Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bình Dương: Điểm sáng tạo đột phá trong công tác giảm nghèo bền vững

Chương trình giảm nghèo ở Bình Dương trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành công, nhưng có thể khẳng định đó không phải là câu chuyện thi đua chạy theo thành tích. Ngược lại, chuyện giảm nghèo ở Bình Dương luôn bám theo mục tiêu “Bảo đảm an sinh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội” mà nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đặc biệt quan tâm.

 

Hộ nghèo tiếp cận hiệu quả các chính sách

Bình Dương là một trong những địa phương điển hình của cả nước về thực hiện công tác giảm nghèo. Giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh giảm 1.​850 hộ nghèo và hiện Bình Dương không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương, cơ bản không có hộ tái nghèo.​

Theo ông Lê Minh Quốc Cường – GĐ Sở LĐ TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có 4.546 hộ nghèo/290.652 hộ nhân dân, tỷ lệ 1,56%. Trong đó hộ nghèo thuộc chỉ tiêu giảm nghèo là 2.610 hộ, chiếm tỷ lệ 0,9%. hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội là 1.936 hộ, chiếm tỷ lệ 0,67%. Số hộ cận nghèo là 2.924 hộ trên 290.652 hộ nhân dân, tỷ lệ 1.01%.

Đạt được kết quả đó, trước hết phải kể đến những thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong suốt thời gian qua, kinh tế phát triển là tiền đề, điều kiện thuận lợi để địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, trong đó có việc chăm lo cho người nghèo. Cùng với đó là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh qua các thời kỳ đối với công tác giảm nghèo với quan điểm "gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh, giải quyết các vấn đề xã hội" và việc triển khai thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ, linh hoạt của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh.

Ngoài các chính sách theo quy định của Trung ương, Bình Dương đã xây dựng chuẩn nghèo và một số chính sách riêng phù hợp với điều kiện, đặc thù của tỉnh. Cụ thể như cho vay vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ về bảo hiểm y tế, miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp khác, dạy nghề, giải quyết việc làm, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm xây dựng, tặng nhà đại đoàn kết, tặng quà, khám, chữa bệnh miễn phí, nhân rộng mô hình sinh kế cho hộ nghèo... Việc thực hiện các chính sách về giảm nghèo không chỉ được các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện mà còn nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng và phối hợp triển khai hiệu quả của các tổ chức Hội, đoàn thể, sự đồng hành của các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bình Dương đã giải ngân cho 120 hộ nghèo vay vốn, với tổng số kinh phí là 4,236 tỷ đồng, hộ cận nghèo là 1.073 hộ với tổng kinh phí cho vay 50,094 tỷ đồng và hộ mới thoát nghèo là 243 hộ với tổng kinh phí 11,456 tỷ đồng.

Ông Lê Minh Quốc Cường – GĐ Sở LĐTB&XH ( bìa phải) nhận tài trợ của danh nghiệp cho công tác an sinh xã hội của tỉnh

 

Hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo: toàn tỉnh đã chi tiền điện cho 4.707 hộ nghèo với tổng kinh phí 1,412 tỷ đồng;  Nhà ở cho hộ nghèo:  Vận động kinh phí và xây và sữa 61 căn nhà đại đoàn kết với tổng số kinh phí là 4,856 tỷ đồng; Miễn giảm học phí: toàn tỉnh đã miễn học phí cho 648 hồ sơ, với tổng kinh phí là 516 triệu đồng và giảm học phí cho 175  hồ sơ với tổng kinh phí 37 triệu đồng và hỗ trợ chi phí học tập cho 546 hồ sơ với tổng số kinh phí 233 triệu đồng; Bảo hiễm y tế: Cấp 21.427 thẻ Bảo hiểm y tế với tổng số tiền 16,083 tỷ đồng.

Bảo đảm an sinh xã hội bền vững

Qua quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo tại địa phương, ông Lê Minh Quốc Cường chia sẻ kinh nghiệm: Để giảm nghèo hiệu quả, cần xác định và hiểu rõ nguyên nhân nghèo của các hộ nghèo, cận nghèo để nắm bắt được nhu cầu, từ đó hướng dẫn cách làm ăn và sử dụng nguồn vốn thiết thực cho người nghèo, cận nghèo. Giảm nghèo cần gắn liền với công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tổ chức dạy nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Đặc biệt cần làm tốt công tác vận động tuyên truyền người dân cùng thực hiện chương trình giảm nghèo bằng nhiều hình thức khác nhau.

Bên cạnh đó, Bình Dương đã huy động cả bộ máy chính quyền, các đoàn thể, doanh nghiệp và người dân cùng chung tay nỗ lực vươn lên xóa nghèo, hướng đến làm giàu cho quê hương, đất nước.

Theo ông Lê Minh Quốc Cường, với quy định mới về chuẩn nghèo trong giai đoạn 2016-2020, Bình Dương sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được để tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo. Cụ thể, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện cải thiện cơ sở hạ tầng những vùng còn khó khăn, thúc đẩy phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân và hỗ trợ để hộ nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống. Trước mắt, Bình Dương sẽ tập trung cân đối nguồn ngân sách để bố trí vốn ủy thác thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn để thực hiện chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường, vay vốn tín dụng làm ăn (chăn nuôi, trồng trọt), vốn tín dụng cho học sinh, sinh viên nghèo…

Đặc biệt, để giảm nghèo bền vững, Bình Dương sẽ triển khai hiệu quả chương trình khuyến nông - lâm - ngư, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người nghèo, đổi mới công tác dạy nghề gắn với tạo việc làm cho người nghèo theo hướng thiết thực, hiệu quả thông qua các hình thức học nghề, dạy nghề phi chính thức dựa vào cộng đồng.

Ông Đặng Minh Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về công tác giảm nghèo; vận động mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động. Đặc biệt, cần vận động, tuyên truyền hộ nghèo, người nghèo nâng cao nhận thức, tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo gắn với việc thay đổi dần cơ chế, phương thức hỗ trợ để khơi gợi ý sự chủ động phấn đấu, nâng cao trách nhiệm của người nghèo đối với nguồn lực được hỗ trợ; khơi gợi ý thức tự lực tìm việc làm, vay vốn sản xuất kinh doanh để vươn lên thoát nghèo bền vững.