Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH; đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội… cùng các đồng chí Lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch Nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội; Lãnh đạo các ban Đảng Trung ương, lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội; Lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; Các đồng chí là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố, Lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Tại điểm cầu địa phương có đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm thứ tư liên tiếp, Bộ tiếp tục hoàn thành 100% kế hoạch
Năm 2019, là năm thứ tư liên tiếp Bộ tiếp tục hoàn thành 100% kế hoạch trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (trình 22/22 đề án); trong đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 01 Bộ luật, ban hành 01 Nghị quyết gia nhập Công ước; Chủ tịch nước Ban hành 01 Quyết định gia nhập Công ước; Chính phủ ban hành 04 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 Quyết định. Đặc biệt, Bộ luật Lao động được thông qua với 17 chương, 220 điều, đã có nhiều sửa đổi, bổ sung lớn, quan trọng, sẽ có khoảng 14 nghị định, 01 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 7 thông tư của Bộ LĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật, được Quốc hội thông qua với số phiếu biểu quyết tán thành là 90,06%.
Hoàn thành trong hạn 91/91 nhiệm vụ (đạt 100%) do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ. Việc làm cho người lao động được giải quyết ngày càng nhiều hơn (trên 1,6 triệu người, đạt 103,2% kế hoạch); chất lượng và hiệu quả dạy nghề ngày càng được nâng lên (tuyển sinh đạt trên 2,33 triệu người, đạt 103,5% kế hoạch); giảm nghèo đạt kết quả tích cực, dự kiến đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn dưới 4% (giảm 1-1,5% so với cuối năm 2018). Qua hơn 3 năm triển khai đã rà soát, xem xét trên 6.000 hồ sơ tồn đọng (giải quyết chế độ hoặc trả lời đối với những hồ sơ không đủ điều kiện 100% số hồ sơ rà soát tại thời điểm ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH), trong đó đã xác nhận trên 2.000 liệt sĩ, trên 2.600 thương binh, những hồ sơ không đủ điều kiện cũng đã kết luận và giải thích thấu tình đạt lý cho đối tượng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, thách thức như: Công tác quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam vẫn còn hạn chế; chất lượng giáo dục nghề nghiệp chuyển biến chậm, chưa thật sự gắn với nhu cầu xã hội. Tình trạng trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa được khắc phục hiệu quả. Đời sống của đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn. Còn những biểu hiện tiêu cực, suy thoái đạo đức lối sống gây bức xúc, nhất là tình trạng xâm hại trẻ em, phụ nữ, bạo lực gia đình. Vẫn xảy ra nhiều vụ trẻ em bị tai nạn, đuối nước. Tệ nạn ma túy, mại dâm ở nhiều nơi vẫn diễn biến phức tạp,…
Tại Hội nghị, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá các kết quả đạt được trong năm 2019, phân tích những tồn tại hạn chế, làm rõ những nguyên nhân và bàn các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để triển khai nhiệm vụ năm 2020 một cách có hiệu quả và đồng bộ; Tập trung tham gia bàn các giải pháp mang tính trọng tâm, ưu tiên để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành; đó là công tác xây dựng thể chế: tập trung thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các nhiệm vụ được giao, đặc biệt tập trung triển khai thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội, xây dựng các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động để Bộ luật kịp thời đi vào cuộc sống.
Phát triển thị trường lao động, chú trọng công tác hướng nghiệp, dự báo, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cung - cầu; triển khai thực hiện chính sách việc làm công, hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp; mở rộng thị trường lao động ngoài nước; Gắn kết chặt chẽ phát triển giáo dục nghề nghiệp với phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động và đáp ứng yêu cầu phát triển.
Tiếp tục rà soát, giải quyết hiệu quả chính sách hỗ trợ người có công, bảo đảm công khai, minh bạch; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm. Phát triển hệ thống an sinh xã hội hiệu quả, bền vững, không bao cấp tràn lan. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng chống bạo lực gia đình, học đường, xâm hại trẻ em,...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hy vọng và tin tưởng rằng, với tinh thần làm việc tích cực nhất, Hội nghị sẽ đề xuất được những sáng kiến, giải pháp kịp thời, phù hợp nhằm triển khai các chính sách của ngành trong năm 2020 một cách hiệu quả nhất.
Hoàn thành 100% các đề án, nhiệm vụ được giao trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động với nhiều điểm mới và thay đổi nhằm bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của cả người lao động và người sử dụng lao động; thực hiện đúng chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phù hợp hơn với các cam kết, thông lệ quốc tế về lao động; Các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành đều đạt và vượt kế hoạch, có bước tiến so với năm 2018.
Thảo Vân - Thùy Hương (thực hiện)/ GĐTE