Bệnh viện Dã chiến số 4 được được thành lập với mục đích nâng cao năng lực tiếp nhận cách ly điều trị, cứu chữa bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh, với quy mô điều trị cùng thời điểm tối đa lên đến 3.000 giường. Toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất trưng dụng làm bệnh viện được tài trợ bởi Công ty TNHH Hoàng Hùng.
Theo đó, cùng với việc cho mượn khuôn viên các nhà xưởng của mình, Công ty TNHH Hoàng Hùng còn phối hợp với một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiến hành trang bị đầy đủ cơ sở vật chất để bệnh viên có thể vận hành tốt, đáp ứng nhu cầu cách ly điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Dịp này, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã bổ nhiệm bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Minh Chín, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng làm Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 4. Theo sự phân công của tỉnh, bác sĩ Chín sẽ có nhiệm vụ làm tổng tư lệnh điều phối hoạt động cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 4. Bác sĩ Huỳnh Minh Chín cho biết, bản thân ông và toàn bộ các lãnh đạo, cán bộ và nhân viên được phân công công tác tại Bệnh viện Dã chiến số 4 sẽ cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, cố gắng điều trị, cứu chữa cho bệnh nhân, đặt sức khỏe và tính mạng của người dân lên trên hết.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Lợi cho biết, việc thành lập và đưa vào hoạt động Bệnh viện Dã chiến số 4 là một trong những hành động mang tính cấp thiết mà Bình Dương thực hiện với mong muốn sớm kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đánh giá cao sự bố trí khoa học tại bệnh viện, ông Nguyễn Văn Lợi yêu cầu Ban giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 4 khẩn trương triển khai tiếp nhận bệnh trong 2 ngày tới; cố gắng lấp đầy số giường đã chuẩn bị để kịp thời chăm lo, điều trị cho bệnh nhân và thu dung mới các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 mới ngoài cộng đồng dân cư. Đây là việc làm mang tính cấp thiết nên không được chủ quan, lơ là, không được làm khó người bệnh.
Hiện Bình Dương đang là một trong những địa bàn nóng về dịch bệnh Covid-19, cùng với việc đẩy nhanh các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, thời gian qua Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh cũng khẩn trương quy hoạch, thần tốc xây dựng và đưa vào hoạt động đối với nhiều khu điều trị Covid-19.
Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 27.639 ca mắc Covid-19; 176 bệnh nhân tử vong.
Hiện tại, tỉnh có 21 khu điều trị bệnh nhân Covid-19 với 120 bác sĩ, 295 điều dưỡng trực tiếp phục vụ cùng nhân viên y tế hỗ trợ 166 người (tổng cộng: 581 người). Số giường hiện đáp ứng điều trị được 17.240 người. Ngoài ra tỉnh cũng đã huy động, thành lập 4 bệnh viện đa khoa tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là điều trị bệnh nhân người nước ngoài.
Đối với tiến độ tiêm vaccine, ngày 9/8, đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương cho biết, đến nay, địa phương đã tiêm khoảng 450.000 liều trong tổng số 570.000 liều vaccine Bộ Y tế phân bổ. Số vaccine còn lại được Bình Dương phân phối cho các khu công nghiệp để tiêm cho người lao động, chậm nhất trong ngày mai (10/8) Bình Dương không còn liều vaccine nào.
Vì vậy, UBND tỉnh Bình Dương vừa có công văn hỏa tốc gửi Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị xem xét hỗ trợ phân bổ thêm vaccine phòng COVID-19 để thực hiện tiêm cho khoảng hơn 2 triệu người dân. Theo UBND tỉnh Bình Dương, địa phương đã thực hiện kế hoạch tiêm quy mô 100.000 liều/ngày, với việc huy động tối đa nhân lực, quá trình triển khai đảm bảo tiến độ đề ra.
Ngoài ra, tỉnh Bình Dương cũng đề xuất với Trung ương, cho phép địa phương chi ngân sách mua lượng vaccine đủ để tiêm cho 2,5 triệu dân trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp.