Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bình Định: Tăng cường các hoạt động phòng, chống mua bán người

Trước tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, tỉnh Bình Định đã tập trung chỉ đạo, tăng cường các biện pháp phòng, chống. Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Bộ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1816/QĐ-UBND ngày 30/5/2016 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh, trong đó giao Sở LĐTBXH thực hiện Đề án về “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương, tái hòa nhập cộng đồng”.
 
Tiếp đó, ngày 29/3/2017, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 1092/QĐ-UBND về phê duyệt Kế hoạch tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020. Với vai trò là cơ quan thường trực, Sở LĐTBXH đã lập kế hoạch tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh năm 2018; triển khai cho các cơ sở bảo trợ xã hội, phòng LĐTBXH các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các phòng, ban liên quan cấp huyện và UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, Sở cũng tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân nhận biết được âm mưu, thủ đoạn mua bán người; tập trung phổ biến Luật Phòng, chống mua bán người; biên soạn và phát hành 3.000 tờ rơi về phòng, chống mua bán người năm 2017.
 
Trong năm 2018, Sở LĐTBXH tiếp tục ký kết hợp đồng trách nhiệm với 18 xã, phường, thị trấn duy trì và xây dựng địa phương lành mạnh, không để phát sinh tệ nạn mại dâm, ma túy; chỉ đạo trực tiếp 18 cộng tác viên truyền thông phòng, chống tệ nạn xã hội ở 18 xã, phường, thị trấn trọng điểm ma túy, mại dâm thực hiện công tác truyền thông về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người tại địa bàn; phối hợp với Phòng LĐTBXH huyện An Nhơn lắp đặt 1 pano tuyên truyền phòng, chống mua bán người; ký hợp đồng thông tin tuyên truyền với Báo Bình Định về chương trình phòng, chống mua bán người và kết quả thực hiện công tác tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh Bình Định. 
 
Có thể nói, với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp giữa các sở, ngành, hội, đoàn thể liên quan, các cấp chính quyền địa phương, công tác phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Bình Định luôn được triển khai thực hiện kịp thời. Nhìn chung, tình hình tội phạm mua bán người, nhất là phụ nữ và trẻ em bị mua bán ra nước ngoài những năm gần đây không còn diễn biến phức tạp. Chính quyền các địa phương trong tỉnh đã cảnh giác, kịp thời tuyên truyền, giáo dục và phát động toàn dân tham gia hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7”, qua đó làm cho mọi tầng lớp nhân dân nhận biết được âm mưu, thủ đoạn lừa gạt mua bán người, góp phần làm hạn chế, tiến đến không còn tội phạm mua, bán người trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, số phụ nữ, trẻ em trên địa bàn tỉnh bị lừa gạt mua, bán ra nước ngoài, hiện còn ở nước ngoài hoặc đã trở về được với gia đình phần lớn đều ổn định cuộc sống.
 
Trong năm 2017, qua điều tra, xác minh và cung cấp thông tin của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong tỉnh, Bình Định và một số tỉnh miền Trung có đường dây mua bán người qua Trung Quốc, trong đó có 1 người ở thành phố Quy Nhơn bị mua bán không thành hiện về lại địa phương; 4 người bị mua bán có liên quan đã biết tên, tuổi, quê quán; 2 người chưa biết tên, tuổi, quê quán hiện còn ở bên Trung Quốc. Cũng qua điều tra, xác minh, Công an tỉnh Bình Định đã bắt và đưa vào trại tạm giam 1 đối tượng quê ở Bình Thuận để điều tra về tội mua bán người. Trong 9 tháng đầu năm 2018, nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ở Bình Định không có trường hợp nào bị mua bán người. 

 
Ông Phan Đình Hòa, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH trao tặng Giấy khen của Giám đốc Sở cho các cộng tác viên làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội có thành tích xuất sắc trong công tác.
 
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phan Đình Hòa, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bình Định cho rằng: So với giai đoạn trước, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh đã giảm. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động mua bán người vẫn diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Đối tượng mà tội phạm mua bán người “để mắt” tới là những phụ nữ, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, kém hiểu biết, nhẹ dạ cả tin. Thủ đoạn dụ dỗ, lừa gạt thường là đi tìm việc làm nhàn hạ, có thu nhập cao, sau đó đưa thẳng ra biên giới lừa sang Trung Quốc bán. Hay số phụ nữ thích ăn chơi, đua đòi, lười lao động luôn được đối tượng đưa ra khu vực biên giới tham quan du lịch, thăm người thân, mua hàng hoá giá rẻ... rồi lừa đưa đi Trung Quốc bằng cách làm thủ tục xuất cảnh hợp pháp hoặc vượt biên giới trái phép. 
 
Trong giai đoạn 2017-2020, tỉnh Bình Định phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu về công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, cụ thể như: 100% các trường hợp đã tiếp nhận được, tiến hành các thủ tục xác minh, xác định nạn nhân và được hưởng các chế độ hỗ trợ ban đầu theo quy định của pháp luật; 100% nạn nhân và người thân trong gia đình có nhu cầu, được bảo vệ an toàn theo quy định của pháp luật; 100% nạn nhân sau khi trở về có nhu cầu được hỗ trợ về pháp lý, chế độ theo quy định của pháp luật; 100% xã, phường, thị trấn triển khai kế hoạch này đến các thôn (làng), khu vực, tổ dân phố; hàng tháng tuyên truyền trên đài truyền thanh cấp xã ít nhất 1 lần về nội dung kế hoạch này. Đến năm 2020, 100% các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh (có người bị mua bán) xây dựng được các mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán.
 
Để đạt được những mục tiêu này, tỉnh tập trung đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người, thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào chương trình phòng, chống tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội, gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Sở LĐTBXH chỉ đạo phòng LĐTBXH các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với các phòng, ban và hội đoàn thể liên quan cấp huyện nắm bắt tình hình, thống kê những phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về sinh sống ở địa phương, có kế hoạch hỗ trợ và giúp đỡ họ, lồng ghép với các chương trình kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo cơ hội cho chị em có việc làm ổn định, có thu nhập, sớm ổn định cuộc sống hoàn lương.  Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tích cực tham gia hỗ trợ nạn nhân, giúp đỡ về vật chất và tinh thần.
 
Bên cạnh đó, Sở LĐTBXH tích cực phối hợp với các sở, ngành, hội đoàn thể liên quan và chính quyền địa phương thực hiện Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương, tái hòa nhập cộng đồng” theo Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2016-2020. Trong đó, chú trọng các xã, phường, thị trấn trọng điểm có nhiều tội phạm và tệ nạn xã hội, những xã vùng sâu, vùng xa và vùng ngư dân ven biển, hải đảo. Tổ chức điều tra, thống kê, lập hồ sơ quản lý nạn nhân bị mua bán, xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm đảm bảo kịp thời, chính xác, an toàn, bảo mật thông tin, bảo hộ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Hường/TC GĐ&TE