Sẽ phải thay hết tủ quần áo
Một nữ nhà văn đang làm việc tại một tòa soạn báo trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thốt lên như vậy khi đề cập đến những quy định của Bộ quy tắc về trang phục của công chức, “Nếu đòi hỏi tất cả trang phục đều phải là váy áo có cổ thì chắc tôi sẽ phải thay cả tủ quần áo bởi tôi thường hay mặc váy, không phải váy ngắn mà dài đến gối, rất lịch sự, tuy nhiên, đa phần đều là cổ tròn, cổ tim bởi hầu hêt các hãng thời trang đểu thiết kế loại cổ đó cho các loại váy áo, bởi nó vừa nhẹ nhàng, lại phù hợp với thời tiết nóng bức của Hà Nội… ”
Cũng đặt câu hỏi về tính khả thi của quy định này, một nhân viên nữ làm việc tại một Ngân hàng tại Hà Nội thì cho biết, chị thường hay dùng nước hoa, trước những quy định mới này thì chị cũng không hiểu việc sử dụng nước hoa, mỹ phẩm như thế nào thì được coi là phù hợp. Ai sẽ là người kiểm tra công chức có xăm hình hay không và sử dụng nước hoa thế nào là đúng…
Được biết, Bộ quy tắc ứng xử này đã được Sở Văn hóa- Thể thao Hà Nội khởi động từ năm 2012, cuối năm 2014, dự thảo này được đưa ra lấy ý kiến đã vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Một số ý kiến cho rằng,chúng ta đã có Luật Cán bộ công chức, riêng Hà Nội thì có Luật Thủ đô… Vậy cớ sao phải thêm một bộ quy tắc ứng xử nữa cho thêm phần rối rắm? Theo ý kiến của các chuyên gia và nhiều người dân, Hà Nội chỉ cần tập trung làm nghiêm các quy định đã có thì văn hoá công sở, văn minh đô thị đã tốt lên nhiều lần rồi. Thay vì ra một bộ quy tắc gây nhiều tranh cãi thì Hà Nội nên làm mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các loại văn bản pháp luật, tăng cường ý thức cho mỗi cán bộ công chức và xử lý nghiêm những người cố tình vi phạm.
Cần mềm dẻo, linh hoạt cho phù hợp với nhiều đối tượng
Kết quả cuộc điều tra thực trạng văn hóa ứng xử tại các cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, nơi công cộng và khu dân cư ở Hà Nội, do Khoa Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Sở Văn hóa Hà Nội thực hiện mới đây cho thấy, 88% số người được hỏi cho rằng cán bộ lãnh đạo có hành vi ứng xử không phù hợp; 95% cho rằng công chức, viên chức ứng xử không phù hợp. Do vậy, nhiều ý kiến ủng hộ quan điểm việc Ban hành Bộ quy tắc ứng xử là cần thiết. Tuy nhiên, Bộ quy tắc cần mềm dẻo, linh hoạt bởi nếu những quy định quá cứng nhắc sẽ khó đi vào đời sống
Cán bộ công chức phải ăn mặc lịch sự, cử chỉ nghiêm túc, tôn trọng người giao tiếp
TS Nguyễn Hữu Tri, Viện trưởng Viện Đào tạo nghiên cứu về tổ chức và hành chính, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thì cho rằng cần có những quy định cụ thể cho từng cơ quan, công việc bởi mỗi cơ quan có công việc, hoạt động khác nhau. Chẳng hạn, quy định cán bộ, công chức không nên xăm hình lên người là phù hợp. Riêng về trang phục, không được quá phản cảm nhưng không cứng nhắc, phải đa dạng, tùy thuộc quan điểm từng người và đặc trưng từng cơ quan.
Trước khá nhiều ý kiến trái chiều về Bộ quy tắc, tại Hội nghị giao ban về công tác cải cách hành chính của thành phố, Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh bộ quy tắc trên mang tính chất khuyên người dân và công chức nên thực hiện, chứ không phải bắt buộc.
“Đấy là nếp văn hóa của cán bộ, công chức Hà Nội. Nhưng làm thế nào thì trong tập thể phải khuyên bảo nhau. Thành phố cũng từng hướng dẫn cán bộ, công chức những chi tiết nhỏ như cách trả lời điện thoại người dân như thế nào cho đúng mực. Những việc đó tuy nhỏ nhưng không bao giờ thừa. Chúng ta muốn phục hồi, nâng cao chất văn hóa, bản chất thanh lịch của người Hà Nội, hơn ai hết cán bộ, công chức phải làm gương. Bởi nếu không làm gương thì nói không ai nghe”, ông Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Bộ quy tắc được áp dụng cho công chức đang làm việc trong các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố Hà Nội gồm một số quy định như: Về trang phục, công chức, viên chức phải sử dụng trang phục công sở lịch sự (mặc áo có ống tay, cổ áo; mặc váy dài đến gối), đầu tóc gọn gàng, không xăm hình, vẽ hình phản cảm, sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phù hợp. Về tác phong, tư thế, cử chỉ của công, viên chức phải nghiêm túc, thái độ lịch sự, tôn trọng người giao tiếp, ngôn ngữ giao tiếp chuẩn mực, mạch lạc, không nói tục. Không hút thuốc; không sử dụng đồ uống có cồn; không hát karaoke trong giờ làm việc; không đeo tai nghe, bật nhạc, nghe nhạc, xem tivi, nghe đài, chơi điện tử trong giờ hành chính Không lưu giữ, phát tán hình ảnh có nội dung đồi truỵ; không có hành vi quấy rối dưới mọi hình thức, kể cả bằng lời nói, cử chỉ… Bên cạnh đó, khi ứng xử với người dân, công chức không được gây căng thẳng, bức xúc, uy hiếp, tấn công người dân. Nếu có va chạm, cần nghiêm túc nhận khuyết điểm và chủ động giải quyết với tư cách cá nhân, không ảnh hưởng đến cơ quan, đơn vị, tổ chức... Tại khu dân cư, công chức không tổ chức các hoạt động liên hoan, cưới hỏi, ma chay, mừng thọ, sinh nhật, tân gia, mừng thăng chức... linh đình, phô trương, lãng phí, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư… |