Từ khi ra đời, chính sách BHTN đã luôn phát huy vai trò cấp thiết trong việc giúp NLĐ giải tỏa áp lực, ổn định cuộc sống, đặc biệt là trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đây cũng là chính sách nhân văn khi không những giúp NLĐ mất việc vượt qua khó khăn trước mắt, mà còn tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề miễn phí, nâng cao trình độ kỹ năng nghề…, tạo điều kiện để NLĐ sớm trở lại thị trường lao động.
Theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, từ đầu năm đến nay, có khoảng 28.000 lao động phải tạm ngưng hợp đồng lao động, có khoảng 240.000 người bị giảm giờ làm.
Đáng chú ý, đến hết năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bình Dương có đến khoảng 74.328 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tổng số người lao động có quyết định hưởng: 69.983 người, với số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp (theo quyết định trợ cấp BHTN) là 1.572.136.638.095 đồng. Số người hỗ trợ học nghề 2.173 người với số tiền chi trả hỗ trợ học nghề: 10.983.000.000 đồng.
Cũng theo ông Tuyên, lý do các công ty, doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự là do bị tác động xấu bởi tình hình thế giới không có đơn hàng. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng chủ yếu ở khối dệt may, da giày, ngành sản xuất đồ gỗ xuất khẩu.
Ông Tuyên cho biết thêm: “Hiện nay, phía sở đang chỉ đạo trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức tiếp nhận và giải quyết tốt việc hỗ trợ thất nghiệp cho người lao động. Bên cạnh đó, đơn vị cũng sẽ tư vấn đào tạo chuyển đổi việc làm cho người lao động để hỗ trợ cho người lao động tìm được việc làm mới, dựa trên danh sách các công ty đang cần lao động”.
Cùng đồng hành gỡ khó cho NLĐ, từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm DVVL tỉnh Bình Dương tỉnh đã đẩy mạnh công tác giải quyết thủ tục hưởng TCTN và tạo điều kiện tốt nhất để NLĐ đang được hưởng TCTN sớm có việc làm ổn định.
Anh Trần Thanh Mạnh (Tân Uyên, Bình Dương) chia sẻ: “Từ năm ngoái, nhiều bạn bè và người thân của tôi bị mất việc do các công ty cắt giảm lao động hoặc giảm giờ làm. Riêng bản thân tôi, đang làm việc ở Bình Dương thì chẳng may gặp tai nạn giao thông nên phải xin nghỉ việc. Trong 3 tháng qua, nhờ Trung tâm DVVL tỉnh giải quyết nhanh hồ sơ thủ tục, từ số tiền hưởng TCTN đã giúp tôi phần nào xoay xở được những khó khăn trước mắt. Ngoài ra, Trung tâm còn tư vấn giới thiệu việc làm, sau khi cơ thể hồi phục, tôi sẽ làm tìm việc mới hoặc học một nghề nào đó để chuyển đổi nghề nghiệp”.
Ông Huỳnh Văn Lộc, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Bình Dương cho biết, trong tổng số NLĐ nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCNT, có khoảng 96,14% số NLĐ được hưởng TCTN. Số lao động thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm 80.187 người, chiếm 93,36% tổng số lao động nộp hồ sơ hưởng BHTN, còn lao động được hỗ trợ học nghề là 2.932 người tăng 3,42% so với cùng kỳ năm ngoái; so với tổng số lao động có quyết định hưởng BHTN thì con số này chỉ bằng 3,55%, điều này phản ánh nhu cầu học nghề của NLĐ thất nghiệp vẫn chưa được chú trọng.
Trung tâm đã tham mưu xây dựng quy trình phối hợp thực hiện giải quyết chính sách BHTN theo 02 hình thức trực tiếp và trực tuyến theo hướng giải quyết dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, xây dựng và thực hiện quy trình về việc ban hành quy trình phối hợp giải quyết hồ sơ hưởng TCTN và quy định trách nhiệm công việc từng bộ phận, phòng, chi nhánh năm 2022. Thực hiện tiếp nhận giải quyết hồ sơ trực tuyến trên cổng Dịch vụ công Quốc gia và thực hiện BHTN theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015.
Để đảm bảo thực hiện giải quyết chính sách BHTN cho người lao động (NLĐ) được nhanh chóng, khoa học, phù hợp với Luật việc làm. Trung tâm có phòng Truyền thông phụ trách các công tác như: công tác hướng dẫn, tư vấn giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề cho NLĐ; Tiếp nhận hồ sơ; Trả kết quả; Thông báo tìm việc làm. Phòng BHTN với các bộ phận: Xử lý – thẩm tra hồ sơ; Báo cáo; Lưu trữ hồ sơ. Hiện tại, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương có 04 điểm tiếp nhận hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
“Trung tâm đã tăng cường thực hiện tư vấn GTVL và tư vấn tuyển dụng thông qua các hình thức trực tiếp cũng như trực tuyến qua điện thoại, website, zalo OA, các group việc làm, facebook của Trung tâm kèm hệ thống câu hỏi và trả lời tự động (đáp ứng xu hướng công nghệ số hiện nay của tỉnh BD). Trung tâm xác định phát triển sàn online một cách có hiệu quả nhằm mục đích đưa lao động về BD làm việc và duy trì lâu dài công tác này. Theo đó, Trung tâm là một trong những đầu cầu kết nối online tại các PGDVL online của các tỉnh, giúp mọi DN cũng như người lao động trong và ngoài tỉnh dễ dàng kết nối tuyển dụng. Để mở rộng địa bàn thu hút LĐ cung ứng cho DN, đồng thời tạo điều kiện cho NLĐ thất nghiệp tiếp cận được thông tin về học nghề, lao động – việc làm cũng như cơ hội tuyển dụng phù hợp khả năng bản thân; góp phần điều tiết cân bằng cung – cầu LĐ”, ông Lộc cho hay.
Trong thời gian tới, song song với công tác giải quyết chính sách BHTN hiệu quả, nhanh chóng đến NLĐ, Trung tâm DVVL tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền về sàn giao dịch việc làm một cách sâu rộng trên phạm vi toàn tỉnh, vận động NLĐ có nhu cầu tìm việc, học nghề tham gia tư vấn và giao dịch việc làm tại địa phương.