Được chia tách và tái lập từ tỉnh Sông Bé từ ngày 1/1/1997 với diện tích tự nhiên là 2.696 km2; dân số hiện trên 2 triệu người (trong đó dân số ngoài tỉnh chiếm khoảng 52%). Năm 2016, tăng trưởng kinh tế của Bình Dương đạt 8,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 108,6 triệu đồng (gấp hơn 2 lần bình quân cả nước). Công nghiệp, dịch vụ chiếm gần 90% cơ cấu kinh tế của tỉnh.Bình Dương là một trong số ít địa phương có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 20 tỷ USD (ước đạt 24,3 tỷ USD, chiếm khoảng 12% xuất khẩu của cả nước). Tỉnh là một trong 5 địa phương (TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu) thu hút FDI vượt mốc 20 tỷ USD (tổng số vốn đầu tư là 25,7 tỷ USD).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Dương sáng 1/1/2017.ảnh:VGP
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm, năm 2016, có 4.387 lượt doanh nghiệp đăng ký mới và 768 doanh nghiệp tăng vốn với số vốn hơn 31.000 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có trên 25.000 doanh nghiệp và khoảng 1,2 triệu lao động đang làm việc trong các thành phần kinh tế (ngoài nhà nước), trong đó khoảng 80% là lao động ngoại tỉnh. Năm 2016, ước thu ngân sách của Bình Dương đạt 40.000 tỷ đồng, là một trong 13 địa phương đóng góp cho ngân sách Trung ương
Từ một tỉnh nghèo, quy mô kinh tế nhỏ, đến nay, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp của Việt Nam, chiếm trên 13% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Năm 2015, quy mô kinh tế của tỉnh tăng 12,4 lần so với năm đầu tái lập tỉnh, chiếm khoảng 5% GDP.
Thủ tướng thăm hỏi trò chuyện với lãnh đạo tỉnh Bình Dương. ảnh:VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, có điều kiện thuận lợi cũng như thể chế chính sách giống nhau giữa các địa phương nhưng với cách làm sáng tạo, Bình Dương đã có sự bứt phá ngoạn mục sau 20 năm chia tách tỉnh; và là một trong những địa phương đi đầu trong cải cách hành chính. Đặc biệt, Bình Dương coi người nhập cư là đối tượng phát triển chứ không phải là đối tượng quản lý.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Rực. ảnh:VGP
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý một số điểm hạn chế, thách thức. Bình Dương chưa khai thác hết lợi thế vị trí gần TP. Hồ Chí Minh lợi thế trung tâm đào tạo nhân lực của vùng kinh tế trọng điểm phía nam để phát triển các dịch vụ chất lượng cao, các dịch hỗ trợ phát triển công nghiệp và đô thị. Hiện, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bình Dương đang đi xuống (PCI ở vị trí 25/63, đứng thứ 4 vùng Đông Nam Bộ), Thủ tướng cho rằng, một tỉnh lớn như Bình Dương thì không chỉ quan tâm thứ hạng trong nước mà còn phải đóng góp cho môi trường kinh doanh của Việt Nam trong bảng xếp hạng toàn cầu.
Bên cạnh đó, Bình Dương phát triển chủ yếu vẫn theo chiều rộng, chưa có nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm chất lượng cao, công nghiệp gia công còn lớn. Tính liên kết trong phát triển còn yếu, việc phát triển doanh nghiệp còn hạn chế (trong năm 2016 chỉ có 4.387 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 4% của cả nước).
Quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận công nhân tại các khu công nghiệp còn thấp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Bình Dương cần sâu sát hơn, quan tâm hơn về vấn đề này, đừng để công nhân làm cả một năm mà không có tiền về quê. Về định hướng tầm nhìn, Thủ tướng nêu rõ: Bình Dương phải sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, một trung tâm công nghiệp của cả nước, một thành phố thông minh, một điểm đến cho các nhà đầu tư và những ý tưởng sáng tạo.
Một góc thành phố mới Bình Dương về đêm. ảnhIE
“Chính phủ kỳ vọng Bình Dương trở thành đầu tàu kinh tế phát triển mạnh nhất của cả nước trong nhiệm kỳ này. Bình Dương giữ vai trò dẫn dắt sự phát triển của cả nước, của cả vùng kinh tế trọng điểm”, Thủ tướng nhấn mạnh. “Về để đạt được tầm nhìn này, điểm cốt lõi nhất là phải tạo được một đột phá về môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thực hiện tốt hơn kết nối về hạ tầng giữa các đô thị của tỉnh với cả vùng”. Bình Dương cần làm tốt công tác quy hoạch, phải là địa phương đi đầu trong thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là “Năm 2017, là năm tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững”.
Thủ tướng thăm gia đình lão thành cách mạng 65 năm tuổi Đảng Nguyễn Thanh Châu. ảnh:VGP
Động lực tăng trưởng của Bình Dương phải dựa trên tăng năng suất, ứng dụng công nghệ, tính năng động và đổi mới sáng tạo. Cần tạo sự gắn kết tốt hơn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp khu vực FDI. Yêu cầu Bình Dương phải phấn đấu trở thành một trung tâm khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp thành công của khu vực Đông Nam bộ và cả nước, Thủ tướng giao chỉ tiêu cho tỉnh phấn đấu đạt 50.000 doanh nghiệp vào năm 2020.
Để làm được điều này, Bình Dương phải tập trung phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao, nâng dần tỉ lệ nội địa hoá sản phẩm xuất khẩu, giảm dần các ngành sử dụng nhiều tài nguyên, khoáng sản và lao động phổ thông. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó cần thực hiện tốt các chính sách người có công, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
”Muốn phát triển Bình Dương một cách căn bản, lâu dài thì cần đặc biệt chú ý quy hoạch phát triển đô thị, làm sao không mâu thuẫn với nhau, làm sao bảo đảm môi trường sống của người dân đô thị ”, Thủ tướng nói và lưu ý tỉnh cần rút bài học từ sự phát triển của các thành phố lớn như ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông…
Nhân dịp năm mới 2017, Thủ tướng đã đến thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Rực và gia đình ông Nguyễn Thanh Châu, lão thành cách mạng ở phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một.