Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, từ năm 2020 đến nay Việt Nam đã trải qua các đợt dịch COVID-19 với quy mô, địa bàn và mức độ lây lan rộng, phức tạp và khó lường hơn. Đặc biệt, đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay là đợt dịch nghiêm trọng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, tác động mạnh đến việc làm, thu nhập, đời sống của người dân, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, nhất là trong khu vực cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội. Năm 2021, thị trường lao động bị tác động tiêu cực theo nhiều chiều hướng: nguồn cung lao động suy giảm do người lao động e sợ dịch bệnh nên đã tạm thời rút khỏi thị trường; Số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, Tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp làm tăng cao.
Do tác động của đại dịch COVID-19 đã có sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh gây ra nguy cơ thiếu hụt lao động cho khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh tại các khu vực kinh tế trọng điểm. Trước tình hình đó, Quốc hội, Chính phủ đã thông qua các Nghị quyết ban hành chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang ở thuê, ở trọ, có quan hệ lao động, làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm.
Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 Quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Mục tiêu chính của chính sách là góp phần phục hồi thị trường lao động qua việc hỗ trợ, thu hút lao động quay lại thị trường, chia sẻ, hỗ trợ cho người lao động còn khó khăn về nhà ở yên tâm làm việc; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh giữ chân người lao động để phục hồi sản xuất kinh quanh, góp phần phục hồi kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ.
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, quan điểm khi xây dựng chính sách là phải bảo đảm các nguyên tắc, cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ nhằm hỗ trợ đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, phát huy vai trò, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong việc thực hiện chính sách.
“Với khoảng 3,4 triệu lao động được hưởng lợi từ chính sách này, việc triển khai thực hiện chính sách vừa phải đảm bảo thủ tục nhanh gọn, vừa tuân thủ quy định sử dụng tiền ngân sách, tránh trục lợi chính sách. Do đó, người lao động phải tự chịu trách nhiệm làm đơn và được doanh nghiệp phải xác nhận, có sự kết nối, rà soát qua cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an . Thủ tục đơn giản nhất có thể nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định”, ông Vũ Trọng Bình nhấn mạnh.
Tại buổi họp báo, đại diện Bộ Công an cũng cho biết, việc kế nối với cơ sở dữ liệu dân cư sẽ tránh được việc trùng lặp, một đối tượng hưởng chính sách nhiều lần.
Đại diện cơ quan BHXH Việt Nam khẳng định cơ quan này sẽ triển khai thực hiện rất nhanh theo hướng sẽ thực hiện giao dịch điện tử, hạn chế hồ sơ giấy. “Chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị của Bộ LĐ-TB&XH tham mưu, hướng dẫn các địa phương để đảm bảo chi trả cho người lao động kịp thời, đúng thời hạn theo quy định”.
Đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng cho biết, với chức năng giám sát, cơ quan này sẽ có văn bản yêu cầu công đoàn cơ sở giám sát việc thực hiện để khi tiền từ tỉnh về doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải chi trả kịp thời cho người lao động.
Kết luận buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhấn mạnh, việc triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động không chỉ là để hỗ trợ người lao động mà còn là hỗ trợ doanh nghiệp “giữ chân” người lao động, do đó, doanh nghiệp cần phải làm rất nhanh và chi trả ngay khi nhận được tiền ngân sách. Quyết định của Chính phủ cũng đã đã giao cho các cơ quan phối hợp triển khai thực hiện và giám sát như BHXH Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Ông Lê Văn Thanh cũng nhấn mạnh, để triển khai chính sách nhanh và hiệu quả thì trách nhiệm của chính quyền địa phương rất quan trọng, đặc biệt là vai trò của cấp tinh, cấp huyện, cấp xã, cơ quan công an. Trong quá trình triển khai nếu có vấn đề phát sinh vướng mắc thì sẽ tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh cho phù hợp
“Bộ LĐ-TB&XH sẽ kiểm tra, đôn đốc chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động sớm nhất.”- Thứ trưởng Lê Văn Thanh khẳng định.
Quyết định 08/2022-QĐ-TTg quy định:
Hỗ trợ người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp
Cụ thể, Quyết định quy định người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:
1- Ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/2/2022 đến ngày 30/6/2022.
2- Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên được giao kết và bắt đầu thực hiện trước ngày 1/4/2022.
3- Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của cơ quan bảo hiểm xã hội) tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Trường hợp người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc thì phải có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp của tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện trên thì được nhà nước hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng. Phương thức chi trả hằng tháng.
Hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động
Quyết định quy định người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:
1- Ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2022 đến ngày 30/6/2022.
2- Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên được giao kết và thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2022 đến ngày 30/6/2022, trừ hợp đồng lao động giao kết tiếp nối của hợp đồng lao động đã giao kết và thực hiện trước đó.
3- Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của cơ quan bảo hiểm xã hội) tại tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Trường hợp người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động mới tuyển dụng và có giao kết hợp đồng lao động nhưng chưa có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của cơ quan bảo hiểm xã hội thì phải có tên trong danh sách trả lương của người sử dụng lao động của tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Mức hỗ trợ áp dụng cho đối tượng này là 1.000.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng. Phương thức chi trả hằng tháng.