Tại nội dung kiểm tra ngẫu nhiên của 10 xã có bệnh nhân phong mới trong 3 năm gần đây trên địa bàn tỉnh, do Hội đồng Kiểm tra do Bộ Y tế thành lập, về 4 tiêu chí: Quản lý bệnh nhân phong, phát hiện bệnh nhân phong mới, chăm sóc khuyết tật cho người bệnh phong và truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh phong. Kết quả cho thấy: 100% số bệnh nhân phong phát hiện đều được trị liệu và uống thuốc đủ liều, có bệnh án theo dõi và ghi chép đầy đủ những diễn biến trong quá trình điều trị. Trong 3 năm liên tục Bình Thuận có tỷ lệ lưu hành bệnh phong dưới 0,02/10.000 dân; việc khám, phát hiện bệnh nhân phong được lồng ghép vào mạng lưới đa khoa và các chuyên khoa khác; 100% số người bệnh được cấp giày phòng ngừa lỗ đáo; kiến thức cơ bản về bệnh phong được giảng dạy trong các trường học…
Khám bệnh tại Bệnh viện Tuy Phong, Bình Thuận (ảnh tư liệu)
Theo số liệu thống kê, năm 1998, Bình Thuận là tỉnh có tỷ lệ bệnh phong mới cao nhất nước với 308 bệnh nhân/1 triệu dân thì đến nay con số này chỉ còn 7 bệnh nhân/1,2 triệu dân. Toàn tỉnh hiện quản lý 505 bệnh nhân phong, giảm hơn 300 bệnh so với 10 năm trước đây. 100% bệnh nhân phong mới được chuẩn đoán đúng, điều trị đúng và đủ phác đồ.
Để hoàn thành mục tiêu Bình Thuận loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện vào năm 2020, ông Lê Huỳnh Phúc, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Bình Thuận cho biết: ngành y tế tỉnh sẽ tiếp tục đẩy công tác truyền thông giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao nhận thức và phát hiện thụ động bệnh phong trong cộng đồng; thường xuyên tổ chức khám phát hiện bệnh phong ở khu vực có bệnh nhân nhiều khuẩn, nơi có dịch tễ bệnh phong cao; ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động phòng chống tàn tật; tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức từ thiện để giúp bệnh nhân phong nghèo hòa nhập cộng đồng, phục hồi kinh tế, phấn đấu 100% bệnh nhân phong có thẻ bảo hiểm y tế, 100% bệnh nhân nghèo có nhà ở…