Mặc dù xuất sắc đạt 30,5 điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016 với số điểm lần lượt là Ngữ văn 9; Lịch sử 8,5; Địa lý 9,5 và 3,5 điểm ưu tiên nhưng thí sinh Nguyễn Như Quỳnh (trú tại xã Minh Khai, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) vẫn không đủ điều kiện đỗ vào trường Học viện An ninh nhân dân.
Thí sinh Nguyễn Như Quỳnh
Ông Nguyễn Văn Thuận - cha thí sinh Quỳnh từng thắt lòng chia sẻ: "Con buồn một, thì tôi buồn mười". Giờ đây, ông luôn không thôi tự trách, chỉ vì phút giây nông nổi, thiếu hiểu biết của tuổi trẻ mà khiến con ông phải đeo "gông" suốt đời, dù án tích đó đã được xóa bỏ từ thế kỉ trước, trước cả lúc con ông chào đời.
Ngày 16/8, trả lời VTC News, TS Nguyễn Văn Ly, Cục trưởng cục đào tạo, Bộ Công an cho biết năm nay Bộ không giải quyết từng trường hợp như mọi năm. Trong trường hợp này, lỗi do thẩm tra lý lịch tại địa phương ẩu hoặc do thí sinh không khai báo.
TS Nguyễn Văn Ly cho biết Bộ Công an đã có văn bản yêu cầu Công an tỉnh Lạng Sơn phải trả lời cho thí sinh và báo chí về trường hợp này.
Tuy nhiên, đại diện Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, phía Công an tỉnh đã trả lời gia đình em Như Quỳnh (xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng) về kết luận cuối cùng của việc đạt 30,5 điểm nhưng trượt trường công an vì lý lịch.
Công an tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản gửi lên Tổng cục Chính trị, Bộ Công an xem xét về trường hợp của em Như Quỳnh.
Bộ Công an đã nhận được văn bản trả lời và phản hồi nữ sinh Nguyễn Quỳnh Chi không được đặc cách vì không đủ tiêu chuẩn về chính trị.
Phía Công an tỉnh Lạng Sơn đã giải thích rõ cho gia đình em Quỳnh hiểu, động viên em lựa chọn một ngành nghề khác cho phù hợp để cống hiến cho đất nước.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Thuận đã viết bức tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm với niềm mong mỏi con gái mình được xem xét vào trường Học viện An ninh nhân dân như mơ ước.
Xin trích dẫn toàn bộ bức tâm thư này:
“Kính gửi Bộ trưởng Bộ công an, tổng Cục Chính trị - Bộ công an, phòng đào tạo tuyển sinh – Bộ Công an!
Tôi tên là Nguyễn Văn Thuận, sinh năm 1968, nơi cư trú; thôn Minh Khai, xã Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.
Năm 1993, anh Triệu Văn Hòa có mang đến nhà và bán cho tôi một khẩu sung CKC, lúc đó tôi mua với mục đích là bảo vệ vườn cây ăn quả. Trong suốt mấy tháng mua khẩu súng này, tôi không hề dùng đến. Sau đó, có người đến nhà hỏi mua khẩu súng về để săn bắn, tôi đồng ý bán và được hứa mang súng xuống nhà mới được trả tiền.
Tôi tin tưởng đi theo người đàn ông này nhưng không ngờ lại được dẫn vào đồn công an thị trấn Chi Lăng, tại đây tôi được thông báo là bị bắt để điều tra.
Đến năm 1994, bộ Tư lệnh quân khu I về mở phiên tòa xét xử tại trường Quân sự thị trấn Chi Lăng, tôi bị phạt 12 tháng tù treo và được thả về địa phương, còn người đàn ông tên Hòa đã bán súng cho tôi phải đi cải tạo. Từ đó tới nay, tôi làm ăn lương thiện, luôn chấp hành đúng mọi chủ trương, đường lối của pháp luật và Nhà nước cũng như quy định của địa phương nơi cư trú.
Năm 1996, tôi kết hôn với vợ tôi bây giờ và đến năm 1997 thì sinh ra cháu Nguyễn Như Quỳnh. Từ năm 1997 đến năm 2002, tôi đã tham gia và hoàn thành khóa huấn luyện dân quân tự vệ của xã.
Thưa Bộ trưởng, cháu Nguyễn Như Quỳnh từ nhỏ đến lớn rất ngoan và chăm chỉ học hành, ước mơ lớn lên trở thành người chiến sĩ công an nhân dân đã được cháu ấp ủ từ những ngày còn thơ bé. Bởi vậy nên từ năm lớp 1 đến năm học lớp 12, cháu luôn đạt học sinh giỏi, cũng đã tham gia các cuộc thi học sinh giỏi tỉnh. Đặc biệt, năm lớp 11, cháu tham gia thi học sinh giỏi tỉnh môn địa lý và đạt giải khuyến khích.
Năm 2016, Như Quỳnh dự kỳ thi THPT quốc gia và đăng ký vào ngành công an. Điểm thi của cháu lần lượt là Ngữ văn 9; Lịch sử 8,5; Địa lý 9,5. Tuy nhiên, vui mừng chưa được hai ngày thì gia đình tôi lại nhận được phiếu thông báo con tôi không đủ điểm vào trường với lý do lý lịch chính trị không tốt.
Kính thưa Bộ trưởng, trong hồ sơ lý lịch của cháu đã khai đầy đủ, trung thực về bố và mẹ, qua vòng sơ tuyển của công an huyện đã dủ điều kiện được dự thi. Chính vì thế mà sau khi biết điểm được hai ngày, nhận được thông báo cháu không đủ điều kiện để vào học trường an ninh, cả gia đình tôi đều sốc và suy sụp tinh thần. Nhìn cháu Quỳnh khóc lóc, ủ rũ, không ăn uống gì, người cha như tôi thật không biết mình còn nên sống không…
Tôi rất đau long bởi chỉ vì lỗi lầm bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết trong quá khứ cách đây 23 năm mà tôi đã làm cho mơ ước trong sáng của con gái mình tan tành thành mây khói. Mỗi lần nhìn con thu mình trong bóng tối, nỗi dày vò trong tôi lại không thể kìm nén được, tôi có thể cảm nhận rõ sự kém cỏi, tồi tệ của mình.
Mặc dù là không cố ý nhưng giờ đây, nhìn con khổ sở, tuyệt vọng, tôi xấu hổ đến mức chẳng dám nói với con gái mình lời xin lỗi…
Tôi tha thiết mong Bộ trưởng, Tổng Cục Chính trị, phòng đào tạo tuyển sinh xem xét cho trường hợp của con gái tôi. Mong ngài Bộ trưởng có thể bớt chút thời gian vàng ngọc của mình để đọc những dòng thư cẩu thả này của tôi và nếu có thể, mong ngài hãy cho con gái tôi một có hội nào đó để cháu Quỳnh phấn đấu, cống hiến cho nước nhà.
Cuối thư, tôi xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe Bộ trưởng cùng gia đình.
Lạng Sơn ngày 24/7/2016.
Người viết thư: Nguyễn Văn Thuận