Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bình Dương lên phương án "gỡ khó" cho doanh nghiệp và người lao động trong đại dịch

(Dân sinh) - Bình Dương là tỉnh có số ca mắc Covid-19 đứng thứ hai khu vực phía Nam. Thời gian qua, các doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ”/“1 cung đường 2 địa điểm”. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp khá nhiều khó khăn cần có phương án tháo gỡ nếu không các doanh nghiệp sẽ tạm dừng hoạt động. Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống người dân cũng là bài toán cần tính.

Theo LĐLĐ tỉnh Bình Dương, đến nay trên địa bàn tỉnh có 1.071 doanh nghiệp (DN) với 172.078 công nhân lao động (CNLĐ) (trong tổng số 392.390 CNLĐ của DN) ở lại được bố trí ở lại làm việc tại nhà máy theo phương án "3 tại chỗ"/"1 cung đường 2 địa điểm". Những DN chưa bố trí được các phương án trên đã thông báo cho người lao động tạm ngừng việc. Phần lớn các DN thực hiện trả lương cho CNLĐ theo khoản 3, điều 99 Bộ luật Lao động 2019.

Bên cạnh đó, có 148 DN (48.595 CNLĐ) áp dụng tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương hoặc trừ phép năm của CNLĐ; trong đó có 20.209 CNLĐ bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương và 6.133 CNLĐ bị trừ phép năm. Cùng với đó, toàn tỉnh có hàng chục ngàn lao động khác đang gặp khó khăn do  dịch bệnh Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội.

Bình Dương lên phương án "gỡ khó" cho doanh nghiệp và người lao động trong đại dịch - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi khảo sát tình hình phòng chống dịch và sản xuất tại các công ty

Ông Đỗ Quang Tùng, Trưởng Phòng Quản lý nhân sự Công ty TNHH Sài Gòn Stec cho biết, Công ty có 100% vốn Nhật Bản với hơn 6.000 công nhân. Công ty thực hiện "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 địa điểm" từ ngày 19/7. Tuy nhiên, ngày 22/7 công ty xuất hiện ca F0 nên phải thực hiện ngừng sản xuất toàn bộ các phân xưởng đến ngày 09/8. Từ ngày 10/8, Công ty chính thức hoạt động trở lại theo phương án "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 địa điểm" với hơn 3.000 công nhân sản xuất. Công ty thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch như chia nhỏ các ca làm việc, xét nghiệm sàng lọc, tận dụng khu nhà xưởng, nhà xe công ty để làm chỗ ở cho công nhân.

Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc hiện nay là chi phí y tế, chi phí lưu trú "1 cung đường, 2 địa điểm" và "3 tại chỗ" rất lớn ảnh hưởng đến chi phí dự án của doanh nghiệp, chưa kể đến các chi phí tiền lương trả cho người lao động không đồng ý làm việc theo phương án trên và người lao động khác chờ việc trong thời gian công ty bị phong toả. Công tác tiêm vaccine cho người lao động chưa được thực hiện nên công nhân không an tâm làm việc. Nhân lực thiếu nên nhà máy phải giảm công suất hoạt động, khiến đơn hàng ký kết với đối tác không thể hoàn thành theo tiến độ dẫn đến thiệt hại rất lớn cho Công ty.

Vì vậy, công ty kiến nghị tỉnh xem xét, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động trở lại bình thường, tạo việc làm cho hàng nghìn công nhân của công ty.

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng cho rằng, việc các doanh nghiệp thực hiện phương án "3 tại chỗ" là để duy trì sản xuất trong mùa dịch chứ không có lãi. Chi phí phát sinh rất nhiều từ việc lo ăn, ở cho công nhân, trong đó chi phí điện, nước bị đội lên rất nhiều.

Theo các doanh nghiệp, điện, nước là chi phí cơ bản mà doanh nghiệp nào cũng phải chi trả. Vì vậy, chỉ mong các cấp có thẩm quyền nên giảm các chi phí trên cho các doanh nghiệp. Mức giảm có thể từ  20 - 30%, trong thời gian 3 - 6 tháng, nhằm hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn do Covid-19.

Bình Dương lên phương án "gỡ khó" cho doanh nghiệp và người lao động trong đại dịch - Ảnh 3.

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng cho rằng, việc các doanh nghiệp thực hiện phương án "3 tại chỗ" là để duy trì sản xuất trong mùa dịch chứ không có lãi

Trước tình hình khó khăn trong đại dịch, LĐLĐ tỉnh đã vận động, tiếp nhận hỗ trợ hơn 220 tấn lượng thực, nhu yếu phẩm của người dân trong và ngoài tỉnh, phân chia thành hàng ngàn phần quà gửi đến hỗ trợ kịp thời tại các điểm cách ly, khu nhà trọ trên toàn tỉnh nơi CNLĐ đang thực hiện giãn cách phòng, chống dịch bệnh. Các sở, ngành trong tỉnh và các huyện, thị, thành phố mỗi ngày vẫn hoạt động hết công suất đi vận động, tiếp nhận, hỗ trợ hàng hóa, nhu yếu phẩm đến tay người lao động. Tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều lập đường dây nóng, hỗ trợ ngay gạo, cơm, lương thực khi CNLĐ gọi đến.

"Nhìn chung, công tác chăm lo cho CNLĐ rất kịp thời, cả hệ thống chính trị vào cuộc; cùng với đó là sự nỗ lực hết mình của cán bộ công đoàn các cấp, phải lao động suốt ngày đêm, bảo đảm làm sao không để CNLĐ thiếu thốn nhu yếu phẩm, chờ ngày quay lại nhà máy", bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết.

Bình Dương lên phương án "gỡ khó" cho doanh nghiệp và người lao động trong đại dịch - Ảnh 4.

Doanh nghiệp kiến nghị tỉnh Bình Dương xem xét, tháo gỡ khó khăn để đảm bảo hoạt động sản xuất. Ảnh chụp tại Công ty TNHH Thực phẩm & Nước giải khát JOY. (Ảnh DN cung cấp).

Chia sẻ với công nhân và doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi cho biết, trước tình hình khó khăn chung, tôi mong muốn Công ty tiếp tục đồng hành cùng tỉnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để Bình Dương sớm trở lại trạng thái bình thường mới sau ngày 31/8. Đồng thời các sở ngành, địa phương có giải pháp xử lý khi xảy ra tình huống có F0 tại doanh nghiệp để vừa khoanh vùng dập dịch vừa duy trì sản xuất của doanh nghiệp, tránh để đứt gãy chuỗi sản xuất.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với địa phương nghiên cứu phương án để tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 địa điểm". Cụ thể, tổ chức cho công nhân công ty ở tập trung một khu nhà trọ để thực hiện phương án "1 cung đường, 2 điểm đến" cho thuận tiện, tạo sự an tâm của người lao động. Đây có thể coi là mô hình thực hiện thí điểm trong điều kiện bình thường mới để vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa duy trì sản xuất. Bí thư nêu rõ.

Bí thư cũng thông tin thêm, Chính phủ đang nghiên cứu ban hành các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn thời gian nộp thuế... Về vaccine, tỉnh sẽ ưu tiên cho các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 địa điểm" và tổ chức lực lượng đến công ty tiêm cho người lao động.