Ca khúc “Sao cha không" đã từng gây xôn xao khi xuất hiện trong trailer chính thức của phim. Dẫu chỉ vỏn vẹn vài câu hát được lồng ghép trong phân cảnh Ba Sang (Trấn Thành) ngồi trên chuyến xe và nhìn ra xa xăm, nhưng chính giai điệu quá đỗi nhẹ nhàng và ca từ dung dị đã gây ấn tượng mạnh đến khán giả. Người hâm mộ lại càng mong đợi bản đầy ca khúc sau khi phim được công chiếu chính thức và thấm thía từng ca từ và giai điệu hoà quyện vào tình tiết của phim.
Trước sự mong mỏi đó, để gửi đến khán giả lời cảm ơn đã - đang dành sự ủng hộ lớn cho “Bố Già" bản điện ảnh, ê-kíp phim đã quyết định ra mắt đầy đủ ca khúc “Sao cha không". Ca từ của bản nhạc giống như “tâm thư chưa từng được tiết lộ” của con trai gửi đến bố của mình. Và chính sự mộc mạc, chân thành rất đặc trưng trong sáng tác của Phan Mạnh Quỳnh đã giúp câu chuyện của “Bố Già" bản điện ảnh tìm được sự đồng cảm và khiến bất kì ai cũng có thể thấy mình đâu đó trong đấy.
Chia sẻ về việc viết nên ca khúc này, Phan Mạnh Quỳnh cho hay: “Khoảng 2 năm trước, có dịp làm show chung, anh Thành có dành lời khen cho những bài Quỳnh viết và đặt vấn đề là sau này nếu anh Thành làm phim thì muốn Quỳnh viết một bài. Vốn rất quý anh Thành nên Quỳnh hứa sẽ tham gia. Anh Thành một người rất tài năng và luôn biết những điều mình muốn, làm việc với anh Thành vừa áp lực nhưng cũng rất thú vị. Giống như ca khúc này, anh Thành nói những điều muốn đưa vào trong bản OST - “Sao cha không”. Nhờ đó, Quỳnh biết mình phải làm gì để cân bằng giữa cảm xúc và ca từ sao cho phù hợp với phim. Chẳng hạn, đây là bài hát về một người cha tần tảo, giàu đức hy sinh, hay phiền phức nhưng rất mực thương con”.
Mặt khác, trong dòng cảm xúc mà những thước phim của “Bố Già” bản điện ảnh đem đến, Phan Mạnh Quỳnh cũng xúc động kể về kỉ niệm của bố mình: “Quỳnh may mắn được nghe qua câu chuyện của “Bố Già" bản điện ảnh, những tình tiết thực sự khắc sâu trong lòng Quỳnh. Mọi thứ khiến Quỳnh nhớ 3 điều về cha mình. Đầu tiên là hồi trẻ, cha Quỳnh trong một ban nhạc địa phương, chơi nhạc cùng các chú các bác trong nhà thờ và thỉnh thoảng là ngoài các đám cưới, bây giờ tất cả họ đều đã giải nghệ nhưng ký ức về những lần được đi theo cha đi tập nhạc đến giờ còn hiện rõ. Cha Quỳnh cũng đi bán kẹo do nhà làm ở các huyện khác. Thật tình thì Quỳnh không thích nghề đó lắm, nhưng Quỳnh luôn thấy biết ơn vì đó là thứ nuôi anh em Quỳnh khôn lớn”.
Bên cạnh sáng tác mang đến những thổn thức khó quên cho người nghe, Phan Mạnh Quỳnh cũng thẳng thắn chia sẻ suy nghĩ của mình về câu hỏi: liệu Phan Mạnh Quỳnh có tự tin làm nên một bản hit OST với “Bố Già" bản điện ảnh không? “Việc viết nhạc phim là điều Quỳnh yêu thích vì đó luôn là những dự án giúp mình có đủ thời gian để nghiên cứu những cách diễn đạt mới và khiến việc viết nhạc trở nên cảm hứng hơn. Quỳnh không dám cưỡng cầu chuyện hit hay không vì âm nhạc là câu chuyện của cảm xúc, không phải là tính toán xem có hit hay không vì mỗi bộ phim sẽ có khía cạnh khác nhau, Quỳnh chỉ làm những gì trong khả năng để truyền đạt cảm xúc về chuyện của “Bố Già" bản điện ảnh tốt nhất” - nam ca sĩ/nhạc sĩ bày tỏ.
Riêng Trấn Thành thừa nhận sáng tác của Phan Mạnh Quỳnh đã chạm đến những tình cảm đẹp đẽ nhất, đời nhất, tình nhất trong mối quan hệ cha - con, người thân trong “Bố Già” bản điện ảnh và giúp cho khán giả có sự đồng điệu lẫn kết nối. Với những nhân tố có sở trường mang đến những cung bậc cảm xúc đa khía cạnh như: Vũ Ngọc Đãng - người kể cảm xúc bằng hình ảnh, Trấn Thành - người tạo ra câu chuyện cảm xúc, Diệp Thế Vinh - người truyền tải cảm xúc qua những thước hình và Phan Mạnh Quỳnh - người thi vị hoá cảm xúc bằng giai điệu, cùng hai bản OST chính thức đã “ra trận" và chiếm nhiều thiện cảm của người hâm mộ, “Bố Già" bản điện ảnh sở hữu “tổ hợp" khiến khán giả không chỉ có những tràng cười thả ga mà còn là những khoảnh khắc rung động đến rơi nước mắt.
Bố Già phiên bản điện ảnh mang đến sự mới lạ trong tuyến truyện với nội dung hoàn toàn khác, có một số phận khác, một người bố khác, một đứa con khác với một phiên bản đẹp hơn, hoàn hảo hơn, lắng đọng, cô đặc và chất lượng hơn. Khán giả sẽ tìm thấy được câu chuyện cho chính bản thân mình, sẽ thấy được hình ảnh của bố mẹ mình trong đó với thông điệp nhắn gửi: “Chúng ta hãy kiên nhẫn và có góc nhìn thông cảm cho nhau giữa hai thế hệ”.
Xin mời nghe OST “Sao cha không" của Phan Mạnh Quỳnh:
Bảo Ngọc / TC Gia đình & Trẻ em