Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bộ LĐTBXH họp Hội nghị triển khai công tác xây dựng thể chế năm 2020

 
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
 
Kết quả xây dựng thể chế năm 2019

Trong năm 2019, Bộ LĐTBXH có nhiệm vụ xây dựng 02 dự án luật, pháp lệnh; 01 hồ sơ đề nghị luật; 16 văn bản, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 02 Hồ sơ phê chuẩn công ước và 27 Thông tư.
 
Nổi bật là việc Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), phê chuẩn gia nhập Công ước số 98, thông qua hồ sơ đề nghị Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Chủ tịch nước ban hành Quyết định gia nhập Công ước 159 và Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây đều là những dự án luật, pháp lệnh lớn, có tác động sâu rộng đến nhiều đối tượng và có ảnh đến cả mặt kinh tế, chính trị và xã hội, góp phần thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo sự ổn định và phát triển xã hội.
 

Ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế phát biểu tại Hội nghị.
 
Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của hoạt động xây dựng thể chế, lãnh đạo Bộ, đặc biệt là Bộ trưởng luôn xác định đây là nội dung trọng tâm, nên đã dành sự quan tâm đặc biệt, quyết liệt, sát sao trong việc chỉ đạo thực hiện công tác này; dành thời gian, kịp thời cho ý kiến và trực tiếp xử lý các vấn đề cần giải quyết trong quá trình triển khai thực hiện. 
 
Các đơn vị trong Bộ phối hợp chặt chẽ với nhau và với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, đặc biệt là Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng.
 
Từng đơn vị, cán bộ, công chức được giao phụ trách soạn thảo văn bản có ý thức trách nhiệm cao, có kế hoạch và tổ chức soạn thảo nghiêm túc, không ngại khó, ngại khổ, luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá năm 2019 là năm đột phá về công tác xây dựng thể chế của Bộ LĐTBXH, được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, gần đây nhất là Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao, thậm chí có nội dung được Chủ tịch Quốc hội khẳng định là dấu ấn lịch sử của Ngành trong tham mưu đối với Đảng và Nhà nước, tạo ra bước tiến dài cho sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì công tác xây dựng thể chế vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Một số đơn vị còn lúng túng trong việc thực hiện quy trình xây dựng văn bản dẫn đến hồ sơ trình chưa đảm bảo chất lượng, phải chỉnh sửa và trình lại nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ. Tình trạng chậm trình văn bản vẫn còn, đăng ký thời gian ban hành văn bản chưa hợp lý. Một số đơn vị có sự thay đổi về lãnh đạo phụ trách và cán bộ đầu mối, do đó, ảnh hưởng đến tiến độ cũng như chất lượng xây dựng văn bản.
 
Phương hướng và nhiệm vụ năm 2020

Ngày 02/01/2020, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đã có Quyết định số 03/QĐ-LĐTBXH ban hành Chương trình công tác năm 2020 của Bộ LĐTBXH. Tổng số có 96 đề án, bao gồm: 01 dự án luật; 01 hồ sơ gia nhập công ước; 46 đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 23 Thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng và 25 đề án trong chương trình dự bị. Cụ thể: Trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10 đối với dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Trình Chính phủ trình Chủ tịch nước để Chủ tịch nước trình Quốc hội gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức; Phối hợp với cơ quan thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự án pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi); Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 15 Nghị định, Quyết định và ban hành theo thẩm quyền 7 Thông tư để quy định chi tiết Bộ luật lao động (sửa đổi); Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành định kỳ 10 nghị định và 20 quyết định, đề án khác; Ban hành theo thẩm quyền 16 thông tư; Nghiên cứu, xây dựng 25 đề án trong chương trình dự bị của Bộ và trình ban hành khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định.
 
Có thể thấy, chương trình xây dựng văn bản năm 2020 của Bộ LĐTBXH tăng đột biến về số lượng và có thời hạn trình gấp, trong đó có nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành có nội dung mới, chưa có tiền lệ hoặc rất phức tạp như: quy định về tổ chức đại diện của người lao động, thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động trong bối cảnh mới, quy định về chính sách bình đẳng giới và lao động nữ,…
 
Phải có quyết tâm chính trị và nỗ lực cao hơn trong xây dựng thể chế
 
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng thể chế trong năm 2020, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các đơn vị phải có quyết tâm chính trị và nỗ lực cao hơn. 
 
Những người đứng đầu cần nhận thức một cách đầy đủ hơn, trách nhiệm hơn, gắn bó với các cơ quan trong và ngoài Ngành để phối hợp công việc một cách nhịp nhàng, ăn ý và hiệu quả.
 
 
Ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công phát biểu tại Hội nghị.
 
Trước hết, các đơn vị cần bám sát Quyết định 03 của Bộ trưởng, chú trọng tập trung cao cho Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) theo hướng đây là một hợp tác lao động; Pháp lệnh Ưu đãi người có công vì đây là vấn đề lớn, đụng chạm đến tâm linh, liên quan đến người có công và thân nhân của họ, tinh thần từ nay đến tháng 8 chúng ta phải trình toàn bộ nghị định liên quan đến điều chỉnh chính sách người có công trong năm 2020 và Dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công; Vấn đề tiền lương, trong đó nổi bật 3 vấn đề là cải cách chính sách tiền lương, nhất là tại khu vực doanh nghiệp, vấn đề lương của người nghỉ hưu, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, tất cả những vấn đề này cần nghiên cứu rõ, bài bản, đánh giá tác động kỹ lưỡng, lấy ý kiến xã hội rộng rãi để có thể giải quyết thấu đáo.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Chúng ta có 14 Nghị định, 01 Quyết định và 8 Thông tư liên quan đến Bộ luật lao động (sửa đổi) phải trình Chính phủ trước ngày 15/11/2020, để có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Để kịp tiến độ, Bộ trưởng đề nghị Vụ Pháp chế ngay trong tuần tới tổ chức một cuộc họp chuyên đề về Bộ luật Lao động, Bộ trưởng sẽ đích thân chủ trì.
Giảm nghèo bền vững trong thời kỳ mới, giai đoạn 2021-2025 phải tiếp cận được những tiêu chí mới, các yêu cầu hội nhập quốc tế, các cam kết đã đề ra. Cùng với đó là vấn đề việc làm, an sinh bền vững, để có một chương trình mới đầy đủ hơn, thiết thực hơn và hiệu quả hơn.
 
Chiến lược phát triển của Ngành trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, dự báo thị trường lao động, hình thành thị trường lao động lành mạnh và đồng bộ, phát triển theo hướng hội nhập quốc tế... là những vấn đề nền tảng, bản lề cho sự phát triển của Ngành.
 
Do đó, Bộ trưởng yêu cầu tập trung giải quyết các vấn đề điểm nghẽn, từ nay đến 2025, nhiệm vụ chính của Ngành là phải xây dựng được một thị trường lao động tại Việt Nam phát triển theo hướng đồng bộ, lành mạnh, hiện đại, hội nhập, trong đó điểm mấu chốt là vấn đề giáo dục nghề nghiệp, việc làm và sử dụng lao động sau khi đi nước ngoài về,… 
 
Mặt khác, Bộ trưởng cũng lưu ý các đơn vị chú trọng vấn đề phát triển bao trùm, bền vững, nhất là cho các đối tượng yếu thế trong xã hội.
 
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Thủ trưởng các đơn vị phải bám sát nhiệm vụ của mình. Các đơn vị cần hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ, chú ý đến vấn đề đánh giá tác động, trong đó lưu ý phải tương thích với luật pháp và các công ước quốc tế. Cơ quan được giao phụ trách là cơ quan chủ trì; chịu trách nhiệm về mặt pháp lý là Vụ Pháp chế. Tăng cường phối hợp nội bộ và với các đơn vị có liên quan ngoài bộ. Chú ý phát huy vai trò của các chuyên gia trong và ngoài Ngành. Chú ý công tác tuyên truyền, trước, trong và sau trong quá trình phổ biến chính sách pháp luật.

Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc, chủ động rà soát lại các văn bản. Cụ thể, Bộ trưởng giao cho Vụ Pháp chế giúp Bộ trưởng theo dõi quá trình thực thi công việc này. Thứ trưởng Lê Văn Thanh trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công việc để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ xây dựng thể chế pháp luật của Ngành năm 2020.

Bài: Thanh Huyền - Ảnh: Anh Tuấn/GĐ&TE