Theo đó, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa và các chuyên gia đã xác định về nguyên nhân xảy ra sự cố là do đoạn kênh bị vỡ nằm trên nền địa chất có cấu trúc phức tạp, một bên là núi, một bên là suối, đất đào và đất đắp không đồng nhất; đặc biệt đây là đoạn kênh đắp nổi, chiều cao lớn (khoảng 6-7m), nằm trên lớp đá phong hóa và có cung trượt phức tạp.
Từ nguyên nhân trên, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra giải pháp trước mắt: Giao đơn vị quản lý khai thác khẩn trương khắc phục ngay sự cố, đảm bảo đủ điều kiện cấp nước phục vụ sản xuất vụ xuân năm 2021 đúng thời vụ. Đồng thời cần nhanh chóng phối hợp với chính quyền địa phương để rà soát, đánh giá, đền bù thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố gây ra.
Về lâu dài, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu, các đơn vị quản lý, vận hành thực hiện việc đánh giá lại toàn bộ tuyến kênh chính, cũng như công trình đầu mối, kịp thời phát hiện các vấn đề có nguy cơ, tránh xảy ra sự cố tương tự. Mặt khác, rà soát quy trình vận hành, chế độ bảo dưỡng, sửa chữa, duy tu và các điều kiện địa chất khí hậu và chế độ thủy văn, thủy lực tác động đến hệ thống.
Trước đó, khoảng 9h45 phút ngày 27/12, kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã đoạn qua địa phận thôn Minh Lãi (xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc) bất ngờ bị đứt gãy , tụt sâu khoảng 1,5-2 m. Trước sự việc trên, Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 3 đã thông báo cho chính quyền địa phương, đồng thời huy động lực lượng lập hàng rào, cắm biển cảnh báo để người dân được biết để phòng tránh.
Kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 370 km, tổng vốn đầu tư hơn 4.300 tỉ đồng. Công trình bắt đầu xây dựng vào năm 2014 và đưa vào vận hành năm 2016, phục vụ nước tưới cho hơn 31.000 ha đất nông nghiệp.