Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Bình Dương sau hơn 20 năm vươn mình mạnh mẽ

Qua 21 năm tái lập và phát triển ((01/01/1997 – 2018), Bình Dương đã có bước chuyển mình mạnh mẽ và trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Những vùng đất mưa bom bão đạn năm xưa như Chiến khu Vĩnh Lợi nay đã thay da đổi thịt, hình thành những đô thị kiểu mẫu, sầm uất. Bằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước ồ ạt chảy về Bình Dương, nhà máy mọc lên khắp nơi, nguồn nhân lực bốn phương quy tụ về... đã biến vùng đất thuần nông, khô cằn, kém hiệu quả trở thành những khu, cụm công nghiệp trọng điểm của cả nước.

 

“Vùng đất vàng” cho sự phát triển kinh tế - xã hội

Bình Dương nằm trong nhân Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thuộc khu vực phát triển năng động nhất của cả nước; có phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước, phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai, phía Nam và phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh. 

Trên cơ sở tách tỉnh Sông Bé thành tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước. Qua 21 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, phát huy tiềm năng và lợi thế của địa phương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đã chủ động, sáng tạo, quyết tâm xây dựng quê hương Bình Dương ngày càng giàu đẹp. Nếu như năm 1997, Bình Dương vẫn còn là một tỉnh nghèo, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, trong khi công nghiệp và dịch vụ còn nhỏ bé thì nay Bình Dương đã trỗi dậy mạnh mẽ nhờ các chủ trương đổi mới được cụ thể hóa bằng những chính sách thông thoáng, cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ…Từ đó đã thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vào Bình Dương. Tính đến tháng 7 tháng năm 2018, toàn tỉnh đã thu hút được 33.811 doanh nghiệp đầu tư trong nước đăng ký hoạt động với tổng số vốn là 269.000 tỷ đồng và 3.397 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn là 30,95 tỷ USD.

 

 Bình Dương luôn lấy công nghiệp làm nền tảng, là khâu đột phá mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các Khu Công nghiệp (KCN) gắn với đô thị hóa.


Ông Trần Thanh Liêm – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chia sẻ: Thời gian qua, Bình Dương luôn lấy công nghiệp làm nền tảng, là khâu đột phá mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các Khu Công nghiệp (KCN) gắn với đô thị hóa. 

Bên cạnh đó, Thành phố mới Bình Dương là điểm nhấn quan trọng, tạo nền tảng thu hút mạnh mẽ đầu tư trong những năm gần đây. Bình Dương đã tập trung đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm về giao thông, bệnh viện, trường học, điện lưới, bưu chính viễn thông, khu đô thị, khu dân cư... trong đó nổi bật nhất là Thành phố mới Bình Dương. Sau nhiều năm xây dựng thành phố mới đã trở thành một khu đô thị văn minh, hiện đại, góp phần tạo điểm nhấn quan trọng, tác động trực tiếp cho thành phố Thủ Dầu Một xứng tầm là đô thị loại I. Con số trên 900.000 lao động khắp nơi đổ về Bình Dương lập nghiệp cho đến nay như một minh chứng sống động, Bình Dương là “vùng đất vàng” của sự phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội, văn hóa đến nhiều lĩnh vực khác. Ông Liêm chia sẻ thêm.

Phát triển kinh tế gắn liền đảm bảo đời sống cho người dân

Trong lần đến thăm và làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khen ngợi Bình Dương phát triển công nghiệp tốt, lãnh đạo tỉnh biết vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa của tỉnh. Tổng Bí thư cho rằng, cái hay của Bình Dương là đã gắn KCN, khu đô thị với liên kết vùng, cách làm rất sáng tạo. Bình Dương có một chủ trương nhất quán, đặc biệt là chương trình chăm lo đời sống xã hội, chăm lo nhà ở và các chính sách an sinh xã hội cho công nhân lao động. Biết quan tâm đến người dân, huy động sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị để hành động.

 

Hạ tầng Bình Dương được đầu tư ngày càng hiện đại


Tại buổi  lễ kỷ niệm 20 năm tái thành lập tỉnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Dương đạt được trong 20 năm qua. Thủ tướng đề nghị, trong giai đoạn phát triển mới, Bình Dương tập trung phấn đấu hoàn thành vượt mức mục tiêu nhiệm vụ đề ra đến những năm tiếp theo để đến trước năm 2020, Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc T.Ư. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đưa tỉnh vươn lên thuộc nhóm dẫn đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; xây dựng Bình Dương trở thành trung tâm khởi nghiệp thành công của vùng Đông Nam Bộ và cả nước; chú trọng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển hệ thống đô thị đồng bộ; tiếp tục nhân rộng mô hình nhà ở xã hội 100 triệu đồng/căn dành cho công nhân lao động, người nghèo,...

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường  trực UBND tỉnh Bình Dương, Trưởng Ban điều hành TPTM BD cho biết: “Đối với Bình Dương, chúng tôi khái niệm theo hướng mở hơn. Chúng tôi xây dựng thành phố thông minh trên 4 nền tảng chính là phát triển doanh nghiệp, phát triển con người, phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển mối quan hệ 3 nhà: nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp”. Theo ông Dũng, trong đề án xây dựng TPTM BD đặt ra 50 hoạt động trong đó dự kiến năm 2018 sẽ tiến hành 14 hoạt động liên quan đến việc ứng dụng công nghệ, thúc đẩy sản xuất, kết hợp 3 nhà, tạo cơ hội cho người lao động tiếp cận nhiều hơn với khoa học công nghệ.

Theo báo cáo, tình hình kinh tế của tỉnh Bình Dương trong thời gian qua tiếp tục tăng tưởng ổn định. Năm 2017, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 9,15% (kế hoạch 8,3%); GRDP bình quân đầu người đạt 120 triệu đồng (kế hoạch 115,4 triệu đồng). 6 tháng đầu năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó công nghiệp – xây dựng tăng 8,2%, dịch vụ tăng 5,3%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,2%.

 

Tòa nhà Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương


Cũng theo đánh giá của các chuyên gia, môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện ngày càng tốt hơn và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Các ngành, lĩnh vực tỉnh có lợi thế được ưu tiên thu hút đầu tư như công nghiệp điện, điện tử, cơ khí, dược phẩm, hóa chất, thương mại dịch vụ,... tiếp tục được nhiều nhà đầu tư quan tâm, số lượt đoàn nhà đầu tư nước ngoài đến tỉnh tìm hiểu cơ hội đầu tư tăng cao so với các năm trước.

Về nguồn nhân lực dồi dào, Bình Dương có lực lượng lao động tại chỗ gần 1,3 triệu người và có hệ thống đào tạo nhân lực có chất lượng tốt của cả nước với 8 trường đại học, 8 trường cao đẳng, 13 trường trung cấp chuyên nghiệp, 46 cơ sở đào tạo nghề, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu học tập của nhân dân và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực cho tỉnh. Nổi bật trong đó có nhiều trường đại học có chương trình liên kết với nước ngoài, đảm bảo chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là một trong những điểm mạnh thu hút các nhà đầu tư về Bình Dương trong thời gian qua và tới.

Tạo cuộc họp báo cáo 6 tháng đầu năm 2018, ông Trần Thanh Liêm cho biết: Tình hình an sinh xã hội của tỉnh luôn được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời. Các chế độ, chính sách cho người có công, đối tượng xã hội, người nghèo và công nhân lao động được tỉnh quan tâm thực hiện đầy đủ. Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tỉnh đã huy động 439 tỷ đồng chăm lo các hoạt động an sinh xã hội, xây dựng 06 căn nhà tình nghĩa, hỗ trợ xây mới, sửa chữa 82 căn nhà đại đoàn kết. Toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 25.110 lao động, đạt 55,2% kế hoạch năm.

Chất lượng và kết quả giáo dục đào tạo ngày càng được củng cố và từng bước nâng cao. Tổng kết năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 628 cơ sở giáo dục (tăng 37 cơ sở so với năm học trước), tỷ lệ lầu hóa đạt 49,36%, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia là 67,84%. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các tuyến được đảm bảo. Tỷ lệ người tham gia Bảo hiểm y tế đạt 85,07% (tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2017). Hoạt động tuyên truyền, cổ vũ và tổ chức các hoạt động chào năm mới, các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước và sự kiện chính trị của địa phương được thực hiện chu đáo. Hoạt động thông tin truyền thông, khoa học công nghệ tiếp tục được đảm bảo thông suốt, hiệu quả.