Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bình Định quan tâm thực hiện chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN

(Dân sinh) - Những năm gần đây tỉnh Bình Định đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để kéo giảm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN). Khi có sự cố TNLĐ xảy ra, hoặc người lao động mắc BNN đều được cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả kịp thời các chế độ Bảo hiểm TNLĐ-BNN; đồng thời được Sở LĐ-TB&XH tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà động viên gia đình bị nạn.

Theo Sở LĐ-TB&XH, năm 2022, tại tỉnh Bình Định đã xảy ra 95 vụ TNLĐ, làm 14 người chết, 11 người bị thương nặng; tổng thiệt hại do TNLĐ gây ra gần 2 tỷ đồng. TNLĐ tập trung chủ yếu những ngành nghề và lĩnh vực lao động trong xây dựng, vận hành máy và thiết bị sản xuất…

Trong thời gian qua, đặc biệt điểm nhấn là Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) hàng năm, tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để kéo giảm TNLĐ-BNN. Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, để triển khai và thực hiện có hiệu quả chủ đề “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc” của Tháng hành động về ATVSLĐ tỉnh năm 2023, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và công đoàn các cấp tập trung thực hiện các hoạt động hưởng ứng phải thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, hướng về cơ sở, trực tiếp giải quyết những vấn đề công nhân lao động quan tâm, bức xúc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang phát biểu phát động Tháng hành động về ATVSLĐ tỉnh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang phát biểu phát động Tháng hành động về ATVSLĐ tỉnh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATVSLĐ đến người sử dụng lao động và người lao động; đặc biệt tập trung những lĩnh vực có nguy cơ, rủi ro cao. Xây dựng, rà soát, bổ sung các nội quy, quy trình làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc; tổ chức tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ đối với từng máy, thiết bị, từng phân xưởng, tổ, đội để có biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời các sự cố, rủi ro về TNLĐ-BNN. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Các doanh nghiệp tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát ATVSLĐ tại cơ sở của mình. Đồng thời, tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện công tác ATVSLĐ tại cơ sở và các cấp quản lý.

Đi cùng với việc thực hiện các giải pháp đồng bộ để kéo giảm TNLĐ-BNN, tỉnh Bình Định cũng thường xuyên quan tâm đến việc triển khai các chính sách liên quan đến bảo hiểm TNLĐ-BNN nhằm giảm bớt gánh nặng về kinh tế đối với gia đình không may gặp phải TNLĐ-BNN. Theo cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Định, các chế độ về Bảo hiểm TNLĐ-BNN được đơn vị chi trả kịp thời, đúng quy định.Trong năm 2022, BHXH tỉnh đã giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng kịp thời cho 29 trường hợp bị TNLĐ-BNN với số tiền hơn 33,6 triệu đồng và trợ cấp một lần TNLĐ-BNN cho 87 người với số tiền gần 2,9 tỷ đồng. Từ đầu năm nay đến ngày 14/6/2023, đã giải quyết trợ cấp hàng tháng TNLĐ-BNN cho 6 người với số tiền hơn 8 triệu đồng và 37 trường hợp trợ cấp một lần TNLĐ-BNN với số tiền gần 1,1 tỷ đồng. Theo BHXH tỉnh, dù không mong muốn nhưng những rủi ro trong công việc là điều không thể lường trước và có khả năng đe dọa sức khỏe, cuộc sống của rất nhiều người lao động. Để chia sẻ, hỗ trợ người lao động, chính sách Bảo hiểm TNLĐ-BNN đã ra đời với nhiều lợi ích thiết thực.

Đoàn công tác thăm hỏi sức khỏe, đời sống ông Nguyễn Thanh Vân ở xã Phước Hiệp bị TNLĐ đa chấn thương (huyện Tuy Phước)

Đoàn công tác thăm hỏi sức khỏe, đời sống ông Nguyễn Thanh Vân ở xã Phước Hiệp bị TNLĐ đa chấn thương (huyện Tuy Phước)

Ngoài việc giải quyết kịp thời các chế độ Bảo hiểm TNLĐ-BNN, nhân Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023, Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Y tế và các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương luôn quan tâm thăm hỏi thân nhân, gia đình người lao động tử vong do bị TNLĐ. Sáng 23/5, Đoàn công tác của Hội đồng ATVSLĐ tỉnh do ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Chủ tịch Hội đồng làm Trưởng đoàn đến thăm, tặng quà 5 công nhân bị TNLĐ nặng (mỗi trường hợp một phần hỗ trợ 1 triệu đồng) trong quá trình làm việc tại TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước. 

Các trường hợp bị TNLĐ xảy ra trong 2022 cũng được Sở LĐ-TB&XH và các cơ quan chức năng thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời. Như vụ TNLĐ tại công ty TNHH MTV Savvy Seafood Việt Nam (KCN Nhơn Hòa, TX An Nhơn) ngày 15/9/2022, Sở đã đến thăm, động viên, hỗ trợ mỗi suất quà 2 triệu đồng tiền mặt, từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh và một phần quà để gia đình cúng người đã mất. Đồng thời trao hỗ trợ từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho 6 trẻ ở huyện Tuy Phước có cha, mẹ bị thương hoặc tử vong do TNLĐ. Mỗi em được Quỹ hỗ trợ số tiền 5 triệu đồng. Ngoài ra, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cũng hỗ trợ số tiền tương tự cho 4 em ở TX An Nhơn có cha, mẹ thương vong do vụ TNLĐ nói trên. Liên đoàn lao động tỉnh cũng đã đến thăm 5 gia đình có người thân tử vong do tai nạn, gồm: ông Hồ Ngọc Luân, ông Hồ Văn Hường (TX An Nhơn), ông Ngô Thanh Trực, bà Nguyễn Thị Thanh Ái, ông Phạm Đức Tài (huyện Tuy Phước); 6 nạn nhân bị thương đang điều trị tại BVĐK tỉnh, gồm: Ông Nguyễn Thanh Quang, bà Nguyễn Thị Gái, bà Nguyễn Thị Hoan, ông Nguyễn Thanh Vân, ông Trần Văn Đạt, ông Nguyễn Thành Lập.

Trao tiền hỗ trợ của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho em Phạm Thị Mộng Tuyền (12 tuổi) ở thôn Tuân Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước.

Trao tiền hỗ trợ của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho em Phạm Thị Mộng Tuyền (12 tuổi) ở thôn Tuân Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước.

Tại các nơi đến thăm, đại diện các cơ quan chức năng ân cần thăm hỏi sức khỏe, công việc, đời sống và đề nghị các công ty tiếp tục quan tâm thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách; chăm lo, hỗ trợ về đời sống, tạo điều kiện để các công nhân được tiếp tục làm những công việc phù hợp với sức khỏe hiện tại để có thu nhập, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, đi đôi với việc tuyên truyền thực hiện công tác ATVSLĐ, Sở luôn gắn liền với việc triển khai thực hiện chế độ Bảo hiểm TNLĐ-BNN trong các doanh nghiệp và người lao động. Có thể thấy, TNLĐ-BNN là điều không ai mong muốn và phòng tránh nhưng trong thực tế vẫn xảy ra với những hậu quả rất đáng tiếc. Mỗi người lao động đều là trụ cột của gia đình. Khi họ bị TNLĐ hay mắc BNN phải nghỉ làm thì gia đình đều lâm vào cảnh khó khăn. Lúc này, hầu hết người lao động không còn thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt tối thiểu cho bản thân chứ chưa nói tới việc còn chi phí cho các thành viên khác trong gia đình.

Vì vậy, một chính sách để hỗ trợ, chia sẻ với người lao động trong hoàn cảnh đó là điều vô cùng cần thiết và chế độ Bảo hiểm TNLĐ-BNN ra đời. Đây là 1 trong 5 chế độ của chính sách BHXH, được quy định trong Luật BHXH. Và từ ngày 25/6/2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13 đã thông qua và thống nhất, chế độ Bảo hiểm TNLĐ-BHNN một cách cụ thể tại Luật ATVSLĐ. Khi tham gia, người lao động được hưởng nhiều chế độ hỗ trợ nếu chẳng may bị TNLĐ và BNN gồm:Trợ cấp 1 lần với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% và trợ cấp hằng tháng với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên.