Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy" cho giáo viên, phụ huynh, học sinh

(Dân sinh) - Bên cạnh gia đình, các tổ chức xã hội,...nhà trường đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong công tác giáo dục phòng chống ma túy học đường. Đặc biệt, khi tệ nạn ma túy đang len lỏi dần vào môi trường học đường như hiện nay.

Những con số đáng báo động

Theo đánh giá của cơ quan công an, tội phạm ma túy ở nước ta hiện nay diễn biến phức tạp, số đối tượng nghiện ma túy ngày càng trẻ hóa (trên 50% là thanh, thiếu niên); nổi lên tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy tại nhà hàng, vũ trường, quán bar, karaoke, nhà nghỉ, khách sạn. Đáng lo ngại, trong những năm gần đây, ma túy đã và đang len lỏi vào môi trường học đường. Một số học sinh bị dụ dỗ, lôi kéo trở thành nạn nhân hoặc tham gia tàng trữ, mua bán ma túy.

Giáo dục phòng tránh ma túy trong nhà trường: Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn! - Ảnh 1.

Giáo dục phòng tránh ma túy trong nhà trường: Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn!

Báo cáo của Chính Phủ năm 2019 cũng cho thấy, tội phạm sử dụng ma túy ngày càng tăng cao. Từ 1/10/2018-30/9/2019 đã phát hiện 23.328 vụ, 36.222 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 1.222kg heroin, 6.254 kg ma túy tổng hợp. Chỉ riêng năm 2018, Việt Nam đã khởi tố hơn 23.000 bị can (tăng 26% so với 2017), trong đó lứa tuổi chưa thành niên có tới 2.300 vụ với trên 3.500 nam và 100 nữ.

Theo số liệu từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy năm 2020, trong số 234.620 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, có trên 70% số người nghiện dưới 30 tuổi, trong đó có khoảng 5% tổng số người sử dụng ma túy ở tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi) và khoảng 50% là trẻ em (dưới 16 tuổi).

Những con số đáng buồn này cho thấy, thế hệ tương lai của đất nước chúng ta đang bị ma túy hủy hoại từng ngày. Để hạn chế tình trạng ngày càng nhiều thanh thiếu niên sa vào tệ nạn ma túy và trở thành tội phạm ma túy cần đến sự phối hợp chặt chẽ của nhiều lực lượng (gia đình, nhà trường và xã hội). Đặc biệt, giáo dục phòng chống ma túy trong nhà trường đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Ngành giáo dục cần vào cuộc quyết liệt hơn

Những năm vừa qua, các nhà trường và cơ sở giáo dục đã không ngừng tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về phòng, chống ma tuý; giáo dục pháp luật về phòng, chống ma tuý và lối sống lành mạnh cho học sinh, sinh viên, học viên; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn học sinh, sinh viên, học viên tham gia tệ nạn ma tuý.

Bên cạnh đó, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác phòng, chống tệ nạn ma túy theo từng năm học, từng giai đoạn. Ban hành các quy định cụ thể của nhà trường về phòng, chống tệ nạn ma túy phù hợp với các quy định của pháp luật. Đưa nội dung quy định về phòng, chống tệ nạn ma túy vào tiêu chí đánh giá thi đua, đánh giá hạnh kiểm, rèn luyện của ban hành.

Tổ chức khám sức khoẻ khi nhập học, khám sức khỏe định kỳ cho học sinh; kiểm tra, xét nghiệm sử dụng ma túy ngẫu nhiên và xét nghiệm đột xuất khi cần thiết đối với các trường hợp học sinh có biểu hiện nghi vấn sử dụng trái phép chất ma túy. Tổ chức cho học sinh ký cam kết không liên quan đến tệ nạn ma túy, có xác nhận phối hợp quản lý của gia đình người học theo từng năm học.

Đồng thời, lập hồ sơ theo dõi các trường hợp có liên quan đến tệ nạn ma túy; phân công các tổ chức, cá nhân theo dõi, giúp đỡ học sinh có biểu hiện nghi vấn liên quan đến tệ nạn ma túy để có hình thức phối hợp xử lý kịp thời. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, tạo điều kiện để HS và cán bộ, giáo viên tham gia thường xuyên các hoạt động văn hoá, thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần, tránh xa tệ nạn ma túy.

Định kỳ tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết các hoạt động tuyên truyền, phòng chống ma túy. Có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích và xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác phòng, chống tệ nạn ma túy. Phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là gia đình HS trong công tác giáo dục, quản lý học sinh, phòng, chống tệ nạn ma tuý.

Ngoài ra, phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, học viên về phòng, chống ma tuý; đồng thời phối hợp với cơ quan y tế và chính quyền địa phương tổ chức xét nghiệm khi cần thiết để phát hiện học sinh, sinh viên, học viên nghiện ma tuý.

Trang bị bài bản khoa học kỹ năng phòng, chống ma túy

Sau nhiều năm tích cực tiến hành khảo sát, nghiên cứu cùng với sự tâm huyết của tập thể gồm 27 nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực: tâm lý, y học, sinh học thần kinh, xã hội học..., mới đây, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Phòng chống ma túy (PSD) đã hoàn thành bộ tài liệu bài bản, khoa học về "Kỹ năng phòng, chống ma túy" cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cha mẹ, học sinh cấp THCS, THPT và được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định.

Giáo dục phòng tránh ma túy trong nhà trường: Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn! - Ảnh 2.

Thực hiện Công văn số 1477/KGVX-VPCP ngày 9/3/2021 của Văn phòng Chính phủ về các chương trình trọng tâm năm 2021 trong công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Viện PSD được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương triển khai bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy" và tổ chức tập huấn cho giáo viên, phụ huynh, học sinh.

Chương trình tập huấn được tổ chức với mục đích đào tạo kiến thức, kỹ năng và thái độ, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên của chương trình; Bồi dưỡng kỹ năng tập huấn tới các đối tượng là giáo viên, cán bộ giáo dục, các bậc cha mẹ và các em học sinh THCS, THPT tại các tỉnh, thành phố.

Giáo dục phòng tránh ma túy trong nhà trường: Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn! - Ảnh 3.

Sau khi được tập huấn, các học viên sẽ nắm vững kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy; Hiểu rõ các đặc điểm xã hội, trình độ văn hóa, đặc điểm tâm lý lứa tuổi của các đối tượng gồm: giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, cha mẹ học sinh ở các trường THCS, THPT để truyền đạt phù hợp, có hiệu quả cao.

Ngoài mục tiêu giúp công tác cai nghiện ma túy một cách bền vững, Viện PSD còn hướng tới làm giảm tác hại về sức khỏe và xã hội liên quan tới sử dụng ma túy, giúp người nghiện thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình trong gia đình, cộng đồng.

Bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy" gồm 4 cuốn: Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học cơ sở; Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học phổ thông, Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh; Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Sách do Viện PSD biên soạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, NXB Y học phát hành. Sách được giới thiệu trên trang chủ của NXB Y học. Các bậc phụ huynh, học sinh và giáo viên quan tâm đều có thể tìm mua để đọc.