Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi một số nội dung Nghị quyết 42

(Dân sinh) - Quá trình thực hiện chính sách, các địa phương luôn bám sát vào mục tiêu, nguyên tắc của Nghị quyết 42/NQ-CP là hỗ trợ cho các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các địa phương gặp một số vướng mắc và Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi một số nội dung trong Nghị quyết.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, so với dự kiến ban đầu số lượng đối tượng thụ hưởng của chính sách hỗ trợ người lao động còn ít, trong đó tập trung vào 3 nhóm đối tượng sau: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương tại doanh nghiệp; Người sử dụng lao động vay Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương cho người lao động bị ngừng việc; hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm.

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất một số nội dung sửa đổi Nghị quyết 42 - Ảnh 1.

Người lao động tự do tại Hà Đông (Hà Nội) nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh 62 nghìn tỷ đồng.

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện việc hỗ trợ các nhóm đối tượng, theo phản ánh của nhiều địa phương, cơ quan doanh nghiệp, một số chính sách hỗ trợ cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người lao động được tiếp cận chính sách, đồng thời cần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quá trình xác lập hồ sơ đề nghị của các đối tượng thụ hưởng. Do đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, tại khoản 1 mục II: Thay từ "doanh nghiệp" bằng từ "người sử dụng lao động" để có thể mở rộng đối tượng thụ hưởng tới các chủ thể khác ngoài doanh nghiệp như trường học, tổ chức, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh, cá nhân có sử dụng lao động. Sửa cụm từ "không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương" thành "doanh thu quý I năm 2020 giảm 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc so với cùng kỳ năm 2019" để người sử dụng lao động tiếp cận tốt với chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Bổ sung nội dung: "Thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được tính từ ngày 23 tháng 01 năm 2020 đến ngày 01 tháng 6 năm 2020". Vì trong thực tế có các trường hợp người lao động đã thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động từ trước ngày 1/4/2020, quy định như trên nhằm tránh bỏ sót đối tượng trong quá trình tổ chức thực hiện (Ví dụ, người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động từ tháng 2 - 5/2020), việc hỗ trợ cho người lao động vẫn thực hiện tính từ ngày 1/4/2020 và không quá 3 tháng.

Cụ thể sửa đổi khoản này như sau: "Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do người sử dụng lao động gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19, có doanh thu quý I năm 2020 giảm 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc so với cùng kỳ năm 2019 thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1/4/2020 và không quá 3 tháng. Thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được tính từ ngày 23/1 – 1/6/2020".

Tại khoản 2 mục II, đề nghị sửa cụm từ "người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính" thành "người sử dụng lao động có doanh thu quý I năm 2020 giảm 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc doanh thu tại thời điểm xét hưởng giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019". Lược bỏ nội dung "đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 Điều 98 của Bộ luật lao động" để người sử dụng lao động chủ động trong việc chi trả tiền lương cho người lao động.

Sửa cụm từ "trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020" thành "trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2020" để tiếp tục hỗ trợ cho người sử dụng lao động đến hết năm 2020 bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách.

Lược bỏ nội dung "để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc" bởi trong thực tiễn quy định này làm phát sinh thủ tục trong quá trình giải ngân của Ngân hàng, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc linh hoạt các nguồn kinh phí để trả lương ngừng việc nhằm giữ chân người lao động.

Cụ thể sửa đổi khoản này như sau: "Người sử dụng lao động có doanh thu quý I năm 2020 giảm 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc doanh thu tại thời điểm xét hưởng giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động ngừng việc trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2020 theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 6 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội".

Tại khoản 3 mục II, đề nghị bổ sung nội dung và sửa đổi như sau: "Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 theo quyết định của các cấp có thẩm quyền được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng."

Việc bổ sung làm rõ nội dung hộ kinh doanh bị tạm ngừng theo quyết định của các cấp có thẩm quyền sẽ giúp cho các địa phương chủ động hơn trong công tác xét duyệt hồ sơ thẩm định và thống nhất thực hiện trong cả nước.

Trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp trong nước cũng đã thực hiện tối ưu hóa các nguồn lực, việc nghiên cứu, sửa đổi Nghị quyết 42/NQ-CP theo hướng phù hợp hơn với điều kiện thực tế hiện nay là cần thiết, giảm bớt thủ tục chứng minh tình hình tài chính của người sử dụng lao động, giúp người sử dụng lao động tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn tín dụng (khoảng 16.000 tỷ đồng) để thực hiện hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động, giúp người lao động giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và giúp người sử dụng lao động (doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình...) nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh.