Trong hai quyết định ký chiều nay, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia, nêu rõ hai tổ công tác có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng chỉ đạo việc xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi năm 2018 tại Hội đồng thi Sở Giáo dục Lạng Sơn và Sơn La.
Tổ công tác gồm cán bộ Cục Quản lý chất lượng, Thanh tra Bộ Giáo dục và A83 Bộ Công an. Ngày mai, hai tổ này sẽ tới hai địa phương bắt đầu công việc.
Tỉnh miền núi Sơn La có điểm trung bình tất cả môn thi THPT quốc gia là 4,21, thấp nhất cả nước. Điểm trung bình môn Toán, Địa lý, Giáo dục Công dân xếp cuối cùng trong 63 tỉnh thành; Ngoại ngữ, Vật lý đứng thứ 62; Ngữ văn, Hóa học, Lịch sử thứ 61 và Sinh học thứ 51.
Tuy nhiên, tỷ lệ thí sinh Sơn La đạt điểm từ 9 trở lên với môn Toán và Vật lý vượt xa một số địa phương có truyền thống học tốt. Riêng môn Toán, Sơn La có 30 em đạt điểm từ 9 trở lên môn Toán, chiếm gần 0,3%. Trong khi tỷ lệ này ở TP HCM, Hà Nội và Nam Định lần lượt là 0,04; 0,1 và 0,06.
Ở môn Vật lý, Sơn La có 13 em đạt điểm từ 9 trở lên, chiếm 0,97% trên tổng số gần 1.340 thí sinh dự thi. Trong khi đó, với số bài thi gấp hơn 37 lần (49.680), TP HCM chỉ có 39 điểm từ 9 trở lên, chiếm khoảng 0,08%, kém Sơn La 12 lần.
Tỉnh Lạng Sơn bị nghi vấn khi 35 thí sinh tự do thi cùng một điểm trường ở thành phố có điểm các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử cao bất thường. Đề thi Lịch sử và Ngữ văn được đánh giá là khó, điểm thi của phần lớn thí sinh thấp, nhưng tổng điểm của nhóm này đều trong ngưỡng 24-27.
Như vậy chỉ trong một tuần, Bộ Giáo dục đã phải thành lập ba tổ công tác xác minh dấu hiệu bất thường trong điểm thi THPT quốc gia của ba tỉnh miền núi phía Bắc. Tỉnh Hà Giang, theo công bố của Hội đồng chấm thẩm định ngày 17/7, có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi được nâng điểm. Mức nâng các môn từ 1 đến 29,95 so với điểm chấm thẩm định.
Căn cứ quy chế thi THPT quốc gia, Hội đồng quyết định kết quả chấm thẩm định được sử dụng thay thế cho toàn bộ kết quả chấm thi trắc nghiệm do Hội đồng thi Sở Giáo dục công bố ngày 11/7. Điểm thi này dùng để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp năm 2018.
Tối 17/7, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công an phối hợp Bộ Giáo dục điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm về điểm thi THPT quốc gia.
Năm 2018, cả nước có hơn 900.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia với hai mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Thí sinh làm 5 bài thi, trong đó có 4 bài bắt buộc để xét tốt nghiệp, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một trong hai bài tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), hoặc Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học). Trừ Ngữ văn thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm.
Việc tổ chức thi, chấm thi được giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương chủ trì, với sự giám sát của các trường đại học.
Theo Quỳnh Trang/Vnexpress.net