Chặt đứt “vòi bạch tuộc”
Ngày 24/11, trao đổi với VietNamNet, lãnh đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ công an tỉnh Bắc Giang (PC46) cho biết, đơn vị này đang tập trung điều tra, làm rõ những hành vi liên quan đến các cơ sở thuộc Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới (đơn vị tổ chức chương trình "Trái tim Việt Nam”) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Theo PC46 công an tỉnh Bắc Giang, hiện trên địa bàn tỉnh này có 3 địa điểm do ông Trần Đức Trung lập ra với tên gọi “Điểm tư vấn thông tin chương trình trái tim Việt Nam”.
Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển Nông thôn mới (đơn vị tổ chức chương trình "Trái tim Việt Nam”) trong lễ khai trương văn phòng đại diện tại tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Website Trung tâm
Cụ thể, ngày 28/6/2015, ông Trần Đức Trung quyết định thành lập điểm tư vấn thông tin chương trình Trái tim Việt Nam, giao cho bà Nguyễn Thị Hương điều hành. Tiếp đến, ngày 2/11/2015, ông Trung lại “đẻ” ra một cơ sở nữa và bổ nhiệm Dương Đăng Toản làm trưởng địa điểm (177, đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Bắc Giang).
Ngoài ra, ông Trung còn thành lập thêm một đầu mối nữa ở TP Bắc Giang và bổ nhiệm bà Hoàng Thị Tình (SN 1959, trú tại tổ dân phố Phú Mỹ 3, phường Dĩnh Kế) quản lý.
PC46 công an tỉnh Bắc Giang cho hay, cơ quan này đã làm việc với các cơ sở thuộc chương trình “Trái tim Việt Nam”. Bước đầu, Công an tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu các trung tâm này cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp nhân; nguồn gốc xuất xứ các loại hàng hóa đưa đến người tiêu dùng.
Hơn 100 người đã tham gia chương trình
Về hoạt động của đại lý tại Bắc Giang, công an tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu trung tâm làm rõ danh sách, thành phần tham gia, số tiền thu được đã chuyển về là bao nhiêu và được sử dụng như thế nào.
Cụ thể, về khoản tiền hỗ trợ cho một mã thành viên được chia ra làm năm giai đoạn, tổng số tiền nhận được lên tới 5,4 triệu đồng/người, CQĐT yêu cầu trung tâm này cho biết rõ nguồn vốn hỗ trợ từ đâu và hỗ trợ cho mỗi giai đoạn bao lâu.
Hiện tại đã có khoảng hơn 100 người trên địa bàn tỉnh tham gia vào chương trình “Trái tim Việt Nam”. Phương thức, điều kiện tham gia là người dân đóng góp vào một khoản tiền (1,2triệu) với lời hứa sẽ nhận được 5,4 triệu sau một thời gian tham gia.
“Chúng tôi đang củng cố hồ sơ, chứng cứ để xử lý. Nếu có đủ yếu tố cấu thành tội Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì sẽ khởi tố theo đúng quy định của pháp luật. Việc này phải ngăn chặn thật sớm, chặt đứt cái vòi bạch tuộc để nó không vươn ra” - lãnh đạo PC46 công an Bắc Giang cho biết.
Công an tỉnh Bắc Giang cũng đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng, tiến hành vận động, tuyên truyền để người dân nắm rõ âm mưu thủ đoạn của Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển Nông thôn mới. Qua đó, mọi người có thể biết bản chất thực sự của trung tâm này, chủ động phát hiện và tố giác cho các cơ quan chức năng xử lý nếu phát hiện sai phạm.
Trả tiền cho người nghèo bằng hình thức đi… du lịch?
Cũng trong chiều 24/11, trong vai một người dân muốn tham gia vào chương trình “Trái tim Việt Nam”, PV VietNamNet đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Hương - người được giao quyền điều hành một cơ sở ở TP Bắc Giang.
Bà Hương cho biết, hiện tại cơ sở này đang tạm dừng hoạt động để củng cố “hành lang pháp lý”. Sau khi củng cố lại sẽ hoạt động và tiếp nhận người dân tham gia.
“Sắp tới, trung tâm sẽ có một số thay đổi. Tuy nhiên, quyền lợi của người tham gia sẽ tốt hơn. Bây giờ chưa đủ hành lang pháp lý, anh Nguyễn Đức Trung từ chức rồi” - bà Hương nói.
Nói về việc thay đổi, bà Hương cho biết: Trước đây mỗi người giới thiệu thêm thành viên sẽ được trả 500 ngàn tiền kết nối. Sắp tới sẽ không trả bằng tiền mặt nữa mà trả bằng một cái thẻ, thẻ đấy dùng để đi du lịch.
Liên quan đến vụ việc này, được biết Cục An ninh Nông nghiệp nông thôn (A86 - Bộ Công an) đã có văn bản yêu cầu công an các tỉnh tiến hành tuyên truyền để người dân nắm rõ thủ đoạn của chương trình “Trái tim Việt Nam” và không tham gia chương trình này. UBND tỉnh Bắc Giang cũng ra văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng giúp người dân nắm rõ bản chất thật sự của chương trình. |