Theo ghi nhận tại hiện trường, cả khu rừng giữ chức năng phòng hộ rộng bạt ngàn giờ bị đốt cháy, ám khói loang lổ giữa vùng hoang mạc cát. Ước tính cả trăm ngàn cây dương cổ thụ, đường kính từ 10cm - 50cm (5 đến 40 năm tuổi), có cây đường kính ở gốc lên đến 80cm bị cưa phẳng.
Hiện trường cho thấy, đây là một vụ phá rừng rất quy mô, có hệ thống. Các đối tượng sử dụng cưa xăng và các phương tiện cơ giới để mở đường phá rừng.
Sau khi cưa hạ, cây lớn được vận chuyển đi nơi khác để tiêu thụ, còn hiện trường được dọn dẹp và đốt cháy nhiều lần để xóa dấu vết, làm cũ vết cưa hạ.
Đáng lưu ý, chỉ duy nhất diện tích rừng được tỉnh Bình Định giao cho Công ty Cổ phần Phong điện Phương Mai là bị phá sạch, đốt sạch. Còn khu vực xung quanh, rừng vẫn được bảo vệ, phủ xanh cát trắng.
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, đây là một vụ “thủ tiêu” rừng có tổ chức, bài bản, chuyên nghiệp và có kế hoạch.
Các đối tượng phá rừng đã móc ngoặc với nhau, lên kế hoạch rất kỹ lưỡng từ trước. Các đối tượng có thể được “bật đèn xanh” để phá rừng, sau đó đem bán cây rừng lấy tiền.
Người dân địa phương ước tính, số lượng cây rừng bị cưa hạ khoảng 100.000 cây, số tiền bán gỗ cũng khoảng 5 đến 6 tỷ đồng.
Được biết, tháng 8-2015, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản chuyển toàn bộ khu rừng phòng hộ ở dọc tuyến đường ĐT639 sang không còn giữ chức năng phòng hộ nữa. Tuy nhiên, Bình Định yêu cầu các doanh nghiệp làm điện gió và đơn vị chức trách phải có biện pháp chăm sóc, bảo vệ, phục hồi khu rừng chứ không phải phá trắng.
Theo nhận định hiện trường, từng cây lâu năm bị cưa hạ bằng máy cưa xăng, cây lớn được vận chuyển đi tiêu thụ. Hiện trường được thu dọn, đốt thành nhiều đợt hòng xóa dấu vết.