Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp – dịch vụ.
Thời gian qua, Bình Dương xác định công tác đào tạo nghề là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề của tỉnh; việc hợp nhất các trường chuyên nghiệp và các cơ sở dạy nghề thành một khối thống nhất (giáo dục nghề nghiệp) rất thuận lợi trong công tác quản lý, triển khai các chính sách nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc đào tạo.
Nhìn chung, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh được sự đồng thuận của các cấp, các ngành và người lao động. Nhận thức của học sinh và phụ huynh về việc học nghề dần chuyển biến theo hướng tích cực hơn. Các khóa đào tạo đã trang bị cho người học các kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ công việc cơ bản nhất để họ có thể tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm nuôi sống bản thân, gia đình; từ đó, góp phần cải thiện đời sống, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người lao động.
Việc tổ chức đào tạo nghề đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp – dịch vụ.
Với những thành quả đã đạt được và định hướng trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội thảo và ký kết đào tạo nghề các nhóm ngành, nghề máy tính và CNTT trên địa bàn tỉnh Bình Dương dựa trên sự tương tác của Nhà nước (LĐ-TB&XH, Sở Thông tin và Truyền thông), nhà trường (các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có tham gia đào tạo lĩnh vực CNTT) và nhà doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT cùng tham gia để tìm được những giải pháp tốt nhất cho công tác đào tạo nguồn lực phục vụ cho yêu cầu phát triển của tỉnh đáp ứng nguồn lực thực hiện Đề án Thành phố thông minh Bình Dương trong thời gian tới.
Để bảo đảm nguồn lực phục vụ Đề án Thành phố thông minh Bình Dương trong thời gian tới, trong đó có nhóm ngành nghề cơ - điện, Sở LĐ-TB&XH và Hiệp hội Cơ - Điện Bình Dương cũng đã thống nhất nội dung phối hợp giai đoạn 2018-2020, nhằm tăng cường phối hợp giữa ba nhà (Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp) để bảo đảm việc đào tạo đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Đồng thời tạo cơ chế phối hợp thường xuyên, phát huy vai trò quản lý nhà nước của Sở LĐ-TB&XH và vai trò của Hiệp hội Cơ - Điện Bình Dương.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện các cam kết về việc làm với thu nhập tốt cho người học
Về phía Hiệp hội Cơ - Điện Bình Dương, hàng năm, Hiệp hội cung cấp cho Sở LĐ-TB&XH các văn bản có liên quan đến chiến lược, dự án phát triển, nhu cầu nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực cơ - điện gắn với tầm nhìn thành phố thông minh Bình Dương trong thời gian tới. Từ đó, làm cơ sở để Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo, giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cho các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đào tạo phù hợp.
Đồng thời, Hiệp hội Cơ - Điện Bình Dương phối hợp với các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh cam kết giới thiệu cho nhau các chuyên gia, giảng viên có năng lực về chuyên môn, giỏi kỹ năng nghề nghiệp và phương pháp sư phạm, bảo đảm khả năng có thể thực hiện được các nhiệm vụ giảng dạy, năng lực hướng dẫn thực hành nghề; cử giảng viên có năng lực, đủ điều kiện tham gia giảng dạy các chương trình đào tạo sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và bồi dưỡng nghiệp vụ phù hợp với chương trình đào tạo của các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH phối hợp cùng Hiệp hội Cơ - Điện Bình Dương tổ chức cho giáo viên, giảng viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham quan, học tập kinh nghiệm và đưa học sinh, sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực cơ - điện.
Gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp
Nhìn chung, hầu hết các trường đều có Phòng quan hệ quốc tế hoặc cán bộ phụ trách với nhiệm vụ gắn kết với doanh nghiệp để làm cầu nối đáp ứng các nhu cầu sử dụng đào tạo của doanh nghiệp và người học nghề.
Thời gian tới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện các chương trình dạy nghề gắn kết với doanh nghiệp, như đưa học sinh đến thực tập tại doanh nghiệp, làm quen với môi trường sản xuất, kinh doanh; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, đào tạo bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thông qua ký kết hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp; tìm học bổng cho học sinh – sinh viên tại trường,…
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện các cam kết về việc làm với thu nhập tốt cho người học, hoàn trả học phí cho người học nếu không có việc làm sau khi tốt nghiệp…
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết, sở sẽ tiếp tục phối hợp với báo, đài, các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh, học nghề và giải quyết việc làm trong giai đoạn hiện nay, góp phần dần thay đổi tâm lý sính bằng cấp đại học của một bộ phận người dân. Tiếp tục phối hợp với các sở ngành, hiệp hội ngành nghề trong tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ trong hợp tác nhằm cam kết việc xác định nhu cầu, đào tạo cung ứng đúng, đủ theo yêu cầu của xã hội.
Triển khai tốt các nội dung hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, việc làm, cụ thể phối hợp trong giới thiệu, cung ứng và tuyển dụng lao động phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp; hợp tác xây dựng chương trình đào tạo sát với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; hợp tác trong tổ chức đào tạo nghề nghiệp; hợp tác bồi dưỡng kỹ năng nghề cho các nhà giáo và cán bộ, nhân viên trong các doanh nghiệp; phối hợp hướng dẫn thực hiện pháp luật về an toàn lao động, việc làm, tiền lương và bảo hiểm xã hội.