Nhiều chính sách dành cho lao động nữ
Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012, có hiệu lực thi hành từ 1/5/2013, Chương X dành 8 điều quy định về lao động nữ. Theo đó, Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ; khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà; có biện pháp cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khoẻ, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần nhằm giúp lao động nữ phát huy hiệu quả năng lực nghề nghiệp. Luật cũng quy định: “Nghiêm cấm người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, thực hiện nguyên tắc bình đẳng nam, nữ về tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác...”.Về tiền lương, luật quy định: “Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau”. Còn trong Luật Bình đẳng giới, cũng quy định: “Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng lao động, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc, tiền công, tiền thưởng, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác...”
Lao động nữ ngành dệt may.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật An toàn, vệ sinh lao động, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016, trong đó Điều 6 và Điều 21 nhấn mạnh: “Người sử dụng lao động phải bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc cho lao động nữ và lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản khi khám sức khỏe định kỳ; lao động nữ được nghỉ 6 tháng sau khi sinh để nuôi con...”. Trước đó, Bộ luật Lao động 2012 cũng có các điều luật quy định về giúp việc gia đình là lao động nữ; quy định chế độ lao động nữ nghỉ thai sản, còn luật bảo hiểm xã hội 2014 hướng dẫn về trợ cấp khi nghỉ để chăm sóc con ốm, khám thai... đối với lao động nữ. Tất cả đều nhằm khuyến khích các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, người sử dụng lao động thực hiện các quyền pháp luật quy định về bình đẳng giới trong lao động việc làm, ưu tiên lao động nữ.
Thúc đẩy bình đẳng giới thực chất
Tại Hội thảo khu vực ASEAN về “Lồng ghép bình đẳng giới trong các chính sách và pháp luật lao động hướng tới việc làm bền vững” tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh mới đây, đề cập đến kinh nghiệm của Việt Nam trong việc tạo mọi điều kiện để phụ nữ bình đẳng với nam giới thông qua hệ thống chính sách pháp luật lao động, bà Hà Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH), nhấn mạnh: “Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều chính sách và quy định khuyến khích việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ xã hội cần thiết nhằm giúp người lao động (nam và nữ ) có thể kết hợp nghĩa vụ gia đình với trách nhiệm công việc, đặc biệt thông qua thúc đẩy việc thành lập và phát triển mạng lưới các cơ sở chăm sóc trẻ em...”.
Cũng theo bà Hà Minh Đức, Điều 154 của Bộ luật Lao động 2012 và Nghị định 85/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã có những quy định về các dịch vụ xã hội giúp người lao động thực hiện nghĩa vụ gia đình, cụ thể về thiết lập và phát triển mạng lưới cơ sở chăm sóc trẻ em. Theo đó, người sử dụng lao động xây dựng các chính sách, phương án và kế hoạch giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo. UBND các tỉnh, thành phố thực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, triển khai việc tổ chức, xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ. Đặc biệt, với lao động giúp việc gia đình được quy định trong Chương XI, mục 5 (từ Điều 179 đến Điều 183) về hợp đồng lao động, nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người giúp việc gia đình, cũng có những điều quy định rất cụ thể về lao động nữ. Đây được coi là bước tiến tích cực trong việc xây dựng khung pháp lý về giúp việc gia đình, cũng như từng bước đưa nghề giúp việc gia đình phát triển bình đẳng trong thị trường lao động, có sự tham gia của phụ nữ.
Có thể nói, những năm qua, nhiều chính sách được ban hành và đi vào cuộc sống đã tạo điều kiện cho lao động nữ phát huy quyền của mình, từ đó giúp phụ nữ được bình đẳng hơn, có nhiều cơ hội tìm được vị trí làm việc tốt, tăng thu nhập, giảm dần khoảng cách trong việc làm và địa vị xã hội với nam giới.
Năm 2015 độ tuổi tham gia lao động của Việt Nam hiện đạt 53 triệu 644 nghìn người (nam chiếm 51,9%, nữ 48,1%). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chung đối với nam đạt 81,9% và nữ là 72,1%. Sự chênh lệch về tiền lương giữa lao động nữ và lao động nam cũng được thu hẹp đáng kể. Năm 2009, tỷ lệ tiền lương/ giờ của nam giới so với nữ giới là 114,8%, nghĩa là nữ kiếm được 100.000 đồng/giờ cho một công việc, nam giới là 114.800 đồng/giờ. Khoảng cách này đã được thu hẹp xuống còn 106,7% vào năm 2014. |