Tại cuộc họp giao ban báo chí quý IV năm 2019, chiều 25/12, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã có buổi thông tin về tình hình kinh tế, xã hội của địa phương năm 2019. Tại hội nghị, ông Võ Văn Lượng – Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết: Năm 2019, tổng sản phẩm tỉnh Bình Dương ước tăng 9,5%, GDP bình quân đầu người đạt 146,9 triệu đồng; cơ cấu kinh tế công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp – thuế sản phẩm trừ nợ cấp sản phẩm với tỉ trọng tương ứng là 66,8% - 22,4% - 2,6% - 8,2%.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, chuyển đổi dịch vụ nội bộ ngành theo hướng tích cực. 1.261 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đi vào hoạt động có doanh thu góp phần đưa chỉ số phát triển công nghiệp tăng 9,86%. Thương mại nội địa phát triển mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,2%; ước chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 2,0%.
Tổng sản phẩm trong tỉnh ước tính đạt 9,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 146,9 triệu đồng; cơ cấu kinh tế công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp – thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỉ trọng tương ứng là: 66,8% - 22,4%, - 2,6%, 8,2%.
Riêng đối với lĩnh vực giao thông vận tải, Bình Dương đã tập trung chỉ đạo xử lý, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác chuẩn bị đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng và thi công để đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình giao thông. Đồng thời, chỉ đạo các chủ đầu tư dự án BOT giao thông thực hiện thu phí không dừng theo tiến độ và lộ trình Chính phủ quy định…
Đối với nông nghiệp, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước tăng 4%. Diện tích các loại cây trồng cơ bản ổn định, phát triển theo hướng tập trung, năng suất cao, chất lượng; kiểm soát tốt dịch bệnh trên cây trồng; chăn nuôi gia súc, gia cầm tương đối ổn định; riêng đàn heo do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi nên giảm 0,5% so với cùng kỳ. 100% các xã đạt chuẩn và 3 đơn vị cấp huyện (Dầu Tiếng, Tân Uyên, Bến Cát) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 3 huyện còn lại (Phú Giáo, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên) đang lập hồ sơ hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách, chế độ cho các đối tượng người có công, người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và công nhân lao động. Toàn tỉnh huy động 986 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn để chăm lo cho các đối tượng. Hiện toàn tỉnh còn 3.808 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 1,31%) và 2.790 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 0,96%) theo tiêu chí đa chiều của tỉnh. Tạo việc làm tăng thêm cho 45.400 người (đạt 100,8% kế hoạch).
Năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,55% so với năm 2019; phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị; ưu tiên thu hút, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và ít thâm dụng lao động. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của tỉnh), tạo việc làm tăng thêm cho 45.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%. Huy động các nguồn lực để thực hiện tốt các chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống người có công, đối tượng xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững.