Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bình Định: Phòng ngừa mại dâm đi đôi với đấu tranh triệt phá ổ nhóm

(Dân sinh) - Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, lấy mục tiêu phòng ngừa là chính, trong 6 tháng đầu năm 2020, Sở đã chỉ đạo các phòng, ban của Sở phối hợp với các phòng, ban, hội đoàn thể liên quan cấp huyện triển khai và hướng dẫn đến các xã, phường, thị trấn nắm bắt tình hình mại dâm tại địa phương. Phát động sâu rộng trong quần chúng nhân dân nhận biết, ngăn chặn, phòng ngừa và cảnh giác với những âm mưu, thủ đoạn lừa gạt phụ nữ vì mục đích mại dâm hoặc bóc lột tình dục.

Lấy mục tiêu phòng ngừa mại dâm là chính:

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, với phương châm lấy mục tiêu phòng ngừa là chính, trong 6 tháng đầu năm 2020, Sở đã chỉ đạo các phòng, ban của Sở phối hợp với các phòng, ban, hội đoàn thể liên quan cấp huyện triển khai và hướng dẫn đến các xã, phường, thị trấn nắm bắt tình hình mại dâm tại địa phương. Phát động sâu rộng trong quần chúng nhân dân nhận biết, ngăn chặn, phòng ngừa và cảnh giác với những âm mưu, thủ đoạn lừa gạt phụ nữ vì mục đích mại dâm hoặc bóc lột tình dục.

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo Bình Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Đài truyền thanh ở địa phương thường xuyên tuyên truyền công tác phòng, chống mại dâm. Tiếp tục thực hiện ký kết hợp đồng trách nhiệm với 18 UBND xã, phường, thị trấn duy trì và xây dựng địa phương lành mạnh không để phát sinh tệ nạn mại dâm, ma túy. 

Chỉ đạo trực tiếp 18 cộng tác viên truyền thông phòng, chống tệ nạn xã hội ở 18 xã, phường, thị trấn trọng điểm ma túy, mại dâm thực hiện công tác truyền thông về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người tại địa bàn. Ký hợp đồng công việc với 8 Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố trong thực hiện công tác tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức về pháp luật phòng, chống mại dâm. 

Thực hiện ký hợp đồng với Công an tỉnh, Tỉnh đoàn Bình Định phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền về phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh năm 2020. Lắp đặt 2 Pano tuyên truyền về phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh tại huyện Tây Sơn và huyện Phù Cát.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Đội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh phối hợp với Phòng PC 02, Công an tỉnh và chính quyền một số xã, phường, thị trấn trọng điểm tổ chức thâm nhập, kiểm tra và nắm bắt tình hình thực tế 20 cơ sở kinh doanh dịch vụ có biểu hiện hoạt động mại dâm trên địa bàn thành phố Quy Nhơn và các xã, phường, thị trấn trọng điểm hoạt động mại dâm dọc quốc lộ 1A, quốc lộ 19. 

Qua kiểm tra, chủ yếu các khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ không vào sổ khách lưu trú qua đêm, không khai báo trung thực số lượng người lưu trú cho Công an cấp xã theo quy định, những cơ sở này đều lập biên bản và đề nghị hình thức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Bình Định: Phòng ngừa mại dâm đi đôi với đấu tranh triệt phá ổ nhóm

 - Ảnh 1.

Ngày 13/2/2020, một quán cà phê trá hình ở huyện Tây Sơn đã bị Công an đột kích bắt quả tang đôi nam nữ đang bán dâm, tiến hành xử lý theo quy định pháp luật.

Sở cũng đã phối hợp với Công an tỉnh rà soát trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện dễ bị lợi dụng hoạt động môi giới, dẫn dắt, chứa mại dâm trên địa bàn tỉnh, từ đó đánh giá được số lượng các cơ sở kinh doanh dịch vụ, số đối tượng có biểu hiện môi giới, dẫn dắt mại dâm, chủ chứa mại dâm, số gái có biểu hiện hoạt động bán dâm. 

Qua công tác rà soát, nắm tình hình phát hiện đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến hoạt động môi giới, chứa mại dâm trên địa bàn tỉnh, gồm 11 chủ chứa, 2 môi giới, 34 người hoạt động bán dâm và 12 cơ sở kinh doanh, dịch vụ có biểu hiện lạm dụng hoạt động trá hình mại dâm.

Tích cực đấu tranh truy quét ổ nhóm mại dâm:

Đi đôi với công tác tuyên truyên, kiểm tra vi phạm hành chính đối với các cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, tỉnh Bình Định cũng đã tích cực trong công tác đấu tranh, truy quét, triệt phá, truy tố, xét xử các đường dây, ổ, nhóm tội phạm liên quan đến hoạt động mại dâm

Trong 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng trong tỉnh đã triệt xóa 2 tụ điểm hoạt động trá hình mại dâm, bắt 12 đối tượng. Trong đó có 4 chủ chứa, môi giới; 4 đối tượng bán dâm, 4 người mua dâm, xử phạt hành chính 8 đối tượng, khởi tố 3 vụ/4 bị can. Lực lượng cảnh sát hình sự trong tỉnh đã phát hiện, tổ chức lực lượng tiến hành kiểm tra, gọi hỏi răn đe giáo dục, thực hiện các biện pháp hành chính đối với tụ điểm có biểu hiện hoạt động mại dâm.

Điển hình mới đây đã khởi tố vụ chứa chấp và môi giới mại dâm tại TP.Quy Nhơn. Vụ việc xả ra vào lúc 22h30 phút, ngày 26/5/2020, Công an thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định tiến hành kiểm tra tại khách sạn Thiên Hương, số 2/41 đường An Dương Vương, phường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Quy Nhơn do bà Trần Thị Hồng (sinh năm 1982, cư trú KV5, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) làm chủ, phát hiện bắt quả tang 2 cặp nam, nữ đang thực hiện hành vi mua, bán dâm tại các phòng số 103, 203. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Quy Nhơn tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi chứa chấp và môi giới mại dâm.

Bình Định: Phòng ngừa mại dâm đi đôi với đấu tranh triệt phá ổ nhóm

 - Ảnh 2.

Triệt phá một ổ nhóm mại dâm ở Thành phố Quy Nhơn

Phấn đấu mỗi năm có từ 1-2 xã (phường, thị trấn) không còn tệ nạn mại dâm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định cũng nhìn nhận, công tác phòng, chống mại dâm vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế. Đó là, tệ nạn mại dâm hiện nay mới giảm ở bề nổi, chưa giải quyết dứt điểm được các chủ chứa, người môi giới hoạt động mại dâm. Chính quyền một số địa phương chưa quản lý tốt công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn của mình, đặc biệt là các địa bàn giáp ranh tỉnh như: Đèo Bình Đê (giữa Quảng Ngãi-Bình Định); đèo Cù Mông (giữa Phú Yên-Bình Định), đèo An Khê (giữa Gia Lai-Bình Định), vùng giáp ranh giữa các huyện trong tỉnh và một số điểm mại dâm vẫn còn lén lút hoạt động, tồn tại.

Việc quản lý, giáo dục, dạy nghề và hỗ trợ tạo việc làm cho người bán dâm, lương thiện làm ăn sinh sống, sớm hòa nhập cộng đồng chất lượng và hiệu quả thấp, chưa kịp thời giúp đỡ cho chị em phụ nữ yếu thế trong cuộc sống phải lâm vào bán dâm và chưa xây dựng được mô hình hỗ trợ người bán dâm hòa nhập với cộng đồng. Đối tượng môi giới mại dâm giao dịch với khách mua dâm và người bán dâm chủ yếu thông qua điện thoại di động, mạng xã hội…do đó công tác phát hiện, thu thập tài liệu và đấu tranh triệt xóa còn gặp nhiều khó khăn.

Sở LĐ-TB&XH cũng cho rằng, hiện nay chế tài xử lý đối với người bán dâm còn quá nhẹ. Theo quy định người bán dâm sau khi bị bắt giữ thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức từ 100-300 nghìn đồng, nên không có tác dụng răn đe. Vì vậy hầu hết người bán dâm vẫn tiếp tục vi phạm. Hệ thống pháp luật về phòng, chống mại dâm đã ban hành 17 năm nên nhiều điểm không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Đẻ tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm, kịp thời ngăn chặn hoạt động mại dâm có tổ chức, mại dâm trẻ em vị thành niên và tội phạm mua bán người vì mục đích mại dâm hoặc bóc lột tình dục; tỉnh Bình Định đề ra mục tiêu phấn đấu mỗi năm có 1- 2 xã, phường, thị trấn từ ít người bán dâm xuống không còn tệ nạn mại dâm.

Giải pháp trọng tâm đặt ra là ngoài công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, Sở phối hợp với các ngành chức năng, nhất là Đội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh, huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác truy quét, triệt phá ổ nhóm và tụ điểm mại dâm nơi công cộng, vùng giáp ranh. Tổ chức thanh tra, kiểm tra khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, điểm karaoke, cơ sở massage, quán cà phê đèn mờ… nơi có biểu hiện hoạt động mại dâm. Xử lý nghiêm minh đúng quy định của pháp luật những chủ chứa, môi giới, bảo kê hoạt động mại dâm. Tổ chức hội nghị, tập huấn nâng cao năng lực về công tác phòng, chống mại dâm cho đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định cũng đề nghị điều chỉnh, hoặc sửa đổi Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 167/2013/NĐ-CP về áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người bán dâm thường xuyên vi phạm đã bị xử lý hành chính nhiều lần mà vẫn không khắc phục sửa chữa; đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc lao động công ích nhằm đảm bảo thực thi pháp luật có hiệu quả. Kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH và các Bộ, ngành Trung ương sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Phòng chống mại dâm năm 2003 hoặc sớm ban hành mới Luật phòng, chống mại dâm nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước và nâng mức xử phạt người vi phạm. Quan tâm, hỗ trợ tỉnh xây dựng mô hình hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng.