tử vong.

Các căn nguyên gây bệnh phổ biến hay gặp là virus, điển hình là RSV (Respiratory Syncitial Virus) chiếm đến 50% - 70%, khả năng lây lan rất cao, có thể thành dịch. Các nhóm nguyên nhân khác như Adenovirus, virus cúm, Mycoplasma pneumoniae, Rhino virus…

Biểu hiện viêm tiểu phế quản

Bệnh viêm tiểu phế quản có thể bắt đầu bằng triệu chứng sổ mũi. Những triệu chứng ban đầu thường giống như cảm lạnh: Ngạt mũi, chảy nước mũi, ho và sốt nhẹ trong 1 đến 2 ngày. Sau đó, các triệu chứng này sẽ phổ biến và tăng lên như:

- Trẻ ho, thở nhanh và thở khò khè.

- Cổ và ngực của trẻ có thể thấy rõ co kéo theo mỗi nhịp thở.

- Trẻ có thể bị sốt từ 4 đến 5 ngày.

- Trẻ bị khó thở sẽ rất mệt hoặc bị thiếu nước.

- Trẻ nôn mửa kèm với ho hay tiêu chảy (phân lỏng, đi cầu nhiều hơn bình thường).

Nặng hơn nữa trẻ có thể sốt cao, bỏ bú, tím tái, có dấu hiệu thở nhanh, rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng, toàn thân tím tái. Ngoài các biểu hiện để chuẩn đoán bệnh, các bác sĩ còn chỉ định làm xét nghiệm để phân biệt với các bệnh khác như:

– Hen phế quản: Rất khó phân biệt với những cơn hen đầu tiên, cần dựa vào tiền sử dị ứng bản thân và gia đình, đáp ứng với thuốc giãn phế quản, xét nghiệm máu tăng bạch cầu ái toan, có thể IgE trong máu tăng. Với trẻ trên 18 tháng cần nghĩ đến hen, dù là cơn đầu.

– Viêm phế quản phổi: Bệnh nhân có hội chứng nhiễm khuẩn (Sốt cao, tăng bạch cầu trung tính, CRP tăng), phổi nghe có ran ẩm nhỏ hạt, X quang có hình ảnh tổn thương nhu mô phổi.

– Ho gà: Ho cơn kéo dài, sau khi ho trẻ có thể tím tái, ngoài cơn ho thì trẻ bình thường. Bạch cầu tăng, lympho tăng. Nghe phổi không có ran.

– Mềm sụn thanh quản: Thường xuất hiện vào tháng thứ 2 sau sinh, khi thở có tiếng rít.

Cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám trong thời gian nhanh nhất có thể nếu: Trẻ thở rất khó hoặc rất nhanh. Trẻ thở khò khè hoặc ngủ li bì. Bụng và xương sườn của trẻ co kéo ở mỗi nhịp thở và phập phồng cánh mũi. Da của trẻ xanh xao, nhợt nhạt hoặc môi trẻ tím tái. Trẻ biểu hiện tức ngực khi thở. 

Theo báo Lao động thủ đô, biến chứng thường gặp của bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ là suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi, viêm tai giữa. Bệnh có nhiều biến chứng và tử vong cũng cao hơn trong các trường hợp sau: trẻ dưới 3 tháng tuổi, sinh non - nhẹ cân, suy dinh dưỡng nặng, có sẵn bệnh tim, phổi, suy giảm miễn dịch.

Theo các bác sĩ, viêm tiểu phế quản có thể để lại nhiều hậu quả cho bệnh nhi, vì vậy, việc phòng bệnh cho trẻ có ý nghĩa rất quan trọng, cha mẹ cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho trẻ, không để trẻ tiếp xúc với người đang bị cảm lạnh; rửa tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc với trẻ vì virus gây bệnh lây lan chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp; cho trẻ tiêm chủng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng.

Khi trời lạnh hoặc giao mùa, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ, không để trẻ quá lạnh nhưng cũng không nên để quá nóng gây vã mồ hôi, chỉ nên mặc quần áo đủ ấm. Cho trẻ đeo khẩu trang khi ra ngoài, khi đi tiêm chủng. Đảm bảo đủ chất dinh dưỡng trong thành phần ăn cho trẻ: Chất đạm, chất béo, gluxit, vitamin, muối khoáng…