Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bình Dương: Tạo điều kiện để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Thực hiện Quyết định 1019 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định để triển khai thực hiện Đề án trợ giúp NKT trên địa bàn giai đoạn 2013-2020 với mục đích: Đẩy mạnh các hoạt động phối hợp liên ngành nhằm nâng cao tỷ lệ NKT được chăm sóc, trợ giúp. Phấn đấu đến năm 2020, tăng 75% số NKT được chăm sóc, trợ giúp phục hồi chức năng, dạy nghề, tạo việc làm, tham gia giao thông, thể dục thể thao, văn nghệ so với giai đoạn 2006-2010.
 
Các hoạt động trợ giúp NKT trên các lĩnh vực được quan tâm. Tỉnh đã kiện toàn hệ thống quản lý chuyên môn về giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giáo dục khuyết tật cho cán bộ, giáo viên và học sinh; Hướng dẫn các cơ sở giáo dục, các trường thực hiện các chế độ ưu tiên hỗ trợ cho trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong học tập thông qua các hình thức: miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp khác, cấp học bổng nhằm khuyến khích, động viên trẻ em có thành tích học tập tốt. Tính đến tháng 7/2019, toàn tỉnh có 714 học sinh khuyết tật học hòa nhập, trong đó Mầm non: 47 trẻ; Tiểu học: 518 học sinh; Trung học cơ sở: 139 học sinh; Trung học phổ thông: 10 học sinh. 


Tặng quà cho NKT tại Trung tâm Dạy nghề cho NKT tỉnh Bình Dương.
 
Trong công tác trợ giúp học nghề, việc làm, tỉnh đã tổ chức cho 54 lượt NKT học nghề ngắn hạn, 450 lượt NKT được tạo việc làm, tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho 303 NKT tại cơ sở dạy nghề và sản xuất kiềng, máng cao su ở huyện Phú Giáo. Tại các Trung tâm Dạy nghề NKT và các cơ sở dạy nghề của Hội Người mù, Hội Nông dân tỉnh đã thu hút đông đảo NKT tham gia. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định quy định và phê duyệt mức chi phí dạy nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cho NKT trên địa bàn tỉnh. 
 
Cùng với đó, tỉnh Bình Dương đã cấp 545 thẻ xe bus miễn phí cho NKT. 100% các bến xe khách trên địa bàn tỉnh đã bố trí nhà vệ sinh và biển chỉ dẫn theo quy định để NKT tiếp cận theo quy định. Ngoài ra, tỉnh cũng đang triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe bus trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020”, trong đó hỗ trợ cho các đơn vị đầu tư đổi mới đảm bảo tối thiểu có 5% trong tổng số lượng xe có sàn xe thấp để tiếp cận phục vụ NKT, đồng thời hỗ trợ 100% giá vé cho NKT nặng và NKT đặc biệt nặng khi tham gia.
 
Từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã tổ chức 36 đợt khảo sát về quyền của NKT, với 5.272 lượt đối tượng tham gia (bao gồm NKT, người thân của NKT và người trợ giúp NKT). Kết quả khảo sát cho thấy, đa số NKT, người sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội chưa biết đến quyền được trợ giúp pháp lý (TGPL) miễn phí. Do vậy, các đơn vị liên quan đã phối hợp tổ chức 121 đợt thông tin truyền thông và trợ giúp pháp lý lưu động về các lĩnh vực pháp luật liên quan; Lắp đặt 5 Bảng thông tin và 5 Hộp tin trợ giúp pháp lý tại trụ sở Hội Bảo trợ NKT, trẻ em mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh và TP. Thủ Dầu Một, Trung tâm Dạy nghề cho NKT; Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An; Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa; Đăng 8 tin, bài về trợ giúp pháp lý cho NKT. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng tổ chức biên soạn, in ấn và cấp phát cho người dân 40.000 tờ gấp pháp luật về chính sách hỗ trợ cho NKT; cấp phát 30 Tờ thông tin TGPL cho thành viên Ban chấp hành Hội Bảo trợ NKT, trẻ em mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh. Từ năm 2012 đến nay, Trung tâm TGPL nhà nước đã thực hiện TGPL cho 86 NKT, trong đó tư vấn pháp luật là 57 trường hợp; Tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NKT là 25 trường hợp; Đại diện ngoài tố tụng để giúp NKT làm các thủ tục hành chính là 4 trường hợp.


Trẻ khuyết tật được tạo điều kiện đến trường học hòa nhập.
 
Song song với đó, các địa phương đã xây dựng chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phát triển thể dục, thể thao dành cho NKT. Phong trào thể dục thể thao của NKT đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng ở hầu hết các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh. Các hội, câu lạc bộ thể thao NKT đã được thành lập, các giải thể thao NKT được tổ chức thường xuyên đã thu hút đông đảo NKT tham gia tập luyện để rèn luyện thân thể, nâng cao sức khỏe. Đối với hoạt động tham quan, du lịch, tỉnh luôn tạo điều kiện hỗ trợ giảm chi phí tham quan hoặc tham quan miễn phí các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Dương khi có đề nghị từ các tổ chức NKT. Đặc biệt, trong giai đoạn 2012 - 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương luôn hỗ trợ và phối hợp tích cực với Sở LĐTBXH trong công tác tổ chức các liên hoan, hội thi thuộc lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần tạo nên cuộc sống phong phú cho NKT.
 
Theo đánh giá của Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương, việc thực hiện Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 trong những năm qua luôn được tỉnh quan tâm thực hiện, nhằm đảm bảo cho NKT thụ hưởng tất cả các chính sách hỗ trợ, tạo động lực để họ vươn lên trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Trong thời gian tới, tỉnh đề nghị Bộ LĐTBXH có ý kiến với Bộ Y tế điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn trong giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh tật, khuyết tật gây nên để có sự phù hợp với các quy định tại Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH cũng như có sự thống nhất trong việc xác định mức độ khuyết tật giữa Hội đồng giám định y khoa và Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã. Ban hành danh mục các loại bệnh hiếm để làm căn cứ, cơ sở cho Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã khi xác định dạng khuyết tật khác. Điều chỉnh tăng chính sách trợ cấp xã hội tại cộng đồng và trợ cấp nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng trong các cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NKT, vì hiện nay trợ cấp nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội cho NKT đặc biệt nặng không phải là trẻ em hoặc người cao tuổi (NKT đặc biệt nặng trong độ tuổi lao động) lại bằng mức nuôi dưỡng người lang thang ăn xin (hệ số 3.0, mức trợ cấp 1.020.000 đồng/tháng), đời sống của gia đình có NKT nặng, NKT đặc biệt nặng vẫn còn khó khăn. Ban hành cơ chế phối hợp giữa các ngành trong việc thực hiện các chính sách đối với NKT nhằm nâng cao hơn trách nhiệm của các ngành trong việc thực hiện chính sách đối với NKT.
 
Về vấn đề dạy nghề và việc làm cho NKT, cần quy định trách nhiệm của doanh nghiệp bắt buộc phải nhận một tỉ lệ lao động là NKT nhất định, nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong giải quyết việc làm đối với NKT kèm theo chính sách ưu đãi đối với họ. Về trách nhiệm bảo đảm điều kiện và môi trường làm việc thuận lợi cho NKTcủa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp như trang thiết bị phù hợp với NKT, giờ làm việc linh hoạt, bàn phím máy tính với hệ thống chữ nổi Braille (cho người mù)… Việc quy định cụ thể giúp tránh sự hiểu nhầm và giúp người sử dụng lao động hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc tạo môi trường làm việc phù hợp cho NKT. Quy định chặt chẽ hơn về tổ chức dạy nghề cho NKT như: giáo án phù hợp, chính sách thỏa đáng cho giáo viên dạy văn hóa, dạy nghề phiên dịch cho người khiếm thính. Thời gian học nghề cần phải linh hoạt.
 

Nhật Minh/GĐTE