Thanh Hóa là tỉnh lớn, dân số đông, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp với số lượng lao động tập trung. Những năm gần đây, Thanh Hóa có sự phát triển lớn. Các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để thu hút các nhà đầu tư vào Thanh Hóa, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, thu hút lao động và giải quyết việc làm rất lớn cho người lao động.
Trước một số ý kiến cho rằng nên giảm số giờ làm việc xuống 44 giờ/tuần. Tổng giám đốc Công ty công trình giao thông 1 Thanh Hoá cho biết: "Ở Việt Nam hiện nay đang có hai khung giờ làm việc. Đối với đơn vị hành chính sự nghiệp thực hiện mức 40 giờ/tuần; đối với đơn vị sản xuất kinh doanh là 48 giờ/tuần. Trước mắt giữ nguyên thời giờ làm việc bình thường như quy định của Bộ luật hiện hành, đồng thời đề nghị bổ sung, quy định rõ trong luật, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện giảm giờ làm việc xuống dưới 48 giờ/tuần. Tăng cường cơ chế thương lượng tập thể về việc giảm giờ làm việc bình thường tại doanh nghiệp. Chính phủ,căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội, có lộ trình điều chỉnh giảm giờ làm việc bình thường vào thời điểm thích hợp theo quy định tại Khoản 1 Điều 105 của dự thảo Bộ luật".
Ông Vũ Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Báo cáo tổng kết đánh giá thi hành Bộ luật lao động năm 2012 của các cấp Công đoàn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho thấy, tình trạng doanh nghiệp tổ chức làm thêm quá số giờ quy định còn khá phổ biến, nhất là những doanh nghiệp hoạt động trong ngành giầy da, may mặc, chế biến thủy sản, gia công hàng xuất khẩu. Hầu hết các doanh nghiệp đều tận dụng tối đa số giờ làm thêm được pháp luật cho phép, có doanh nghiệp làm thêm vượt gấp hai hoặc ba lần. Việc tăng giờ làm thêm trong tình trạng ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp còn thấp, công tác quản lý nhà nước về lao động còn nhiều hạn chế, bất cập, người sử dụng lao động sẽ tận dụng tối đa chính sách và cố tình vi phạm pháp luật lao động thì người lao động sẽ bị vắt kiệt sức lao động trong thời kỳ sức khỏe lao động tốt nhất. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người lao động, số vụ tai nạn lao động có thể gia tăng".
"Qua kết quả thăm khám sức khỏe định kỳ hàng năm tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho thấy, một số dấu hiệu của việc giảm sút sức khỏe phổ biến ở người làm thêm giờ như: đau lưng, đau đầu, đau vai, mỏi mắt… nguy cơ dẫn đến bệnh nghề nghiệp gia tăng, làm hạn chế đến hiệu quả chính sách an sinh xã hội trong tương lai. Vì vậy, Bộ luật Lao động sửa đổi bổ sung lần này quy định trần làm thêm giờ tối đa theo tháng là không quá 40 giờ; đồng thời, quy định rõ trong luật các lĩnh vực, trường hợp đặc biệt được làm thêm đến 400 giờ/năm, bao gồm: dệt may, da giày, chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử và trong những trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách không thể trì hoãn theo quy định của Chính phủ là phù hợp với yêu cầu thực tiễn", ông Vũ Anh Tuấn cho biết thêm.
Theo Bộ luật Lao động sửa đổi, việc quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tiến hành rà soát bước đầu 1.810 nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm làm căn cứ để xác định nhóm người lao động được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn.
Ông Vũ Anh Tuấn cho biết: "Từ rà soát đầu việc nghề để có lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cho phù hợp với từng đối tượng người lao động là xu hướng tất yếu và cũng phù hợp với thực tế hiện nay. Vì vậy, mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu lần này Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã xem xét đến các yếu tố: đối tượng, lĩnh vực nghề và đã được thiết kế linh hoạt hơn, đặc biệt là quan tâm đến các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số nghành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật".
"Vì vậy, trong Bộ luật Lao động sửa đổi chủ trương điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung để thể chế hóa quan điểm của Đảng với mục tiêu lâu dài nhằm chủ động ứng phó với xu hướng già hóa dân số diễn ra nhanh của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động là xu hướng tất yếu và phù hợp", ông Vũ Anh Tuấn nhấn mạnh.