Nước lũ tại Bình Định
Mưa lũ còn làm ngập 3,26 km đường giao thông; 1,85 km đê sông, suối và 28,4 km kênh mương bị sạt lở; 49 đập bổi bị cuốn trôi, 1 đập kiên cố khác bị hỏng. Về nông nghiệp, có 6.828 ha lúa mới gieo sạ và 370 ha hoa màu bị ngập; 46.130 con gia cầm bị chết. Tính riêng tại huyện Hoài Ân, mưa lũ khiến nước các sông lên nhanh làm ngập hơn 1.600 ngôi nhà, 1.100 giếng nước, 36 công trình trạm bơm; 134 ha lúa và 106 ha hoa màu bị thiệt hại; sạt lở và bồi lấp 8.600 m kênh mương chính; 26 km kênh mương bê tông bị sạt lở hai bên bờ; cuốn trôi 128 đập bổi và 106 m cầu máng; sạt lở trên 2.650m đoạn bờ sông tại các xã Ân Hảo Tây, Ân Mỹ, Ân Thạnh, nhiều tuyến đường liên xã, cống nội đồng, cầu bị xói, sạt lở.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, ông Nguyễn Hữu Khúc cho biết, trong tình thế khẩn trương, huyện đã sơ tán 320 hộ dân đến nơi an toàn, đặc biệt nghiêm trọng là mưa lũ đã làm cho thân đập Chùa ở xã Ân Hảo Tây bị lở, rất may với phương châm 4 tại chỗ, sự cố đã được khắc phục kịp thời. Sáng 10/12/2018, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Phi Long đã kiểm tra và tuyên dương tinh thần trực phòng chống lụt bão nghiêm túc của xã Ân Hảo Tây. Hoài Ân có 22 hồ chứa nước lớn nhỏ, đến giờ hầu hết nước đã qua tràn. Trên địa bàn Hoài Ân đến chiều tối 10/12 vẫn còn mưa lớn, mực nước các sông còn dâng cao. Thiệt hại do mưa lũ ở huyện Hoài Ân tính sơ bộ đến chiều 10/12 là hơn 15 tỷ đồng. Chiều ngày 10/12/2018 đã có 650 hộ dân tại các xã Mỹ Chánh, Mỹ Tài, Mỹ Thành bị cô lập trong nước lũ. Trong số 4.200 ha lúa Đông Xuân mới gieo sạ đã có 2.800 ha bị ngập nước và 103 ha rau màu bị hư hỏng. Mưa lũ cũng đã cuốn trôi 1.150 con gia súc, gia cầm.
Ngôi nhà bị ngập nước ở Bình Định
Mưa lớn bất ngờ ở huyện Phù Mỹ khiến tại xã Mỹ Chánh nước lũ dâng cao, chảy xiết, đến 3h sáng 10/12, nước tràn qua đê sông Cạn ở xã Mỹ Chánh khiến nhà của hơn 1.000 hộ dân tại các thôn An Xuyên 1, An Xuyên 2, An Xuyên 3, Lương Trung, Lương Thái bị ngập sâu trong nước. Hàng ngàn hecta hoa màu, trâu bò, gà vịt và lương thực thực phẩm bị cuốn trôi theo dòng nước. Tại xã Mỹ Quang, nước lũ chảy xiết gây xói lở bờ kè sông Bình Trị, gây ngập lụt trên diện rộng. Hơn 300 hộ dân các thôn Bình Trị, Trung Thành 1, Trung Thành 2 bị cô lập trong lũ. Ngoài ra, tại các địa phương khác trên địa bàn huyện, 2.800 ha/4.200 ha lúa ĐX đã gieo sạ bị ngập, cuốn trôi, nhiều tuyến kênh mương, đường bê tông giao thông nông thôn bị hư hỏng nặng.
Sáng ngày 10/12/2018, đã có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Pháo binh 572 và Đội xung kích (CA huyện Phù Mỹ) cứu hộ, cứu nạn người dân ở các thôn Lương Trung và Lương Thái (xã Mỹ Chánh) bị lũ cô lập. Bộ đội và công an đã đưa hàng trăm người dân đa số là người già, phụ nữ và trẻ em từ vùng bị lũ nguy hiểm đến nơi an toàn. Ngoài ra, các lực lượng còn vận chuyển thuốc men và nhu yếu phẩm cho người dân bị lũ cô lập.
Để đối phó với lũ lụt, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với địa phương hướng dẫn nông dân tiêu độc khử trùng chuồng trại khu vực bị ngập nước và triển khai các biện pháp không để dịch bệnh xảy ra khi nước rút. Hiện tỉnh vẫn còn 1.270 nhà bị ngập, 3 nhà bị sập và một số tuyến đường giao thông bị ngập, gây sạt lở; 425m đê, kè bị sạt lở và 6.422ha lúa mới gieo sạ bị ngập úng. Do ngập lụt cục bộ, giao thông bị chia cắt nên các trường đã cho học sinh nghỉ học. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định, ngày 10 và 11/12 đã cho khoảng 238.000 học sinh trên toàn tỉnh được nghỉ học gồm các huyện An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn và thị xã An Nhơn và một số xã tại TP Quy Nhơn đã thông báo tất cả các trường cho học sinh nghỉ học, để đảm bảo an toàn cho học sinh, phụ huynh và giáo viên trong vùng ngập lụt nặng.