Điều tra, xử lý nghiêm các cơ sở y tế nêu trên nếu có vi phạm
Tại cuộc họp báo sáng ngày 17/8, Đại tá Trần Văn Chính, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, liên quan đến vụ việc ông Ngô D. (57 tuổi, quê Trà Vinh, tạm trú TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) tử vong sau khi được đưa đến 5 cơ sở y tế để cấp cứu nhưng đều bị từ chối, vào ngày 15/8, TP Dĩ An đã làm việc với các cơ sở ý tế có liên quan gồm: Trung tâm y tế TP Dĩ An, Bệnh viện Quân đoàn 4, Phòng khám đa khoa Ngọc Hồng, Phòng khám đa khoa Nam Anh (đều nằm trên địa bàn TP Dĩ An).
Qua báo cáo của các cơ sở y tế có liên quan và xác định ban đầu, khoảng 20h ngày 13/8, người nhà có đưa ông D. đến trung tâm y tế TP Dĩ An bằng phương tiện xe tải để khám và điều trị bệnh.
Khi đến cổng trung tâm, thấy thông báo trước cổng về việc hạn chế tiếp nhận với nội dung: "từ 22/7/2021, Trung tâm y tế TP Dĩ An sẽ chuyển thành bệnh viện điều trị Covid-19. Tất cả mọi hoạt động khám, chữa bệnh và cấp cứu thông thường sẽ được chuyển về cho 3 bệnh viện vệ tinh là: Phòng khám đa khoa Ngọc Hồng, phòng khám Đông Hòa, Phòng khám Nam Anh".
Sau đó người nhà tiếp tục đưa ông D. đến phòng khám Ngọc Hồng vào lúc 22h37. Tại đây, nhân viên y tế đã phân loại và thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên Covid-19 đối với bệnh nhân và người đi cùng.
Khi có kết quả test nhanh âm tính với Covid-19, nhân viên y tế đã cấp cứu cho ông D. Lúc này, bệnh nhân D. rơi vào tri giác lơ mơ, không tiếp xúc được, tiểu lỏng 3 lần, nôn ói bốn lần… cộng với tiền sử bệnh cao huyết áp, đột quỵ não.
Do tình hình bệnh nhân vượt quá khả năng chuyên môn nên phòng khám thông báo đề nghị người nhà chuyển ông D. đến bệnh viện Quân đoàn 4.
Lúc 23h30 cùng ngày, Bệnh viện Quân đoàn 4 tiếp nhận bệnh nhân D. và đã tư vấn người nhà chuyển bệnh nhân đến bệnh viện Thủ Đức cho kịp thời, có đủ phương tiện cấp cứu vì bệnh viện này đang quá tải và thời điểm này khu cấp cứu đang xử lý khử khuẩn bề mặt do trước đó có cấp cứu bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Đến khoảng 1h ngày 14/8, người nhà bệnh nhân D. đến phòng khám Nam Anh, hỏi bảo vệ rằng phòng khám có nhận bệnh nhân không. Bảo vệ phòng khám này hỏi tình trạng bệnh nhân như thế nào?
Sau khi được người nhà ông D. cho biết, bệnh nhân bị nôn ói, liệt nửa người, đã đi 4-5 bệnh viện nhưng không nơi nào nhận nên đến đây hỏi trước để chuyển bệnh nhân tới… Ông bảo vệ trả lời, phòng khám vẫn cấp cứu và khám bệnh bình thường, đồng thời tư vấn nếu bệnh nhân nặng như vậy thì nên chuyển bệnh nhân đi bệnh viện tỉnh Bình Dương. Sau đó, ông D. được người nhà đưa về phòng trọ và tử vong.
Đại tá Trần Văn Chính cho biết thêm, hiện bước đầu đang xem xét việc các bệnh viện, phòng khám có vi phạm quy định về khám chữa bệnh hay không, sau đó sẽ xác minh các vấn đề liên quan để xác định vụ việc nhằm xử lý đúng theo quy định.
Đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho rằng, vụ việc này có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, nguyên nhân khách quan là vì quá tải dẫn đến việc các bệnh viện, phòng khám lúng túng, bệnh nhân được đưa đến cơ sở y tế trong đêm khuya...
“Sở Y tế sẽ không bao che, các cơ sở y tế này sai đến đâu sẽ xử lý đến đó. Đây là bài học kinh nghiệm và sẽ chấn chỉnh, yêu cầu các bệnh viện phải làm 2 chức năng vừa điều trị bệnh nhân Covid-19 vừa chữa bệnh nhân thông thường, công khai danh sách các cơ sở y tế khám chữa bệnh trong tỉnh…", đại diện Sở Y tế Bình Dương nói.
30.000 giường điều trị, đủ sức đáp ứng nhu cầu điều trị người bệnh trong tỉnh
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế, với phương châm nhanh chóng tách F0 ra khỏi cộng đồng, các địa phương của tỉnh đang đẩy mạnh triển khai xét nghiệm diện rộng đợt 2. Do đó số ca mắc những ngày gần đây tăng. Với sự chi viện nhân lực y tế từ Bộ Y tế và các địa phương, Bình Dương có thể đưa số giường điều trị lên trên 30.000 giường, đủ sức đáp ứng nhu cầu điều trị người bệnh trong tỉnh.
Bình Dương được Bộ Y tế phân bổ 544.060 liều vaccine phòng Covid-19. Đến nay đã cơ bản hoàn thành việc tiêm số lượng vaccine được cấp. Ngày 14/8/2021, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3877/QĐ-BYT về việc phân bổ vvaccine phòng Covid-19 đợt 21 và 22. Theo đó, Bình Dương được phân bổ 250.000 liều vaccine Astra Zeneca và 15.210 liều vaccine Pfizer. Tỉnh sẽ huy động mọi nguồn lực để triển khai tiêm trong thời gian sớm nhất.
Giám đốc Sở Y tế mong muốn các cơ quan báo chí và nhân dân chia sẻ khó khăn của ngành Y tế trong giai đoạn hiện nay. Đây chính là động lực tạo nên sức mạnh giúp đội ngũ tuyến đầu vượt qua khó khăn, cùng cả hệ thống chính trị dập dịch nhanh nhất, đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới.
Trước câu hỏi của đại diện báo chí về việc tổ chức lại sản xuất trong tình hình mới, ông Bùi Minh Trí - Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, toàn tỉnh có 1.370 doanh nghiệp với 141.000 lao động đang thực hiện phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 địa điểm". Phương châm xuyên suốt của tỉnh là chỉ cho phép các doanh nghiệp được hoạt động sản xuất, kinh doanh khi đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch. Giai đoạn này, mục tiêu của tỉnh là bảo vệ "vùng xanh", khoá chặt "vùng đỏ", thực hiện mô hình 3 xanh (nhà máy xanh, nhà trọ xanh và công nhân xanh). Tỉnh đặc biệt chú trọng đến nơi ở của người lao động, cung đường di chuyển và siết chặt an toàn sản xuất. Đưa vai trò phòng, chống dịch của doanh nghiệp lên cao hơn, ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân lao động.
Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh cũng giải đáp câu hỏi của đại diện các cơ quan báo chí về hoạt động Tổng đài 1022, kế hoạch tổ chức năm học mới 2021-2022…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoàng Thao ghi nhận ý kiến của đại diện các cơ quan báo chí. Quan điểm của tỉnh là xử lý nghiêm và kịp thời chấn chỉnh nếu có vi phạm trong công tác phòng, chống dịch. Trong điều kiện hiện nay, tỉnh cố gắng đưa sản xuất trở lại hoạt động nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Theo đó phân loại các doanh nghiệp, ưu tiên doanh nghiệp cung ứng hàng hoá thiết yếu, chuỗi cung ứng quốc gia, quốc tế.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy mong muốn các cơ quan báo chí kịp thời tuyên truyền định hướng dư luận, động viên ngành chức năng và toàn dân chung sức đồng lòng, tạo nên sức mạnh chiến thắng dịch bệnh.
Tính từ đợt dịch thứ 4 đến 17h00 ngày 16/8/2021, Bình Dương ghi nhận 46.501 ca mắc Covid-19. Hiện tỉnh có 24 khu điều trị bệnh nhân Covid-19 đáp ứng điều trị cho 17.977 người. Số bệnh nhân đang được điều trị là 11.801 người. Đến nay đã có 12.011 người được điều trị khỏi bệnh, xuất viện, 390 bệnh nhân tử vong.
Bình Dương đang triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng bằng test nhanh và PCR đợt 2 trên phạm vi toàn tỉnh để tách hết F0 ra khỏi cộng đồng. Kết quả lấy mẫu test nhanh và PCR cho 346.370 người, có 8.394 trường hợp dương tính; kết quả triển khai lấy mẫu PCR cho 89.298 công nhân tại 67 công ty trong các khu công nghiệp, có 138 trường hợp dương tính.
Tỉnh hiện có 135 cơ sở cách ly đáp ứng 19.132 người đang thực hiện cách ly. Trước tình hình ca bệnh và số F1 đang tiếp tục tăng, nhất là tại các công ty, doanh nghiệp, tỉnh đã thực hiện cách ly đối tượng F1, cách ly và điều trị đối tượng F0 ít nguy cơ tại nhà theo các hướng dẫn của Bộ Y tế.