Dự thảo lần 3 Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe đang được Bộ Tư pháp thẩm định.
Bộ Công an cho biết đã điều chỉnh tại dự thảo lần 3, trong đó nêu rõ các mức xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe của người điều khiển ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự ô tô vi phạm. Cụ thể:
- Bộ Công an đề xuất phạt tiền từ 6-8 triệu đồng với người điều khiển các loại xe trên nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
- Phạt tiền từ 16-18 triệu đồng nếu điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
- Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.
Như vậy, tại dự thảo này mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn theo đề xuất của Bộ Công an không có gì thay đổi so với quy định hiện hành tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, bị áp dụng biện pháp trừ điểm giấy phép lái xe theo quy định…
Đáng chú ý, điểm mới của dự thảo lần này là việc trừ điểm giấy phép lái xe thay vì tước giấy phép lái xe. Cụ thể, nếu vi phạm nồng độ cồn ở ngưỡng thấp nhất hoặc ngưỡng thứ hai, tài xế sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe và tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Chỉ khi vi phạm ở ngưỡng cao nhất, tài xế mới bị trừ hết điểm. Đề xuất này có phần "dễ thở" hơn hiện nay, khi chỉ cần vi phạm nồng độ cồn là sẽ bị tước giấy phép lái xe.
Trước đó, Bộ Công an đề xuất hạ mức phạt tiền so với Nghị định số 100/2019 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021) đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở, để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Cụ thể, dự thảo đề xuất phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với người lái xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Theo quy định hiện hành, mức tiền phạt là 6 - 8 triệu đồng.
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, Bộ Công an đề xuất phạt 400-600 nghìn đồng, thay vì phạt 2-3 triệu đồng như quy định hiện hành.
Bộ Công an cũng đề xuất phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở.
Còn theo quy định hiện hành, mức xử phạt với hành vi này là 3-5 triệu đồng.
Vi phạm nồng độ cồn có bị giữ xe không? Theo quy định hiện hành, tạm giữ xe (hay tạm giữ phương tiện) là một hình thức xử phạt được quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Người có thẩm quyền xử phạt nồng độ cồn được phép tạm giữ phương tiện tối đa đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm nồng độ cồn kể trên. Như vậy, vi phạm nồng độ cồn có thể bị giữ xe đến 7 ngày. Khi phát hiện, tiếp nhận, xử lý tin báo tai nạn giao thông, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cứu ban đầu người bị tai nạn; đồng thời có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất, thực hiện xét nghiệm nồng độ cồn, chất ma túy hoặc các chất kích thích khác trong máu của người điều khiển phương tiện. |