Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bộ Công Thương giải quyết triệt để các điểm nghẽn

Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, bám sát nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết các Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong 2 năm qua, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương đã lãnh đạo toàn ngành Công Thương thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình, đạt và vượt các kế hoạch đề ra, góp phần vào thành công chung của kinh tế cả nước.

 

Chuyển biến tích cực, căn bản trên hầu hết các lĩnh vực

 Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương, mặc dù ngành khai khoáng có mức giảm khá sâu theo định hướng tái cơ cấu chung của ngành (năm 2016 giảm 5,9%; năm 2017 giảm 7,1%) nhưng với sự tăng trưởng mạnh của ngành công nghiệp chế biến chế tạo (năm 2016 tăng 11,2% và đặc biệt năm 2017 tăng tới 14,5%), sản xuất công nghiệp nói chung vẫn đạt mức tăng trưởng khả quan với chỉ số toàn ngành đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Năm 2016 tăng 7,4% và sang năm 2017 tăng tới 9,4%, vượt xa chỉ tiêu kế hoạch đề ra từ đầu năm (tăng 7,1 - 8%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã khẳng định được vai trò là trụ đỡ, là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng công nghiệp, cho thấy quá trình tái cơ cấu lĩnh vực công nghiệp đang đi đúng hướng và có những chuyển biến tích cực.

Bức tranh kinh tế ngành công thương 6 tháng đầu năm 2018 đã tiếp nối thành công của năm 2017, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với mức tăng 10,5%, cao hơn nhiều cùng kỳ năm 2017 (7%). Trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao với mức tăng 12,7%.

Trong 2 năm qua, xuất khẩu cũng đã trở thành điểm sáng ngành Công Thương. Năm 2017, lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD, tăng trưởng trên 21% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu tăng trưởng được Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công Thương. Đây là mức tăng rất ấn tượng trong bối cảnh tăng trưởng thương mại toàn cầu tuy đã phục hồi nhưng nhìn chung vẫn ở mức thấp và một số thị trường có xu hướng quay trở lại với các biện pháp bảo hộ. Nhập khẩu cũng được kiểm soát tốt, giúp chúng ta đạt thặng dư thương mại hai năm liên tiếp và 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục đạt thặng dư khi xuất siêu 2,71 tỷ USD, qua đó góp phần lành mạnh hóa và cải thiện các cân đối vĩ mô khác của nền kinh tế.

 

 

Ban cán sự đảng Bộ Công Thương xác định yêu cầu, mục tiêu xuyên suốt trong toàn bộ nhiệm kỳ là đổi mới hoạt động của ngành Công Thương theo tinh thần kiến tạo, cải cách, lấy doanh nghiệp và người dân làm trọng tâm phục vụ. Theo hướng đó, ngay từ năm 2016 - năm đầu tiên của nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XII, nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, Bộ Công Thương đã thực hiện những cải cách hết sức mạnh mẽ và toàn diện như: Tiến hành cắt giảm theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp, chiếm tới 55,3% tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương; cắt giảm và đơn giản hóa 183 trong tổng số 508 thủ tục hành chính của Bộ; triển khai 154 trong tổng số 298 dịch vụ công trực tuyến của Bộ ở cấp độ 3 và cấp độ 4 thông qua một Cổng dịch vụ công trực tuyến thống nhất của Bộ Công Thương.

Báo cáo trước Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Quốc hội xem xét, cho phép đưa Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 - Hải Phòng và Dự án nhà máy thép Việt Trung ra khỏi danh sách các dự án kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Lý do là 2 dự án đã cơ bản xử lý được các khó khăn, vướng mắc, hoạt động ổn định và có lãi. Bốn dự án còn lại trong danh sách 6 dự án đang vận hành sản xuất từng bước giảm lỗ và hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định.

Bộ Công Thương cũng đã kiên quyết trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn và sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ trên tinh thần khẩn trương, thực chất; nhất là việc cổ phần hóa và thoái vốn đối với một số doanh nghiệp có quy mô lớn, tính chất phức tạp. Điển hình thành công có thể kể đến việc thoái vốn tại Tổng Công ty Sabeco và bán cổ phần tại các doanh nghiệp quy mô lớn như Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3)...Riêng thoái vốn tại Tổng Công ty Sabeco đã được các chuyên gia kinh tế coi như mẫu mực thành công về thoái vốn Nhà nước, mang lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách, gần 110.000 tỷ đồng-mức kỷ lục từ trước đến nay trong hoạt động thoái vốn Nhà nước và gần bằng một nửa số tiền mà Việt Nam phải trả nợ nước ngoài cả gốc và lãi năm 2017.

 Năm 2016 và 2017, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh vẫn phải tiếp tục xử lý những tồn tại, hạn chế của nhiệm kỳ trước, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực trong việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được Đảng và Chính phủ giao. Cụ thể, đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai đồng bộ các đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, bước đầu tạo được nhiều chuyển biến tích cực, căn bản trên hầu hết các lĩnh vực. Công tác tổ chức, cán bộ được tập trung giải quyết, xử lý về cơ bản những tồn tại, khuyết điểm của những năm trước; đồng thời đã kiên quyết thực hiện kiện toàn tổ chức, cán bộ theo hướng tinh gọn, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ban cán sự đảng duy trì được tác phong làm việc dân chủ, thẳng thắn nhưng đoàn kết, thống nhất; thực hiện nghiêm Quy chế làm việc, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy tư duy đổi mới, tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; dám từ bỏ quyền lực để hướng đến lợi ích chung. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo Ban cán sự đảng luôn lựa chọn các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, có tính đột phá cao, có nhiều bức xúc để tập trung ưu tiên các nguồn lực và quyết liệt chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện…

 Giải quyết triệt để những điểm nghẽn

 Theo Bộ Công Thương, năm 2016, 2017, mặc dù gặp nhiều khó khăn, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương đã bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư để thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương, bước đầu tạo được nhiều chuyển biến tích cực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng và Chính phủ giao. Với phương châm "Chủ động đổi mới, Quyết liệt hành động, Coi trọng hiệu quả", Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch nhiệm kỳ 2016-2021.

 Năm 2018 và những năm tiếp theo có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi như: kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng tăng trưởng ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh trong nước ngày càng cải thiện; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát, sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

 Để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao trong nhiệm kỳ 2016-2021, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương xác định chủ đề năm 2018 và những năm tiếp theo là "Phát huy vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng và đảng viên, thực hiện thắng lợi tái cơ cấu ngành Công Thương phát triển bền vững".Trong đó, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để đi thẳng vào giải quyết những vấn đề được coi là điểm nghẽn, là hạn chế trong phát triển ngành Công Thương, đồng thời phát huy những thuận lợi, những kết quả tích cực đạt được trong năm vừa qua để tạo bước phát triển mới.

 Theo đó, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương xác định tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Gắn với đó là việc tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến của ngành Công Thương... Tập trung hoàn thành việc xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, bảo đảm đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém ở các dự án này theo đúng lộ trình và phương án xử lý đã được phê duyệt.

Lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành Công Thương một cách thực chất; thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp theo đúng tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Sau hai năm triển khai thực hiện nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực vượt bậc xử lý 12 đại án thua lỗ. Bộ Chính trị đã đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, khẩn trương, quyết liệt của Bộ Công Thương.