1.Theo đúng hẹn, 15 giờ chiều chiếc xe U-oat do anh lái trẻ điều khiển, đỗ xịch trên một con đường nhỏ ở TP. Lai Châu. “Đi thôi các anh, về nhanh không tối mịt, đường trơn khó đi lắm”.
Chiếc xe lao trong giá rét, nghiêng mình bò qua những con đường gấp khúc một bên là núi, một bên là vực thẳm sâu hun hút, khiến chúng tôi phải bắm chặt tay vào ghế. “Yên tâm, em đi quen rồi, không vấn đề gì đâu”-giọng chàng trai lái xe khiến chúng tôi vững tâm hơn.Phải mất 4 giờ đồng hồ, chiếc xe mới tới doanh trại Đoàn kinh tế Quốc phòng 356 nằm trên ngọn núi cao 1.740m so với mực nước biển, thuộc xã Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ. Đây là một vị trí đặc biệt hiểm trở và khó khăn, cả xã không có một quán hàng, dân cư thưa thớt...
Đại tá Hoàng Trọng Trang, Chính ủy Đoàn 356 cho biết: Đoàn được Quân khu II giao nhiệm vụ phát triển kinh tế, giúp bà con dân tộc xóa nghèo và làm công tác dân vận trên địa bàn 8 xã biên giới với 65 km đường biên, 11 cột mốc, 3 đồn biên phòng. Chỉ vào tấm bản đồ, đại tá Trang bảo: “Ở đây, 3 hướng đều giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), mọi nhiệm vụ được cấp trên giao đều rất quan trọng.
Rất ít khi được về phép, xa nhà dài ngày, nhưng các chiến sỹ luôn rèn luyện, ý thức vượt qua khó khăn, thiếu thốn làm tốt công việc được giao...”Khí hậu ở Pa Vây Sử vô cùng khắc nghiệt, mây và sương mù thường xuyên kéo đến bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Sương mù đậm đặc đến nỗi người đứng cách 3m cũng không nhìn thấy nhau. Không hàng quán, chợ búa...
Muốn đi chợ phải xuôi xuống hàng chục kilômet về chợ Dào San hoặc ngược lên vài chục cây số đi chợ biên Sì Lờ Lầu.
2. Đoàn trưởng Đoàn 356, đại tá Ngô Văn Đang là người yêu thích thơ ca, viết báo. Ông Đang tâm sự: “Tôi mới được cấp trên điều động về đây.
Khám bệnh cho bà con dân tộc.
Nhiệm vụ khó khăn, trách nhiệm nặng nề, nhưng đã là bộ đội Cụ Hồ thì không khó khăn nào không vượt qua, không kẻ thù nào không đánh thắng, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành”. Nói rồi, vị Đoàn trưởng đọc cho chúng tôi nghe một bài thơ mới sáng tác về Pa Vây Sử. Hỏi ra mới biết, đại tá Đang được chiến sỹ gọi thân mật là thủ trưởng “4N”(nhà chính trị, nhà kinh tế, nhà thơ và nhà báo).
Ông đã xuất bản gần chục đầu sách, viết hàng trăm bài báo, bài thơ, thỉnh thoảng đọc cho anh em chiến sỹ nghe lúc vui, lúc buồn, cũng là cái thú của vị sỹ quan từng trải này. “Đoàn 356 không chỉ giúp bà con trồng lúa nước, trồng rau cải, nuôi cá hồi, cá tầm thành công. Để nuôi cá tầm thành công, chúng tôi đã sáng tạo trong việc chế tạo máy bơm, sục ô xy và được nhận giải thưởng tập thể khoa học đấy...” - đại tá Ngô Văn Đang chia sẻ.
Ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, những người lính nơi đây còn có nhiệm vụ “làm giàu” cho dân. Nghe qua thì khó hiểu, nhưng sau khi Chính ủy Hoàng Trọng Trang giải thích, chúng tôi mới biết đó là một nhiệm vụ khó khăn và đầy thử thách của những người lính Đoàn 356. Bà con dân tộc vùng biên bao đời nay chỉ biết trồng lúa cạn theo tập quán riêng, việc thuyết phục trồng lúa nước là vô cùng khó.
Bộ đội Đoàn 356 hướng dẫn dân bản trồng lúa nước.
Lãnh đạo Đoàn 356 đã phải làm đủ mọi cách mới thuyết phục được bà con trồng thử nghiệm, với cam kết: “Nếu mất mùa, bộ đội sẽ chịu trách nhiệm chu cấp cái ăn cho cả bản”.Bản Hoàng Thèn thuộc xã Vàng Ma Chải được chọn để trồng vụ lúa nước đầu tiên. Trong khi lúa bén rễ, hồi xanh thì gặp nạn ốc bươu vàng, toàn bộ 9,9ha lúa mất trắng.
Vụ đầu thất bại, cán bộ, chiến sỹ Đoàn 356 không nản chí, tiếp tục thuyết phục bà con trồng mới. Đất không phụ người, vụ đông xuân vừa qua, bản Hoàng Thèn thắng lớn, lúa thu hoạch đạt sản lượng cao chưa từng có. Trưởng bản Hoàng Thèn Lý A Gì mừng rỡ: “Bao nhiêu đời nay cả bản mới có nhiều thóc như vậy. Bây giờ nhờ bộ đội chỉ cho cái lối làm ăn thì không sợ đói nữa”.
Không chỉ dừng ở việc trồng lúa nước, các chiến sỹ Đoàn 356 còn nghiên cứu tìm địa hình thích hợp để nuôi cá hồi, cá tầm. Trang trại cá hồi của Đoàn 356 hiện đang có hàng nghìn con lớn nhỏ. “Tương lai đây sẽ là một trong những nơi nuôi cá hồi lớn nhất Tây Bắc”-Đoàn trưởng Ngô Văn Đang quả quyết.
Ngoài nhiệm vụ giúp bà con dân bản thoát cái đói cái nghèo, Đoàn 356 còn thực hiện nhiệm vụ bảo đảm sức khỏe, y tế trên địa bàn 8 xã biên giới. Trung úy quân y Nguyễn Đình Hân là người chịu trách nhiệm chính về lĩnh vực này, anh cho biết: “Bà con theo tập quán địa phương, ốm đau đều chạy đến cúng ma rừng cho nó ra khỏi người.
Chúng tôi đã phải lặn lội vào từng nhà tuyên truyền, thậm chí phải “rình” nhà nào có người ốm để thuyết phục họ khám bệnh”.Theo trung úy Hân, sự nguy hiểm nhất ở vùng biên giới này không phải là bệnh tật mà là lá ngón. Lá ngón ở Phong Thổ mọc nhiều hơn rau, đã có nhiều cái chết tức tưởi, lãng xẹt xảy ra với dân bản chỉ trong giây lát.
Từ ngày Đoàn 356 đóng quân trên địa bàn đã cấp cứu kịp thời, cứu sống hàng chục người dân tự tử bằng lá ngón. Sau nhiều vụ xảy ra, những chiến sỹ quân y đã phải trực tiếp đến từng bản làng “tuyên chiến” với độc dược “ma ngón” chết người này để giữ gìn sự bình yên cho bản.