Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bình Định: Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người

(Dân sinh) - Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, qua 5 năm thực hiện Đề án "Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán" giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh; hàng năm, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, Công an tỉnh, các sở, ngành, đơn vị liên quan, các địa phương đã chủ động lập kế hoạch chi tiết để thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người, các Đề án liên quan đến Chương trình phòng, chống mua bán người, công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Những năm gần đây, nền kinh tế của tỉnh Bình Định tăng trưởng khá, các hoạt động văn hóa - xã hội và cơ sở kinh doanh dịch vụ phát triển mạnh, đời sống nhân dân cơ bản ổn định, quốc phòng an ninh được củng cố, tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác duy trì và xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không để phát sinh tệ nạn xã hội luôn được chú trọng. Tỉnh luôn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về mua bán người nhằm giúp cho người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo… nhận biết được âm mưu, thủ đoạn lừa gạt mua bán người để nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Do đó, trong thời gian 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Bình Định chưa ghi nhận nạn nhân nào bị mua bán trở về.

Đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra

Ông Nguyễn Văn Hùng-Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định cho biết, qua thống kê, rà soát, thu thập thông tin của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong tỉnh, từ năm 2016 đến nay Sở LĐ-TB&XH không tiếp nhận được đề nghị hỗ trợ nào từ nạn nhân cũng như gia đình có nạn nhân bị mua bán trở về. 100% xã, phường, thị trấn triển khai kế hoạch này đến các thôn, khu vực, tổ dân phố; hàng tháng tuyên truyền trên đài truyền thanh cấp xã ít nhất 1 lần về nội dung kế hoạch này. Địa phương chưa có trường hợp nạn nhân bị mua bán, do vậy chưa triển khai xây dựng mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán. Đối chiếu với tiêu chí, tỉnh Bình Định tự đánh giá đạt các chỉ tiêu theo Kế hoạch đề ra tại Quyết định số 1092/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 của UBND tỉnh.

Tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân

Đối với công tác tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân được lực lượng Công an tỉnh Bình Định phối hợp với các cơ quan đơn vị, lực lượng chức năng chủ động xây dựng kế hoạch, nắm chắc tình hình hoạt động tội phạm mua bán người, xác định tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp, số đối tượng nổi, nhất là số chủ mưu, cầm đầu, có tiền án, tiền sự về tội mua bán người; tập trung khu vực giáp biên, miền núi và các cơ sở kinh doanh có điều kiện; kịp thời tiếp nhận, xác minh làm rõ đối tượng, nạn nhân, phối hợp điều tra, bắt giữ, giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về. Các tin báo, tố giác tội phạm được tổ chức xác minh, điều tra, làm rõ. Kịp thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý, giải cứu nạn nhân, hạn chế thấp nhất hậu quả xảy ra, các lực lượng chuyên trách chủ động nắm chắc tình hình, diễn biến tội phạm mua bán người, không để bị động, bất ngờ. Trong giai đoạn vừa qua, lực lượng Công an tỉnh Bình Định đã tiếp nhận, điều tra, khám phá 2 vụ án mua bán người, gồm 4 nạn nhân. Trong đó, có 1 nạn nhân bị mua bán trong nước, 3 nạn nhân mua bán ra nước ngoài (Trung Quốc), đã tổ chức giải cứu thành công 2 nạn nhân, có 1 nạn nhân tự trở về, khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi "Bắt, giữ người trái pháp luật", "khởi tố bổ sung tội danh "Mua bán người".

Bình Định: Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người - Ảnh 2.

Một buổi tập huấn về phòng, chống ma túy, mại dâm, mua bán người tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT Bình Định. Ảnh: Kiều Anh

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định đã thực hiện lồng ghép với các nội dung chương trình khác tổ chức 5 lớp tập huấn nâng cao năng lực về công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cho đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội cấp xã trên địa bàn tỉnh, mỗi lớp với gần 200 đại biểu tham dự. Phối hợp với Cục phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức 1 lớp tập huấn về phòng, chống mua bán người cho cán bộ, cộng tác viên làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh và các tỉnh bạn. Lồng ghép trong các buổi truyền thông, tập huấn về chính sách giảm nghèo, bảo trợ xã hội để tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Biên soạn, in 6.000 tờ rơi, lắp đặt 2 pano tuyên truyền về phòng, chống mua bán người. Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội của tỉnh để thực hiện 20 buổi truyền thông về phòng, chống mua bán người tại cộng đồng, trường học, với hơn 1.000 người tham dự. Các ngành, địa phương, các tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Định luôn sẵn sàng, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả trong công tác xác minh, xác định, tiếp nhận, trao trả và bảo vệ nạn nhân bị mua bán.

Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về

Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội của tỉnh là nơi thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Công tác tổ chức tiếp nhận, bố trí lưu trú, thực hiện chế độ hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, đi lại, y tế, tâm lý, pháp lý, học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu, thực hiện quá trình chuyển tuyến hỗ trợ nạn nhân theo quy định của Luật phòng, chống mua bán người và các văn bản hướng dẫn thi hành. UBND tỉnh đã quan tâm, bố trí kinh phí thường xuyên của tỉnh để nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm mới trang thiết bị đảm bảo các điều kiện phục vụ công tác hỗ trợ nạn nhân tại Trung tâm.

Bình Định: Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người - Ảnh 3.

Chung tay phòng, chống mua bán người vì một xã hội an toàn (Ảnh minh họa)

Trong giai đoạn 2021-2025, ông Nguyễn Văn Hùng-Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh Bình Định phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; các nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai đa dạng; các chế độ chính sách, dịch vụ hỗ trợ được thực hiện đồng bộ, lồng ghép với các chương trình an sinh xã hội. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tích cực tham gia vào công tác hỗ trợ nạn nhân, giúp đỡ về vật chất và tinh thần, để họ sớm ổn định được cuộc sống hoàn lương; thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật.

Mục tiêu cụ thể là 100% các trường hợp nạn nhân tiếp nhận được, tiến hành các thủ tục xác minh, xác định nạn nhân và được hưởng các chế độ hỗ trợ ban đầu theo quy định của pháp luật. 100% nạn nhân và người thân trong gia đình có nhu cầu, được bảo vệ an toàn theo quy định của pháp luật. 100% nạn nhân sau khi trở về gia đình có nhu cầu được hỗ trợ về pháp lý, y tế và chế độ theo quy định của pháp luật. 100% xã, phường, thị trấn triển khai kế hoạch này đến các thôn, khu vực, tổ dân phố; hàng tháng tổ chức tuyên truyền trên đài truyền thanh cấp xã ít nhất 1 lần về nội dung phòng, chống mua bán người. Phấn đấu xây dựng mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán.

Tỉnh Bình Định cũng kiến nghị Trung ương thành lập Quỹ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và kết nối với các tỉnh để thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân và giúp kết nối với các chương trình hỗ trợ khác nhằm chủ động trong công tác hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng được liên tục, kịp thời. Hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cho tỉnh Bình Định xây mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng.