Nếu như phiên bản thử nghiệm “Phi công Mỹ ở Việt Nam” 2010, chỉ có 320 trang sách khổ nhỏ, phiên bản ấn hành năm 2013 có 376 trang, thì “Phi công Mỹ ở Việt Nam” phiên bản 2015 đã là 424 trang khổ lớn, được tác giả Đặng Vương Hưng sửa chữa và bổ sung thêm nhiều tư liệu quý, mang đến nhiều thông tin quý giá và ý nghĩa về mối quan hệ Việt - Mỹ từ 7 thập kỷ trước, trong đó đặc biệt là tư liệu về nhóm “Con Nai”.
Năm 1945, với tài ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tướng Claire Lee Chennault, Tư lệnh đơn vị mang “Hổ Bay” của Mỹ đóng tại vùng Hoa Nam Trung Quốc (đại diện cao nhất của quân Đồng Minh tại khu vực) đã cử đơn vị tình báo đặc nhiệm “Con Nai” thuộc Cơ quan Tình báo chiến lược OSS nhảy dù xuống Tân Trào ngày 16/7/1945, để huấn luyện giúp Việt Minh cách sử dụng một số vũ khí và bàn cách phối hợp chống phát xít Nhật. Sau khi điều chỉnh quân số, biệt đội “Con Nai” có 7 người: Thiếu tá Allison K.Thomas, là Trưởng nhóm; phiên dịch Henry Albert Prunier, Trung úy Rene Defoumeaux, bác sỹ quân y Paul Hoaglan, Thượng sỹ Lawrence Vogt, Trung sỹ kiêm nhiếp ảnh gia Aaron Squires và Thượng sỹ điện đài William Zielski.
Bìa cuốn "Phi công Mỹ ở Việt Nam".
Nhóm “Con Nai” ở cách Tân Trào 3 km, trước đó đây là nơi dành cho các lớp bồi dưỡng chính trị, nay thành thao trường huấn luyện của Việt Minh. Họ phân công nhau mỗi người mỗi việc, trong đó có người làm bác sĩ chữa bệnh cho Bác Hồ khi Người bị ốm. Vũ khí, thuốc men, thực phẩm của họ đều được tiếp tế bằng máy bay. Tuy nhiên, cả nhóm vẫn dùng thực phẩm của địa phương như cơm, ngô, măng rừng, rau và thịt gà... Mặt khác, nhóm “Con Nai” cũng tích cực tham gia huấn luyện quân sự cho lực lượng của Việt Minh, tổ chức tiếp tế một số vũ khí hạng nhẹ, hàng quân sự cho Việt Minh. Để làm việc này, họ đã cố vấn cho ta xây dựng một sân bay dã chiến ở Lũng Cò, cách Tân Trào khoảng 8 km về hướng Tây Bắc. Nhóm “Con Nai” cũng đã cùng các chiến sĩ Việt Minh thành lập “Đại đội Việt - Mỹ” khoảng 200 người, do đồng chí Đàm Quang Trung (sau này là Thượng tướng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu I, rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước...) chỉ huy, thiếu tá A.K.Thomas làm cố vấn, nhằm chung mục tiêu chống phát xít Nhật. Chính đơn vị này đã tham dự lễ xuất quân từ cây đa Tân Trào sau Quốc dân Đại hội và Quân lệnh số 1 phát động khởi nghĩa. “Con Nai” đã cùng chúng ta hành quân qua Thái Nguyên, về tận Hà Nội. Cho dù, sau đó những người lính Mỹ này đã được lệnh cấp trên “án binh bất động”... thì đó vẫn là lực lượng nước ngoài duy nhất đứng bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cách đây tròn 70 năm.
Trước khi trở về nước, những thành viên của nhóm “Con Nai” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi gắm một sứ mệnh đặc biệt: Chuyển giúp thư của Người đến Chính phủ Mỹ, đề nghị Tổng thống Harry S. Truman công nhận độc lập và giúp đỡ cách mạng Việt Nam! Nhưng tiếc là thời điểm ấy, vị Tổng thống thứ 33 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (1945 – 1953), kế nhiệm Nhà Trắng sau cái chết của Tổng thống Franklin D. Roosevelt, đang phải đối phó với nhiều mối quan tâm khác. Lịch sử quan hệ 2 nước đã phải trải qua nhiều chục năm thăng trầm, khi Mỹ gián tiếp rồi trực tiếp tiến hành chiến tranh ở Việt Nam... Hòa bình chỉ được lập lại khi các bên đã ký Hiệp định Paris và hàng trăm tù binh phi công Mỹ đã được trao trả tại sân bay Gia Lâm – Hà Nội năm 1973...
Với đề tài độc đáo, tư liệu phong phú và cách viết hấp dẫn, “Phi công Mỹ ở Việt Nam” là một trong những cuốn sách được tìm đọc nhiều nhất của Nhà văn Đặng Vương Hưng. Có thể nói, thông qua những tài liệu tuyệt mật một thời về số phận của những tù binh chiến tranh, “Phi công Mỹ ở Việt Nam” đã góp phần khái quát lịch sử quan hệ Việt – Mỹ trong 70 năm qua.
“Phi công Mỹ ở Việt Nam” chủ yếu được phát hành bằng cách chuyển phát nhanh qua bưu điện. Những cuốn sách có chữ ký mực tươi của tác giả sẽ được gửi đến tận nhà riêng, theo yêu cầu của bạn đọc. Đăng ký mua sách qua email: dangvuonghung@gmail.com, hoặc số điện thoại: 0913210520. Giá lẻ 200.000 đồng/ cuốn (kể cả cước phí). |