Theo đó, 6 Tổng cục của Bộ Công an sẽ không còn. Cùng với đó là 6 Trung tướng sẽ không còn giữ chức Tổng cục trưởng.
1 - Tổng cục An ninh (Tổng cục 1) do Trung tướng Nguyễn Chí Thành làm Tổng cục trưởng từ năm 2015 đến nay.
2 - Tổng cục Cảnh sát (Tổng cục 2) do Trung tướng Trần Văn Vệ giữ chức Quyền Tổng cục trưởng từ 4/2017 đến nay.
3 - Tổng cục Chính trị (Tổng cục 3) do Trung tướng Nguyễn Thanh Nam, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục từ tháng 12/2016 đến nay.
4 - Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Tổng cục 4) do Trung tướng Lê Văn Minh làm Tổng cục trưởng từ 10/2011 đến nay.
5 - Tổng cục Tình báo (Tổng cục 5), do Trung tướng Đặng Xuân Loan làm Tổng cục trưởng từ năm 2011 đến nay.
6 - Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục 8) do Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng làm Tổng cục trưởng từ tháng 1/2015 đến nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị triển khai Nghị định 01 vào chiều 7/8. Ảnh: Quang Hiếu
Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, theo nghị định này, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Công an không thay đổi. Tổ chức bộ máy được xây dựng chuyên sâu theo hướng bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở.
Cơ cấu tổ chức của Bộ Công an sẽ không tổ chức cấp tổng cục thì việc sắp xếp tổ chức bộ máy thực hiện theo nguyên tắc các đơn vị có tính tương đồng, trong quá trình hoạt động có cơ chế phối hợp, có nhiệm vụ liên quan chặt chẽ với nhau thì sáp nhập.
Về việc sắp xếp nhân sự, Thiếu tướng Quang cho hay, các cán bộ của các tổng cục vẫn làm công việc cũ, đúng theo chức năng, nhiệm vụ.
"Có những lãnh đạo tổng cục xuống làm cục trưởng và đây là công việc phân công rất bình thường", ông nói.
Người phát ngôn Bộ Công an thông tin, theo Nghị định 01, tổ chức bộ máy của Bộ Công an có các cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Thanh tra, cơ quan nghiên cứu chiến lược, cùng với đó là các đơn vị nghiệp vụ của Bộ và trực thuộc Bộ trưởng như Văn phòng Bộ.
“Sáng 7/8, tôi vừa nhận quyết định của Bộ trưởng là tiếp tục thực hiện nhiệm vụ Chánh văn phòng Bộ”, ông Quang cho biết.
Trụ sở Bộ Công an. Ảnh: Phạm Hải
Bộ Công an có một số cục mới trên cơ sở sáp nhập, sắp xếp lại. Cụ thể như Cục Kế hoạch - Tài chính hình thành trên cơ sở sáp nhập Cục Tài chính với Cục Kế hoạch - Đầu tư. Cục An ninh mạng và Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao được sáp nhập thành Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao…
Ngoài ra, sau khi sắp xếp, Bộ Công an có các cục: Cục Đối ngoại, Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, Cục Khoa học chiến lược và lịch sử công an, Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với đó là Cục Tổ chức cán bộ, Cục Đào tạo, Cục Công tác Đảng, Công tác Chính trị, Cục Truyền thông CAND, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Cục An ninh điều tra, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm trật tự xã hội, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn, Cục Cảnh sát giao thông, Viện Khoa học hình sự, Cục Cảnh sát quản lý trại giam cơ sở giáo dục bắt buộc trường giáo dưỡng, Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ tạm giam, thi hành án hình sự tại cộng đồng.
Bộ còn có Bộ Tư lệnh cảnh vệ, Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động, Cục CNTT, Cục Y tế, Cục Hậu cần và một số cục có chức năng hậu cầu trong lực lượng CAND.
Ngoài ra còn có các đơn vị nghiệp vụ của các lực lượng trong an ninh, tình báo, cảnh sát; các học viện, trường CAND hoặc tổ chức khác của lực lượng.
Thành lập Đồn công an
Chánh văn phòng Bộ Công an cũng cho hay, tổ chức bộ máy công an ở địa phương theo Nghị định 01 và tiến tới luật CAND sửa đổi có công an tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ. Dưới Công an tỉnh có Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Ở các khu vực trọng điểm đủ điều kiện, đủ căn cứ, tình hình ANTT phức tạp thì thành lập Đồn công an.
Cấp cơ sở có Công an phường, thị trấn. Khi luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt ra đời thì có công an các đơn vị này.