Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, đây là thời điểm đang vào chính vụ khai thác thủy sản. Đặc biệt, nhờ khai thác hiệu quả chuyến biển trước, nên sau khi cập cảng bán cá, nhiều chủ tàu tiếp tục sắm tổn phí (nguyên liệu, xăng dầu, lương thực, thực phẩm) vươn khơi, sẵn sàng đón Tết cổ truyền trên biển.
Các tàu cá của ngư dân chủ yếu hành nghề câu cá cá ngừ đại dương, vây cá ngừ, vây ánh sáng, mành chụp hoạt động trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, khu vực biển giữa Trường Sa và Hoàng Sa.
Ghi nhận của PV Dân trí, chiều 19/1, tại cảng cá Quy Nhơn (Bình Định), những chuyến tàu cuối cùng của năm Bính Thân đã vươn khơi. Đang chuẩn bị bữa cơm cuối cùng cho 12 thuyền viên trên tàu BĐ 98101 - TS, trước khi rời đất liền ra khơi đánh bắt thủy sản và đón Tết trên biển, ngư dân Trần Thanh Của (37 tuổi, trú xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn) cho biết: “Gần 20 năm đi biển, chủ yếu tôi đón Tết trên biển. Nghề nào nghiệp đó chú! ngư dân quanh năm đánh bắt trên biển, xem biển như nhà, nên chuyện ăn Tết trên biển cũng thấy bình thường. Đêm giao thừa chúng tôi cũng có bánh kẹo, bia, nước ngọt, làm con gà cúng. Sau đó, anh em thuyền viên quây quần bên nhau ăn uống no say rồi nghỉ ngơi. Sáng mùng 1 Tết, anh em bắt đầu công việc và tất cả lại trở lại như ngày thường”.
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết: Phần lớn các ngư dân vươn khơi bám biển theo từng tổ đội. Phương án này giúp ngư dân tăng hiệu quả sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Thông qua các Trạm bờ, ngư dân cho biết các tàu và thuyền viên trên tàu đều an toàn, nhiều tàu đã có sản phẩm, dự kiến sau từ 15-20 ngày nữa tàu cá của ngư dân sẽ vào bờ.